1.000 tấn cá bè sông La Ngà chết: Ô nhiễm hữu cơ vượt quy chuẩn

Thứ ba, 28/05/2019, 09:41 AM

Kết quả đo hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại cầu La Ngà trong ngày xảy ra hiện tượng cá chết dao động trong khoảng 2,8-3,2 mg/l, thấp hơn QCVN cho phép là trên 5mg/l. Kết quả phân tích các thông số chỉ thị ô nhiễm hữu cơ như: ammonia (N-NH4+), nitrite (N-NO2))…đều cao hơn quy chuẩn cho phép.

Gần 1.000 tấn cá bè trên sông La Ngà chết trắng, phủ kín mặt sông.

Gần 1.000 tấn cá bè trên sông La Ngà chết trắng, phủ kín mặt sông.

Ngày 27/5, Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã có kết quả bước đầu xác định nguyên nhân gần 1.000 tấn cá làng bè trên sông La Ngà chết vào ngày 16/5.

Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai xác định, nguyên nhân dẫn đến cá nuôi bè trên sông La Ngà chết hàng loạt vừa qua là do biến động bất lợi về môi trường: lượng mưa lớn và kéo dài đã cuốn tất cả vật chất hữu cơ từ thượng nguồn vào thủy vực làm môi trường thay đổi đột ngột; ô nhiễm hữu cơ cao, hàm lượng oxy hòa tan trong nước giảm thấp; chất rắn lơ lửng cao, làm tăng độ đục của nước, gây ảnh hưởng đến hô hấp của cá dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt.

Cụ thể, vào thời điểm cá chết, mực nước tại sông La Ngà rút xuống nhiều làm thu hẹp không gian sống của cá nuôi. Trong khi đó, mật độ bè nuôi đậu dày cũng dẫn đến khả năng trao đổi nước trong bè bị hạn chế. Kết quả điều tra hiện trường cũng cho thấy, một số loài cá tự nhiên và cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở nhiều loài và kích cỡ khác nhau vào ngày 16/5 không có dấu hiệu bất thường của bệnh nhiễm khuẩn; không do các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

  

Số cá chết được các hộ dân bán rẻ như cho, chỉ bằng 1/10 giá cả khi còn sống.

Số cá chết được các hộ dân bán rẻ như cho, chỉ bằng 1/10 giá cả khi còn sống.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kết quả đo hàm lượng oxy hòa tan trong nước mặt tại cầu La Ngà trong ngày xảy ra hiện tượng cá chết dao động trong khoảng 2,8-3,2 mg/l, thấp hơn QCVN cho phép là trên 5mg/l. Kết quả phân tích các thông số chỉ thị ô nhiễm hữu cơ như: ammonia (N-NH4+), nitrite (N-NO2), nhu cầu oxy hóa học (COD)…đều cao hơn quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, hàm lượng N-NH4+ cao hơn giới hạn cho phép từ 4-7 lần; hàm lượng N-NO2 cao hơn từ 2-3 lần; COD vượt từ 3-16 lần… "Xét nghiệm mẫu nước do người dân thu vào thời điểm đang có cá chết có chất lượng nước xấu; các chất ô nhiễm hữu cơ đều cao. Nhìn chung, chất lượng nước trong lưu vực được khảo sát của sông La Ngà đang trong tình trạng ô nhiễm hữu cơ cao, tổng vi khuẩn hiếm khí khá cao", báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu. 

Liên quan vụ cá chết, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án “Quản lý, sắp xếp, ổn định vùng nuôi cá bè trên hồ Trị An”.

Nguyễn Tuấn

Theo infonet.vn

largeer