19 "ông lớn" rậm rịch chuyển về Ủy ban Quản lý vốn

Thứ hai, 15/10/2018, 09:47 AM

Ngày 12/10, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã họp giao ban triển khai công việc chuyển giao hồ sơ quyền đại diện chủ sở hữu với 19 doanh nghiệp trực thuộc.

Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh chủ trì cuộc họp giao ban đầu tiên giữa lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp trực thuộc, ngày 12/10.

Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh chủ trì cuộc họp giao ban đầu tiên giữa lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp trực thuộc, ngày 12/10.

Đây là cuộc họp giao ban đầu tiên giữa lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện các doanh nghiệp trực thuộc kể từ sau khi Nghị định 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu của Ủy ban có hiệu lực.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban nhấn mạnh hiện tại, các doanh nghiệp cần chú ý 3 vấn đề trọng tâm, gồm việc chuẩn bị hồ sơ chuyển giao; đánh giá thuận lợi khó khăn khi chuyển giao và dự kiến thời gian chuyển giao.

Về kế hoạch năm 2019, ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết Ủy ban sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng chiến lược hoạt động đến 2020, 2021 và tầm nhìn 10, 20 năm tiếp theo.

Việc quản lý, sử dụng vốn và cơ chế sử dụng vốn luôn là vấn đề cần được quan tâm nhằm tăng tính chủ động của doanh nghiệp những cũng cần phải tuân thủ các quy định của pháp luật, vì vậy theo ông Nguyễn Hoàng Anh, việc bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm là điều rất quan trọng.

Về các công tác khác như cổ phần hóa, sắp xếp bộ máy và các việc tồn đọng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Anh cho rằng cần có báo cáo kịp thời để cùng tháo gỡ.

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng, hiện cơ quan này đang chuẩn bị một số công việc liên quan đến công tác chuyển giao, như số lượng doanh nghiệp, Quy chế Dự thảo bàn giao do Bộ Tài chính soạn thảo trình Thủ tướng ban hành chính thức, các bước thực hiện chuyển giao.

Ông Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh việc chuyển giao sẽ theo nguyên tắc nguyên trạng trên cơ sở báo cáo tài chính gần nhất. Quá trình chuyển giao sẽ phải được thực hiện nhanh gọn, tiết kiệm và hiệu quả.

Nội dung chuyển giao sẽ được thể hiện bằng hồ sơ chuyển giao. Trong hồ sơ phải làm rõ những vấn đề tồn đọng, trách nhiệm của từng bên liên quan…

Đại diện các tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí, Điện lực, Than-Khoáng sản, Bưu chính viễn thông, Hóa chất, Petrolimex…cho rằng dù còn nhiều khó khăn do thời gian gấp nhưng các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm ổn định sản xuất kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban…

19 tập đoàn, tổng công ty sẽ được chuyển giao về Uỷ ban, gồm: Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

 Cùng với đó là Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không, Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

BẢO QUYÊN

Theo Vneconomy

largeer