2 năm triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt: Nhiều kết quả khả quan

Thứ ba, 15/01/2019, 15:33 PM

Với việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ, nhiều quốc gia đã và đang tiến tới xã hội không dùng tiền mặt. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu báo cáo kết quả 2 năm thực hiện đề án Thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Kim Ngọc

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh phát biểu báo cáo kết quả 2 năm thực hiện đề án Thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Kim Ngọc

Ngày 15/1, Hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt” dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đã diễn ra tại TP.HCM nhằm tổng kết 2 năm thực hiện đề án này.

Theo báo cáo của đại diện NHNN, đã có nhiều kết quả đạt được sau 2 năm triển khai đề án này. Thứ nhất, hiện nay cả nước đã lưu hành được 101 triệu thẻ thanh toán, số lượng giao dịch qua POS tăng tương ứng 41,8% và 29,4% so với cùng kỳ 2017. Đến nay, có 76 đơn vị đã triển khai dịch vụ thanh toán qua internet và 41 đơn vị triển khai thanh toán qua di động. Một số ngân hàng thương mại đã nghiên cứu, hợp tác triển khai các công nghệ, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như xác thực sinh trắc học, mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc (contactless), công nghệ mPOS...

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết: năm 2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn 137,6 triệu giao dịch với giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP, tương ứng mức tăng 25% và 24% so với năm 2017. Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán điện tử bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH) với nhiều tính năng, tiện ích mới cũng đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện để sớm đi vào vận hành trong năm 2019.

 Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại trong quá trình triển khai đề án, nhất là các hình thức, chức năng thanh toán chưa phù hợp với đại đa số người tiêu dùng đặc biệt là khu vực nông thôn. Chưa có sự kết nối giữa đơn vị cung ứng dịch vụ với các đơn vị thanh toán để đẩy mạnh triển khai dịch vụ. Đồng thời tính bảo mật thông tin cho khách hàng cũng là một trong những vấn đề đáng được quan tâm.

Định hướng thời gian tới, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ bàn hành Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và các chương trình an sinh xã hội; Ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa và Bộ tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR Code hiển thị từ phía đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam” làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán áp dụng nhằm tăng khả năng thanh toán liên thông, tăng cường an toàn, bảo mật giao dịch của khách hàng.

Kim Ngọc

Theo NTD

largeer