41 hồ sơ GS, PGS không chuẩn xác: Bộ công khai “nửa vời”, trường kêu “oan”

Thứ sáu, 13/04/2018, 16:59 PM

Mặc dù Bộ GDĐT đã công bố danh sách các đơn vị xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS năm 2017, trên cơ sở công khai, minh bạch và sẽ có hình thức xử lý nghiêm. Thế nhưng, dư luận hết sức băn khoăn bởi những người thực sự làm sai, khai báo hồ sơ không chuẩn chính là các ứng viên GS, PGS lại không công khai, minh bạch.

Lỗi của từng trường, học viện cụ thể ra sao, xác nhận không chuẩn xác cho đối tượng nào thì vẫn “tù mù”. Thậm chí, có trường cho biết họ bị “oan” khi Bộ GDĐT chỉ công bố “nửa vời”. 

Không được xử lý “mạnh tay”?

Ngày 5.4, Bộ GDĐT có văn bản công bố công khai 31 đơn vị xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS năm 2017 và yêu cầu kiểm điểm, xử lý vi phạm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai sót khi xác nhận thời gian giảng dạy cho các ứng viên.

Cũng liên quan tới vấn đề xử lý các trường, ngày 6.4, trả lời trên báo Vietnamnet, một lãnh đạo HĐCDGS nhà nước cho biết: “Như năm 2017, với 31 đơn vị làm không đúng, chỉ có thể yêu cầu rút kinh nghiệm, còn việc xử phạt với hình thức như thế nào không được làm mạnh tay do văn bản cũ trước đây không nêu rõ”.

Nếu như điều này là thật thì đây tiếp tục là kẽ hở trong quy chế cũ bao gồm vô vàn các quy trình lỏng lẻo đã được chuyên gia vạch ra nhưng chúng ta vẫn đang thực hiện bao năm nay. Nhiều người tiếp tục đặt nghi vấn không chỉ về chất lượng GS, PGS năm 2017 mà còn là cả những năm về trước.

Về trách nhiệm của các cơ sở xác nhận, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng, vẫn có thể xác định trách nhiệm thuộc về người xác nhận là Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học, theo khoản 3 Điều 10 Thông tư số 16/2009/TT-BGDĐT ngày 17.7.2009 của Bộ GDĐT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 30/2012/TT-BGDĐT ngày 11.9.2012 của Bộ GDĐT (gọi tắt là Thông tư 16).

Empty

Ngoài ra, trách nhiệm của các ứng viên và HĐCDGS cơ sở cũng được quy định rõ trong Thông tư 16 nhưng việc xử lý, kiểm điểm trách nhiệm còn chưa có một văn bản cụ thể nào yêu cầu xem xét trách nhiệm rõ ràng.

Cụ thể, đối với trách nhiệm của các ứng viên, khoản 4 Điều 12 Thông tư 16 quy định: “Ứng viên phải chịu trách nhiệm về sự chuẩn xác của hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS và các văn bản sao chụp. Khi cần thiết, HĐCDGS nhà nước, HĐCDGS ngành, liên ngành, HĐCDGS cơ sở có thể yêu cầu ứng viên nộp bản chính hoặc tài liệu gốc các giấy tờ, văn bản trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS để đối chiếu”.

Đối với HĐCDGS cơ sở trách nhiệm được quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 16: “Chủ tịch HĐCDGS cơ sở chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ, tổ chức kiểm tra sự đầy đủ và chính xác của các văn bản, giấy tờ, số liệu trong hồ sơ đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS nộp tại HĐCDGS cơ sở”.

Như vậy, hoàn toàn có đủ căn cứ để xác định trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với từng cá nhân cụ thể có liên quan trong vụ để “lọt” 41 hồ sơ chức danh GS, PGS không chuẩn xác.

Không công bố công khai khiến “vàng thau lẫn lộn”

Đại học Văn Hiến (TPHCM) là 1 trong số 31 cơ sở bị “bêu tên” trong việc xác nhận hồ sơ không chuẩn xác cho ứng viên GS, PGS năm 2017. Tuy nhiên, đại diện trường này cho biết họ bị động và có phần hơi “oan” khi nằm chung với danh sách với các đơn vị xác nhận sai. Trường chỉ là không kịp “trở tay” để bổ sung đủ tài liệu cho đoàn thanh tra.

Cụ thể, Đại học Văn Hiến đã xác nhận giờ giảng dạy cho một giảng viên thỉnh giảng ở trường hơn 10 năm trước. Đại diện trường cho biết chỉ xác nhận việc ứng viên từng giảng dạy ở khoa Kỹ thuật công nghệ với thời gian cụ thể. Thông tin này vẫn được lưu trữ qua file mềm bảng điểm, chứng nhận hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên. Riêng sổ đầu bài, hợp đồng giảng dạy chỉ có bản cứng, được lưu trong kho cùng rất nhiều dữ liệu khác, sau 10 năm với 4 lần chuyển địa điểm, số lượng hồ sơ rất lớn nên Trường Đại học Văn Hiến chưa tìm được ở thời điểm kiểm tra.

Đại học Văn Hiến kiến nghị Bộ GDĐT ghi rõ mức độ sai phạm của cơ sở giáo dục. Ảnh: TL

Đại học Văn Hiến kiến nghị Bộ GDĐT ghi rõ mức độ sai phạm của cơ sở giáo dục. Ảnh: TL

“Đoàn Thanh tra của Bộ chỉ báo xuống trường kiểm tra trước 1 ngày. Trong vòng 1 ngày, chúng tôi không thể tìm được hồ sơ thỉnh giảng của 10 năm trước do đã có 4 lần chuyển trường và kho lưu trữ ở cách quá xa so với cơ sở hiện tại của trường. Nên tại thời điểm kiểm tra, chúng tôi có kí biên bản của Bộ là đang thiếu minh chứng chứ không phải là xác nhận sai phạm. Trường cũng hứa với Bộ là sẽ tìm được bản cứng và bổ sung sớm cho Bộ. Hiện trường đã tìm được các chứng từ này và sẽ bổ sung đầy đủ cho Bộ. Việc để tên Trường Đại học Văn Hiến cùng với các đơn vị xác nhận sai là do Bộ không minh bạch, rõ ràng trong công bố thông tin”.

Đại học Văn Hiến cũng cho biết, việc ứng viên vẫn đưa vào hồ sơ công nhận chức danh GS, PGS thời gian thỉnh giảng 10 năm trước ở trường trong khi quy định tính thâm niên cho ứng viên là 6 năm, lỗi thuộc cá nhân người nộp hồ sơ.

Việc bị đưa vào danh sách 31 cơ sở xác nhận không chính xác hồ sơ cho ứng viên GS, PGS năm 2017, không nêu rõ mức độ sai phạm, khiến trường bị ảnh hưởng và phải truyền thông nội bộ để cán bộ, giảng viên bớt hoang mang.

Kết quả công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. Đồ hoạ: HN

Kết quả công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017. Đồ hoạ: HN

Như Báo Lao Động đã đưa tin, sau kiểm tra rà soát 94 hồ sơ, có đến 41 hồ sơ ứng viên không đủ điều kiện để công nhận đạt tiêu chuẩn. Kết quả kiểm tra hồ sơ của các ứng viên cho thấy, sai sót chủ yếu nằm ở các khâu: Ứng viên kê khai hồ sơ thiếu chuẩn xác, thiếu minh chứng cụ thể; cơ sở giáo dục đại học xác nhận thông tin do ứng viên kê khai chưa chặt chẽ; các HĐCDGS ngành/liên ngành thẩm định hồ sơ chưa kỹ.

Như vậy, kết quả của việc này đã rõ, không thể chỉ rút kinh nghiệm chung chung mà cần quy trách nhiệm thật rõ ràng cho từng ứng viên, từng người để tránh hiện tượng “cha chung không ai khóc” dẫn đến các sự việc dần bị “chìm xuồng”. Để thực sự minh bạch, lấy lại lòng tin của dư luận, Bộ GDĐT cần công khai lỗi của từng trường, từng ứng viên trong vụ và cần có những quyết định xử lý thật nghiêm cho từng đối tượng.

HUYÊN NGUYỄN

Theo LĐO
Từ khóa:

GS

PGS

Bộ GDĐT

largeer