5 thực phẩm không thể bỏ qua nếu bạn không muốn ốm vặt lúc giao mùa

Thứ năm, 02/11/2017, 09:00 AM

Thời điểm giao mùa là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây các bệnh hô hấp và cảm cúm, dị ứng viêm mũi phát triển. Tuy nhiên, nếu có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý thì sẽ là cách tốt nhất để đẩy lùi bệnh tật.

5 nhóm thực phẩm dưới đây là những gợi ý thích hợp trong chế độ ăn của bạn:

Thực phẩm giàu kẽm, protein

Thịt bò là thực phẩm tốt nhất để tăng đền kháng, tuy nhiên mỗi người không ăn quá 100g/ngày. Ảnh minh họa

Thịt lợn nạc, thịt bò, thịt gà chứa nhiều protein, đây là những thực phẩm chứa nhiều thành phần quan trọng giúp duy trì, tăng cường đề kháng. Thêm vào đó, chất kẽm trong thịt nạc còn có tác dụng hỗ trợ các tế bào bạch cầu của cơ thể chống nhiễm trùng hiệu quả.

Ngoài ra, bổ sung thực phẩm chứa kẽm vào chế độ ăn như tôm, cua, sò, ngao, cá thu… cũng là giải pháp tốt nhất để tăng cường miễn dịch, phòng các bệnh do vi rút như cảm cúm, cảm lạnh gây nên.

Rau củ quả sáng màu

Ảnh minh họa

Cam, chanh, bưởi, táo... dồi dào vitamin C tự nhiên. Vitamin C cải thiện hệ miễn dịch bằng cách giúp cơ thể tăng cường sản sinh các tế bào bạch cầu và kháng thể chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập cơ thể.

Các loại rau, củ, quả màu vàng như gấc, đu đủ, xoài, cà rốt, bí đỏ, khoai lang vàng... là những thứ rất tốt cho sức khỏe vì chúng là nguồn cung cấp dồi dào các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho hoạt động của cơ thể.

Rau màu xanh đậm

Các loại rau màu xanh đậm (súp lơ, rau dền, rau ngót, rau cải...) chứa nhiều sắt, giúp tăng cường hệ miễn dịch và phòng tránh táo bón.

Cải bó xôi giàu axit folic giúp tái tạo tế bào, đồng thời nó cũng chứa nhiều vitamin C và kali. Một bát rau cải bó xôi luộc thậm chí còn nhiều kali hơn một cốc chuối cắt lát đầy. Súp lơ xanh cũng là “dũng sĩ” chiến đấu với bệnh tật. Ngoài việc chứa nhiều vitamin C và canxi, nó còn giúp cơ thể giải độc tự nhiên, đồng thời giữ niêm mạc ruột khoẻ mạnh.

Tỏi

Ảnh minh họa

Tỏi có tác dụng chống oxy hoá, bảo vệ màng tế bào, chống nhiễm trùng, tăng số lượng và sức mạnh chống lại mầm bệnh của bạch cầu. Các nghiên cứu cho thấy, dùng tỏi hàng ngày giảm được 70% nguy cơ cảm lạnh. Trong tỏi có 3 hoạt chất chính là allicin, liallyl sulfide và ajoene. Chất allicin có tác dụng kháng khuẩn cao, song không sẵn có trong tỏi. Khi được cắt mỏng hoặc đập dập thì tác dụng chống bệnh tật càng cao.

Nấm

Nấm cũng giúp tăng cường số lượng và khả năng hoạt động của bạch cầu, từ đó tăng sức đề kháng cho cơ thể. Có nhiều loại nấm ăn rất tốt như nấm hương, nấm rơm... Tuy nhiên, không được ăn các nấm có màu sắc sặc sỡ vì trong các loại nấm này có chứa chất độc. Đã có một số người chết vì ăn phải loại nấm này.

Một số cách phòng tránh bệnh khi thời tiết giao mùa

Để phòng tránh bệnh khi thời tiết giao mùa, ngoài tăng cường chế độ ăn giàu dưỡng chất, cần lưu ý những điều sau đây:

Cần giữ môi trường sống trong sạch và luyện tập thể dục thể thao đều đặn.

Uống nước thường xuyên, bảo từ 2 lít đến 2,5 lít/1 người/1 ngày để thanh lọc cơ thể và tăng sức đề kháng.

Sinh hoạt điều độ, không làm việc quá khuya, ngủ đủ từ 7 đến 8h mỗi ngày.

Tiêm vắc xin phòng dịch theo mùa.

Khi ra ngoài, cần đeo khẩu trang, nhỏ thuốc sát trùng để tránh nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh càng nhiều càng tốt.

Theo M.H (GĐ&ĐXH)

Tiến Huy
Từ khóa:

largeer