6 năm - 2 quyết định tái cơ cấu, Vinacafe vẫn bị Trung Nguyên vượt mặt

Thứ tư, 14/03/2018, 10:56 AM

6 năm và 2 quyết định tái cơ cấu nhưng Vinacafe vẫn cho kết quả kinh doanh đì dẹt, không thể chuyển mình và để cho Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ vượt mặt, dù công ty này đang vướng vào chuyện lục đục của gia đình.

Báo cáo của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho thấy, năm 2017, lượng cà phê xuất khẩu của Tổng công ty là 37.000 tấn, trong khi chỉ tiêu đề ra là 50.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 73 triệu USD, trong khi chỉ tiêu đề ra là 100 triệu USD; lợi nhuận đạt 77 tỷ đồng, trong khi mục tiêu đề ra là 106 tỷ đồng.

Vướng kiện tụng, Trung Nguyên vẫn vượt mặt

Là một doanh nghiệp có bề dày lịch sử, tuy nhiên, Vinacafe vẫn mãi loay hoay với bài toán tái cơ cấu và không thể chuyển mình được. Trong khi đó Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ dù lục đục chuyện gia đình do 2 vợ chồng muốn li hôn nhưng vẫn vượt mặt Vinacafe.

Vụ kiện tụng của hai vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến công việc xuất khẩu của công ty phần nào xuống dốc. Trung Nguyên đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần.

Nguồn: Cafef

Nguồn: Cafef

Năm 2015 và 2016, doanh thu thuần của Trung Nguyên Group (công ty mẹ) đã có sự sụt giảm nhẹ, lần lượt là 3.846 tỷ đồng và 3.813 tỷ đồng – giảm khoảng 1% so với năm liền kề trước đó. Trong khi doanh thu của Vinacafe là 3.309 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 420 tỷ đồng, bằng 54,7% của Trung Nguyên. Năm 2017, doanh thu của Trung Nguyên chỉ chưa đầy 3.250 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm còn 372 tỷ đồng, nhưng vẫn cao hơn con số 77 tỷ đồng lợi nhuận của Vinacafe, sụt giảm so với năm 2016.

Nguồn: Cafef

Nguồn: Cafef

Theo giải thích của lãnh đạo Vinacafe, lợi nhuận sụt giảm là do năm 2017 giá cà phê xuất khẩu sụt giảm, diện tích cà phê thanh lý để tái canh nhiều khiến năng suất chung bị giảm.

Ở một góc nhìn khác, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhắc nhở Vinacafe cần phải nhìn thẳng vào sự thật để biết mình đang ở đâu.

“Hiện Tổng công ty có khoảng 16.500 ha cà phê trong tổng diện tích 662.000 ha trên cả nước, tức chỉ chiếm chưa đến 2%; sản xuất ra 2,1% lượng cà phê cả nước. Như vậy, liệu Tổng công ty có thể trở thành doanh nghiệp nòng cốt hay không?”, Thứ trưởng Tuấn đặt câu hỏi.

Mặc dù con số báo cáo thành tích của Tổng công ty khá “đẹp”, đặc biệt là thu nhập bình quân của người lao động đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng, nhưng Thứ trưởng chỉ ra sự thật là, trong số trên 28.300 người lao động, mới chỉ có khoảng 10.600 người đóng bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 37%. Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty xem xét lại vấn đề chế độ chính sách của người lao động và việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý lao động.

Chỉ giải thể, phá sản, sáp nhập thì tái cơ cấu để làm gì?

Mới đây, Vinacafe lại tiếp tục xây dựng và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp đổi mới Tổng công ty giai đoạn 2017-2020.

Theo đó, cổ phần hóa Công ty mẹ - tổng công ty (gồm 7 công ty nông nghiệp và 3 đơn vị thương mại); cổ phần hóa 18 công ty con; xin chuyển Công ty 715A, Công ty 715C từ thành lập công ty TNHH 2 thành viên sang cổ phần hóa (nếu chuyển đổi được cây trồng); xin chuyển công ty Cà phê Ia Châm sang cổ phần hóa với công ty mẹ, giải thể 4 công ty, 1 công ty chuyển thành hai thành viên (nếu không được thì giải thể).

Vinacafe tiếp tục trình bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án tái cơ cấu (Ảnh: IT)

Vinacafe tiếp tục trình bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án tái cơ cấu (Ảnh: IT)

Trong số 18 công ty con cần cổ phần hóa, hiện Tổng công ty mới bắt tay vào xác định giá trị doanh nghiệp của 5 công ty là: Công ty TNHH một thành viên Cà phê 715B, Công ty Cà phê IaBlan, Công ty Cà phê 734, Công ty Cà phê Đắk Nông và Công ty Cà phê 705. Tuy nhiên, tại từng đơn vị có những tồn tại chưa được giải quyết như: phương án sử dụng đất chưa được phê duyệt, nhiều tồn tại tài chính chưa xử lý được. Do vậy, Tổng công ty đã điều chỉnh thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, kéo dài thời gian công bố doanh nghiệp của đơn vị.

Về đề nghị thay đổi phương án tái cơ cấu của Vinacafe, thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết Bộ chưa dám trình lên Thủ tướng. “Tái cơ cấu để làm gì, nếu như chỉ là tiếp tục cổ phần hoá, giải thể, phá sản và sáp nhập? Nếu chúng ta không phát triển dịch vụ, chế biến, thương mại xuất khẩu, thì có làm mấy chăng nữa, với 16.500 ha cà phê, cũng không thể trở thành đầu tàu của ngành, không thể chi phối thị trường”, Thứ trưởng Tuấn chỉ đạo.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Vinacafe phải tổ chức hội nghị “Diên Hồng” để lấy ý kiến các đơn vị thành viên, lấy ý kiến những người có kinh nghiệm qua các thời kỳ trên cơ sở định hướng của Nhà nước trong việc tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp. Một khi có phương án tái cơ cấu khả thi, Bộ mới có thể trình lên Chính phủ phê duyệt.

Được biết, Vinacafe đã được Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu từ rất sớm, nhưng triển khai lại rất chậm. Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 quyết định về tái cơ cấu Tổng công ty.

Dự kiến, dù có cổ phần hóa đúng tiến độ hay không, Vinacafe sẽ được chuyển giao sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý. Ngoài Vinacafe, danh sách các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực nông nghiệp sẽ chuyển sang “siêu ủy ban” quản lý còn có: Tập đoàn Cao su việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Ngân

Theo Dân Việt

largeer