73 học sinh nghi ngộ độc ở Đồng Nai: Thử thách niềm tin!

Thứ tư, 18/04/2018, 14:50 PM

Đã hơn 45 ngày trôi qua kể từ khi 73 học sinh tiểu học và mầm non (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phải đi cấp cứu với triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm ngày 2.3.2018 nhưng nguyên nhân do đâu vẫn chưa được các cơ quan chức năng kết luận, trong khi đó sức khỏe của một số trẻ vẫn tiếp tục diễn tiến xấu, gây hoang mang lo lắng cho các phụ huynh.

Có sự trùng hợp là tai họa ập đến ngay trong buổi sáng đầu tiên học sinh uống sữa tươi 100% - sữa tươi tiệt trùng có đường, dung tích 180ml - thay thế cho sữa hoàn nguyên mà Nutifood là doanh nghiệp trúng thầu cung cấp cho chương trình Sữa học đường tại Đồng Nai từ 2017.

Mới xuất viện lại tái phát

Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 là tuyến cuối thực hiện hai đợt điều trị cho 9/73 bệnh nhi nặng nhất sau “buổi sáng tai họa”. Tính đến ngày thứ Sáu tuần rồi (13.4.2018), đã có 7 bệnh nhi được phép xuất viện đợt hai. Tuy nhiên, phần lớn trong số này vẫn tiếp tục tái phát sau khi về nhà. 

Các học sinh từ vụ ngộ độc ngày 2.3, hơn một tháng sau vẫn phải điều trị tại bệnh viện.

Các học sinh từ vụ ngộ độc ngày 2.3, hơn một tháng sau vẫn phải điều trị tại bệnh viện.

Anh Trương Đình Thọ, phụ huynh của bé Trương Nguyễn Hoàng Thương (lớp 2/2 Trường tiểu học Phạm Văn Đồng, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú) nói với Người Đô Thị rằng bé bị đau bụng, ói và thường xuyên co quắp khớp tay, khớp chân. Cũng như thời gian điều trị ở bệnh viện, những cơn đau thường xuất hiện vào khoảng 9g-9g30 và 14g-14g30 trong hai ngày cuối tuần.

Anh Trần Thanh Sơn, phụ huynh bé Trần Trọng Phúc (lớp 2/3 Trường tiểu học Phạm Văn Đồng) cho biết bé chưa đi cầu được sau hai ngày về nhà. Ngày 14.4.2018, cơn đau hành dữ dội đến mức: “cháu nằm chổng khu (mông - NV) lên luôn. Tối ngủ không thẳng giấc, chân tay bị giựt”.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Thúy, bà ngoại của bé Châu Ngọc Lan (lớp 2/2 Trường tiểu học Phạm Văn Đồng) bé “ôm bụng lăn lộn” trong khoảng thời gian từ 20g-21g45 ngày 14.4. Khoảng 10g sáng ngày kế tiếp, cơn đau quay trở lại nhưng thời gian ngắn hơn, khoảng 40 phút.

Còn bé Trần Ngọc Mai bị đau nhẹ hôm 14.4 nhưng sáng 15.4 thì “đau quằn quại”, theo mẹ của bé là chị Tống Thị Hằng.

Cũng như những trường hợp trên, các cháu có lịch tái khám vào ngày 17.4.2018. Trao đổi với Người Đô Thị, chị Hằng cho biết: “Tui hoang mang lắm, không biết phải đặt niềm tin vào đâu nữa. Rối lắm. Không biết giải quyết thế nào nữa”.

Hoang mang

Bé Nguyễn Thị Như Ý, Trường mầm non xã Phú Lộc, là trường hợp được tái khám sớm nhất, ngày 16.4.2018. Cha của bé là anh Nguyễn Hùng Khương kể với Người Đô Thị rằng bác sĩ chẩn đoán bé bị “táo bón mạn tính”, có thể phải điều trị kéo dài từ 6 tháng đến một năm. 

Chị Nhài, mẹ bé Đặng Thị Thanh Trâm đang trình bày sự việc với Người Đô Thị.

Chị Nhài, mẹ bé Đặng Thị Thanh Trâm đang trình bày sự việc với Người Đô Thị.

2/9 bệnh nhi được bệnh viện giữ lại trong đợt xuất viện vừa nêu là Nguyễn Lê Nhật Minh và Đặng Thị Thanh Trâm. Sáng 16.4, bệnh viện yêu cầu đưa hai bé đi “khám tâm lý”. Phụ huynh của hai bé đã chuẩn bị phương án đưa hai bé ra nước ngoài điều trị trong trường hợp bệnh lý của các cháu tiếp tục diễn biến xấu trong khi căn nguyên của bệnh vẫn trong vòng bí ẩn.

Được biết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 hôm 11.4 vừa qua, đã thành lập Hội đồng khoa học cùng một số chuyên gia từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM và Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai, thực hiện hội chẩn cho nhóm bệnh nhi này.

Trong cuộc tiếp xúc với Người Đô Thị trưa 15.4, chị Nhài (mẹ bé Đặng Thị Thanh Trâm, lớp 2/2, trường tiểu học Phạm Văn Đồng), cho biết Bệnh viện Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai tiến hành xét nghiệm nước tiểu của bé trong thời gian ở tuyến dưới, còn Nhi Đồng 1 đã tiến hành “xét nghiệm nước tiểu, phân, máu, chụp X quang 1 lần và siêu âm hai lần” đối với Thanh Trâm nhưng chị chưa nhận được kết quả xét nghiệm của con gái.

“Em cảm thấy cơ thể xuống dốc thật mạnh, như đến đáy rồi… Em rất là sợ… Em sợ không chữa được cho cháu. Em nghĩ nhiều khi con mình xảy ra một cái gì đó ngoài tầm tay của mình. Từ hôm qua em khóc rất nhiều. Nhưng mà em không dám khóc trước mặt con. Em sợ con em cũng sợ theo em”, người mẹ trẻ bật khóc.

Chồng chị đã phải gửi tạm hai đứa con ở nhà cho bà con trông giùm, đón xe lên bệnh viện phụ vợ chăm sóc bé Trâm. Áp lực tâm lý dường như khiến người mẹ này kiệt sức. 

Thượng Tùng – Trọng Văn

Theo nguoidothi

largeer