Ai chịu trách nhiệm vụ heo bị tiêm thuốc an thần?

Chủ nhật, 15/10/2017, 08:22 AM

Vụ heo đeo vòng nhận diện tiêm thuốc an thần bị phát hiện tại lò mổ Xuyên Á (H.Củ Chi, TP.HCM) đã xảy ra gần 2 tuần nay, nhưng tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một đơn vị chức năng nào đứng ra chịu trách nhiệm. Sau vụ việc này, dư luận lại có thêm nỗi lo về các vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo.

Việc quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn còn nhiều vướng mắc.

Dù đã mang vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc nhưng các con heo tại lò mổ Xuyên Á vẫn bị tiêm thuốc.

Sự cố gần 4.000 con heo xác định bị tiêm thuốc an thần (trong số này có khoảng 1.000 con heo mang mầm bệnh lở mồm long móng) trước khi mổ đang khiến người dân sống trên địa bàn TP.HCM và các vùng lân cận hoang mang.

Ai chịu trách nhiệm chính?

Sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã yêu cầu đình chỉ công tác tổ trưởng và 2 tổ phó thuộc Chi cục Thú y để phục vụ điều tra, đồng thời yêu cầu 17 nhân viên thú y liên quan viết bản kiểm điểm, tường trình.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Hiện tại các bên liên quan đang chờ làm báo cáo về vụ việc cũng như công tác xử lý của đơn vị thú y trong việc xử lý sự cố. Từ khi xảy ra vụ việc, UBND TP.HCM vẫn chưa thể nhóm họp xử lý về việc này do việc tiêu hủy vẫn chưa có kết luận cuối cùng hoặc vẫn chưa tổng hợp đầy đủ thông tin chi tiết vấn đề”.

Thị trường đang có nhiều bất ổn vì heo đang xuống giá.

Đề cập đến đơn vị chịu trách nhiệm chính, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Dù đề án thành lập Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TP.HCM là sẽ quản lý vấn đề an toàn thực phẩm ngay từ khi giết mổ nhưng khi thành lập ban xong vẫn chưa thể áp dụng quyền hạn này ngay. Thời điểm này, công tác giết mổ sẽ do bên nông nghiệp đảm trách và ban chỉ chịu trách nhiệm các vấn đề về an toàn thực phẩm”.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho hay heo bị tiêm thuốc an thần ngay tại lò mổ là do sự lỏng lẻo của cơ quan thú y. Bởi theo quy trình, lực lượng thú y sẽ quản lý từ khâu thu mua đến khi giết mổ và mang sản phẩm ra thị trường. Dù chưa xác định được có sự tiếp tay của một cán bộ hay không nhưng khi heo bị nhiễm thuốc an thân trước khi mổ là một sai sót từ khâu quản lý của cơ quan thú y.

Trước đó, ngay khi xảy ra sự cố heo bị tiêm thuốc an thần, các sạp heo tại nhiều chợ truyền thống rơi vào tình trạng khan hàng cục bộ.

Mang vòng truy xuất nhưng vẫn bị tiêm thuốc

Ông Hòa cho rằng: “Việc truy xuất nguồn gốc thịt heo thời điểm này xuất hiện nhiều vấn đề lớn và nó đang bị nghẽn ở nửa đầu quy trình. Theo đó, để tiến hành truy xuất nguồn gốc thịt heo cần phải có sự tham gia hưởng ứng từ 4 chủ thể, gồm: Nông dân chăn nuôi, thương lái giết mổ, các đơn vị phân phối đầu mối, nhà bán lẻ. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai đề án đến nay chỉ chủ thể đầu tiên là nông dân chăn nuôi hưởng ứng nhiệt tình, sang chủ thể thứ 2 thì chúng tôi gặp vấn đề, họ không hưởng ứng trong khi chế tài vẫn chưa có khiến chiếc vòng nhận diện trở thành vô giá trị.”

Thống kê sơ bộ từ Sở Công thương TP.HCM, tính trên toàn thị trường thành phố chỉ có kênh phân phối hiện đại (chiếm 17-18% thị trường) thực hiện triển khai tốt đề án truy xuất nguồn gốc. Phần còn lại, việc truy xuất nguồn gốc không thể thực hiện toàn bộ khi mà chưa tới 20% thương lái giết mổ chịu tham gia đề án và việc né tránh của phần đông thương lái đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Sở Công thương TP.HCM sẽ siết chặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng như các điều kiện thông tin về tem truy xuất tại chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền.

Ông Hòa cho hay: “Do thương lái không tham gia truy xuất nguồn gốc thịt heo nên việc kiểm soát khâu này rất khó khăn và phải có sự kiểm soát chặt của cơ quan thú y từ khâu vận chuyển đến giết mổ. Trong khi đó, lò Xuyên Á chỉ là nơi cho thuê mặt bằng chứ không phải là nơi kiểm soát thương lái và chủ lò mổ cũng không có chức năng, quyền hạn kiểm soát, xử lý tiêu cực. Vậy nên, khâu giết mổ cần phải có chế tài, ràng buộc để họ tham gia đề án, có như vậy chúng tôi mới vận hành bộ máy trơn tru được.”

Theo ông Hòa, tối 15/10 và rạng sáng 16/10 Sở Công thương TP.HCM sẽ tiến hành triển khai hình thức ràng buộc đối với các thương lái thông qua chợ đầu mối an toàn. Qua đó, các chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền sẽ siết chặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng như các điều kiện thông tin về tem truy xuất. Trường hợp heo đã được kích hoạt thông tin giết mổ trên vòng nhận diện sẽ được nhập vào chợ đầu mối còn ngược lại sẽ không được tham gia kinh doanh tại chợ. Đây được xem là bước ràng buộc đối với các thương lái giết mổ thịt heo nhằm thúc đẩy họ tham gia việc truy xuất này.

Phát hiện thêm 70 con heo tiêm thuốc an thần

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, việc tiêu hủy gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần đã hoàn tất từ ngày 5/10 tại Nhà máy đốt rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) thông qua lò đốt bằng gas cùng với các chất thải khác. Sau khi tiêu hủy, xỉ tro thu được đã đưa đi chôn lấp tại khu vực an toàn trong bãi rác. Và toàn bộ chi phí tiêu hủy này sẽ do các thương lái chi trả.

Để kiểm soát tình hình giết mổ trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiến hành họp với các thương lái và phối hợp với ngành công thương yêu cầu họ thực hiện việc đăng ký kinh doanh nhằm tăng cường việc kiểm soát hoạt động giết mổ. Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã thành lập 2 đoàn thanh tra thường xuyên kiểm tra các cơ sở giết mổ để siết chặt hoạt động giết mổ cũng như tăng cường lấy mẫu liên quan đến các chất kích thích, an thần. Các cơ sở giết mổ cũng phải cam kết tuyệt đối không sử dụng thuốc an thần và các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý ngay.

Cũng theo thông tin từ Chi cục Thú y TP.HCM, đêm 10/10, đoàn thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM tổ chức kiểm tra lâm sàng các lô heo nhập vào lò Hòa Phú (H.Củ Chi). Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 70 con heo (khoảng 6,3 tấn) bị tiêm thuốc an thần trong tình trạng mệt mỏi đã được Chi cục Thú y Bà Rịa-Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau khi bị phát hiện, chủ thương lái đã thừa nhận vụ việc cũng như chấp nhận đóng khoản tiền phạt, tiền tiêu hủy trên 100 triệu đồng.

Theo Đức Hùng (NTD)

Nguyễn Như
Từ khóa:

largeer