ASIAD 2018 khai mạc, CĐV Việt Nam đồng loạt theo dõi tường thuật trực tiếp trên các trang web lậu

Chủ nhật, 19/08/2018, 16:29 PM

Tối ngày 18/8/2018, lễ khai mạc ASIAD 2018 đã chính thức diễn ra tại SVĐ Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Do Việt Nam không có bản quyền giải đấu này, các CĐV đã tìm các trang web lậu để theo dõi ngày hội thể thao của châu lục.

Một lễ khai mạc tràn đầy năng lượng 

Với chủ đề “Năng lượng của châu Á”, Ban tổ chức ASIAD 2018 đã đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này. Buổi lễ kéo dài khoảng 3 giờ, với sự tham gia của 4.000 vũ công, gần 20 ca sĩ và hàng trăm nhạc sĩ Indonesia, cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới như nghệ sĩ piano 15 tuổi Joey Alexander hay nữ ca sĩ gốc Indonesia Anggun Sasmi.

Một sân khấu rất lớn được dựng lên mô phỏng vùng đất với nhiều cây xanh, thác nước và đồi núi nhằm giới thiệu tới bạn bè thế giới sự kỳ vĩ của thiên nhiên của xứ Vạn đảo cùng văn hóa đa dạng nơi đây. Để thể hiện ý tưởng này, một ngọn núi nhân tạo nặng tới 600 tấn, dài 135m, rộng 30m và cao 26m đã được dựng ngay trong SVĐ Gelora Bung Karno với sức chứa 76.127 chỗ ngồi.

Lễ khai mạc ASIAD 2018 diễn ra rất hoành tráng

Lễ khai mạc ASIAD 2018 diễn ra rất hoành tráng

Tại lễ khai mạc, ông Al-Ahmed Al-Sabah, Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á, đã dành lời cảm ơn nước chủ nhà Indonesia và nói về ý nghĩa của ASIAD vượt ra ngoài một cuộc đua tranh thể thao. Tổng thống nước chủ nhà Indonesia, Joko Widodo đã tuyên bố khai mạc ASIAD 2018. Trước đó, ông Joko Widodo đã có màn xuất hiện vô cùng ấn tượng và bất ngờ tại lễ khai mạc khi tự lái xe môtô vào sân vận động.

CĐV Việt Nam bức xúc với VTV

Lễ khai mạc ASIAD 2018 thu hút hơn 1 tỷ người theo dõi qua truyền hình và có tới 75 quốc gia, vùng lãnh thổ có bản quyền xem sự kiện thể thao được tổ chức tại Indonesia. Nhưng điều đang buồn cho các CĐV Việt Nam là họ không được theo dõi sự kiện quan trọng này bởi không một đài truyền hình nào của Việt Nam, kể cả VTV có bản quyền ASIAD 2018. Lý do mà VTV đưa ra là Kjsmwold Corp, đối tác nắm bản quyền phát sóng giải ASIAD 18, đưa ra mức giá quá cao và VTV không chấp nhận.

Xung quanh về câu chuyện bản quyền ASIAD 2018, trên các trang mạng xã hội và phương tiện thông tin đại chúng, đã có 2 luồng dư luận: ủng hộ và chỉ trích VTV. Ở chiều ủng hộ, độc giả Nam Đoàn cho rằng, việc nhà đài không mua bản quyền là đúng, đỡ tốn tiền: “Bóng đá tại ASIAD 18 không hay như World Cup, đá thì rời rạc như cơm nguội, khán đài vắng như chùa bà Đanh. Tôi ủng hộ việc không mua bản quyền những trận bóng như này”. Tương tự, độc giả Bác Sơn: “Hàng chất lượng không cao mà đòi giá cao quá thì cũng ngặt đấy, không mua là đúng”...

Ngược lại, đa phần dư luận chỉ trích VTV, vì họ cho rằng, VTV là đài truyền hình quốc gia, nhiệm vụ không đơn giản chỉ là kinh doanh mà còn là chính trị. Việc các đội tuyển Việt Nam thi đấu, so tài tại ASIAD 18 mà VTV không mua bản quyền truyền hình để người dân có thể theo dõi trực tiếp là lỗi của nhà đài. Độc giả Trần Duy Anh bức xúc: “Là người hâm mộ Việt Nam, chúng tôi chờ đợi giải này hơn 1 năm nay từ khi biết đội tuyển U23 Việt Nam tham dự ASIAD 2018. Thậm chí, chúng tôi không quan tâm World Cup bằng giải này vì ở Á vận hội có đội bóng chúng tôi yêu mến nhất. Dẫu biết bản quyền truyền hình là câu chuyện kinh tế nhưng thiết nghĩ VTV cũng phải có kế hoạch cho người hâm mộ chứ đâu để bỏ mặc như thế được”.

Nếu không thay đổi, VTV sẽ còn mất điểm!

Dù VTV có giải thích như thế nào thì đơn vị này cũng đã mất điểm trong mắt các CĐV tại ASIAD 18. Trong những ngày qua, không chỉ riêng sự kiện lễ khai mạc ASIAD 18, mà ở rất nhiều các môn thể thao khác, các CĐV Việt Nam đã đồng loạt tìm các trang web "lậu" để theo dõi truyền hình trực tiếp.

Nổi lên trên tất cả là trang web có cái tên rất dân dã xoilac.tv. Trang web này phát các môn thể thao, trong đó có các trận đấu bóng đá của ĐT Olympic Việt Nam tại ASIAD 18 với chất lượng khá tốt và được tường thuật bằng tiếng Việt. Địa chỉ IP của xoilac.tv liên tục được thay đổi ở nhiều quốc gia nên dù trang web vi phạm nghiêm trọng vấn đề bản quyền, nhưng để kiểm soát hoặc kiện xoilac.tv không hề đơn giản.

Những BLV, BTV của xoilac.tv dù phông kiến thức, trình độ còn hạn chế, lời tường thuật còn khá ngô nghê nhưng bỗng chốc lại nổi tiếng hơn các chuyên gia, BTV gạo cội của Ban Sản xuất các Chương trình thế thao của VTV, ít nhất là thời điểm này.

Cộng đồng mạng thậm chí quan tâm đến 1 BLV của xoilac.tv đến mức khi biết anh này sắp cưới vợ còn đề nghị livestream đám cưới của mình trên sóng của trang web (giống như đám cưới một ngôi sao showbiz). Không hiểu lãnh đạo của VTV nghĩ gì khi tại sự kiện thể thao lớn như ASIAD 18, dấu ấn của VTV lại rất mờ nhạt, các CĐV chuyển sang xem các trang web lậu.

Và xa hơn nữa, không chỉ là ASIAD 18, mới đây tập đoàn Lagardere Sports (có trụ sở tại Pháp, là đối tác lâu năm của cả AFC lẫn AFF) đã công bố sở hữu quyền phân phối AFF Cup từ 2018 đến tận 2024. Họ đồng thời nắm trong tay bản quyền Asian Cup 2019 và vòng loại Olympic 2020. Giá bản quyền AFF Cup 2018 có thể gấp vài lần AFF Cup 2016, cán mốc hàng triệu USD. Nếu VTV không chủ động, tích cực hơn trong vấn đề bản quyền và tái hiện “câu chuyện ASIAD 18” đối với AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, vòng loại Olympic 2020 thì hình ảnh của nhà đài sẽ có tụt thê thảm nữa.

VTV bị mất điểm trong con mắt các CĐV tại ASIAD 2018

VTV bị mất điểm trong con mắt các CĐV tại ASIAD 2018

VTV hãy xem trường hợp của đơn vị Cable TV Hong Kong để tham khảo. Cable TV Hong Kong đã từng mua bản quyền truyền hình của 5 kỳ Asian Games trước: Bangkok 1998, Busan 2002, Doha 2006, Quảng Châu 2010 và Incheon 2014. Tại ASIAD 18, Cable TV Hong Kong không thể kham nổi mức giá 6 triệu USD mà tập đoàn Dentsu (Nhật Bản) đưa ra. Nhưng do Cable TV Hong Kong chủ động phối hợp với chính phủ và các cơ quan hữu quan, cuối cùng họ vẫn chốt mua bản quyền truyền hình ASIAD 18 với giá 2 triệu USD.

Điều đáng nói là Cable TV Hong Kong là đơn vị truyền hình trả tiền, nhưng họ vẫn phát sóng miễn phí cho người dân theo dõi các sự kiện thể thao tại ASIAD 18. Đơn giản là Cable TV Hong Kong hiểu rằng, vấn đề người dân theo dõi các VĐV thi đấu vì màu cờ sắc áo tại đấu trường châu lục còn quan trọng hơn câu chuyện kinh doanh, tiền bạc. Còn VTV thì sao?

Thế Anh

Theo NTD

largeer