Bamboo Airways: Tới gần chuyến bay thương mại đầu tiên

Thứ hai, 04/06/2018, 18:56 PM

Bamboo Airways đang gặp nhiều thuận lợi trong tiến trình hoàn thiện các thủ tục để thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways)

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways)

Điều kiện cần

Theo thông tin của PV, vào cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Cụ thể, tại văn bản số 3179/BC - BKHĐT, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án và giao UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án.

Cần phải nói thêm rằng, theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 31 của Luật Đầu tư, Dự án của Bamboo Airways là lĩnh vực kinh doanh đầu tư vận tải hàng không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, hồ sơ Dự án của Bamboo Airways cơ bản hội đủ các thủ tục pháp lý cần thiết. Dự án cũng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 cũng như Quy hoạch phát triển vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ thông qua vào cuối tháng 2/2018.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thỏa mãn yêu cầu về vốn chủ sở hữu cũng như cam kết của công ty mẹ - Tập đoàn FLC về việc cung cấp bổ sung vốn lưu động thường xuyên phục vụ hoạt động kinh doanh trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường.

Mặc dù vậy, Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định phải kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của Bamboo Airways theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Trước đó, vào giữa tháng 4/2018, UBND tỉnh Bình Định đã có tờ trình đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định Dự án sau khi tiếp thu, giải trình các ý kiến của các bộ: Tài chính, Giao thông vận tải (GTVT); Xây dựng, Công an và Quốc phòng.

Cụ thể, Dự án của Bamboo Airway có tổng vốn đầu tư là 700 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 50 năm. Trong năm đầu tiên bay thương mại, Bamboo Airways sẽ khai thác 3 tàu bay A320 và sẽ tăng lên 10 chiếc vào năm 2023. Dự án có địa điểm thực hiện tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Theo thông tin của tỉnh Bình Định, hiện sây bay này đang trong quá trình nâng cấp khu hàng không dân dụng và mở rộng sân đỗ máy bay lên 12 vị trí – đáp ứng nhu cầu trở thành sân bay căn cứ của Bamboo Airway.

Liên quan đến năng lực tài chính của nhà đầu tư, UBND tỉnh Bình Định cho biết là Bamboo Airway đã có quyết định giao 700 tỷ đồng vốn chủ sở hữu từ Công ty mẹ là Tập đoàn FLC, tương ứng 100% tổng vốn điều lệ để đăng ký thành lập doanh nghiệp và phục vụ hoạt động sản xuất. 

Nhà đầu tư cũng đã đệ trình văn bản xác nhận số dư tài khoản tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển chi nhánh Thanh Xuân với số tiến là 700,3 tỷ đồng. Số vốn này là vừa khớp với quy mô Dự án mà Bamboo Airways đệ trình các cơ quan có thẩm quyền.

Điều kiện đủ

Ngay cả khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, Bamboo Airways vẫn phải hoàn tất một điều kiện pháp lý quan trọng nữa để có thể thực hiện chuyến bay thương mại.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 5, Nghị định số 92/2016/NĐ - CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không, một trong những điều kiện kinh doanh vận tải hàng không là phải được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các điều kiện quan trọng nhất để nhà đầu tư nhận được Giấy phép là phải đáp ứng quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không; đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định.

Cụ thể, hồ sơ đề nghị cấp phép phải có bản chính văn bản xác nhận vốn; sơ đồ bộ máy tổ chức của doanh nghiệp; hợp đồng nguyên tắc hoặc thỏa thuận về việc mua, thuê máy bay; điều lệ hoạt động của doanh nghiệp; điều lệ vận chuyển; phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm. Trong đó, văn bản xác nhận vốn là văn bản xác nhận của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Việc giải phóng khoản tiền phong tỏa này chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoặc bị từ chối cấp phép bay.

Ông Đặng Tất Thắng - Tổng giám đốc Bamboo Airways, cho biết, hiện doanh nghiệp đang ở những bước cuối cùng hoàn thiện về thủ tục pháp lý, hồ sơ đã được nộp cả ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ GTVT. Hãng sẽ bắt đầu nhận các máy bay theo hợp đồng mua 24 chiếc A321 NEO từ Airbus từ năm 2021 và hoàn tất trong 3 năm. 

Điểm thuận lợi cho Bamboo Airways là nhiều điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không trùng với nội dung trong Đề xuất Dự án như: sự phù hợp quy hoạch, năng lực nhà đầu tư, quy mô vốn…

Được biết, theo quy định tại Nghị định số 92, nếu suôn sẻ thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Cục Hàng không Việt Nam phải báo cáo kết quả thẩm định lên Bộ GTVT.

Tiếp đó, sau 15 ngày nhận được báo cáo kết quả thẩm định, Bộ GTVT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ; trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp giấy phép cho nhà đầu tư; trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ cấp giấy phép cho nhà đầu tư để hoàn tất các thủ tục pháp lý quan trọng nhất đối với một hãng hàng không.

“Trong trường hợp Đề xuất Dự án được Thủ tướng thông qua, quá trình thẩm định cấp giấy phép từ phía Bộ GTVT cho Bamboo sẽ được đẩy nhanh hơn so với thông lệ”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Anh Minh

Theo baogiaothong

largeer