Bán hàng Việt trên Amazon: “Tiểu ngạch” chưa tạo dấu ấn, chính ngạch làm gì để thành công?

Thứ năm, 02/05/2019, 13:36 PM

Từ tháng 4/2019, Amazon và Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên toàn quốc cho khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam mỗi đợt. Giới kinh doanh Việt rất kỳ vọng vào con đường “chính ngạch” này khi họ chưa tạo được nhiều dấu ấn với con đường “tiểu ngạch” trước đó.

Cao sao vàng là sản phẩm Việt bán chạy nhất trên Amazon.

Cao sao vàng là sản phẩm Việt bán chạy nhất trên Amazon.

Amazon “hé cửa” cho doanh nghiệp Việt

Amazon là kênh bán hàng online lớn nhất thế giới. Amazon đang có hơn 300 triệu tài khoản khách hàng trên toàn cầu, trong đó có hơn 100 triệu tài khoản đặc biệt Prime và hàng triệu đại lý mua hàng sỉ tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Mô hình quá thành công này đã khiến Jeff Bezos, ông chủ Amazon lần thứ hai liên tiếp vượt qua tỷ phú Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản lên đến 131 tỷ USD. Vì vậy, đưa hàng hóa vào kênh bán hàng khổng lồ này là mơ ước của nhiều doanh nghiệp Việt.

Trong suốt chiều dài lịch sử Amazon, chưa doanh nghiệp Việt nào chính thức bước chân vào hệ thống bán hàng Amazon. Mục tiêu này sắp thành sự thật trong tương lai gần. Tuy nhiên, Amazon mới chỉ “hé cửa” chứ chưa thực sự mở cửa vì trong đợt đầu tiên, chỉ 100 doanh nghiệp Việt được Amazon lựa chọn.

Cụ thể, đầu năm nay, Amazon công bố sẽ tuyển chọn 100 doanh nghiệp Việt tham gia chương trình hỗ trợ độc quyền bán hàng trên Amazon. Với các  doanh nghiệp Việt, Amazon đặc biệt quan tâm một số mặt hàng như thủ công mỹ nghệ, quà tặng, gốm sứ, hàng may mặc, thực phẩm khô.

Những doanh nghiệp may mắn này sẽ được Amazon Global Selling, Cục Xúc tiến Thương mại và các đối tác chuyên gia hỗ trợ nhiều quyền lợi. Một số quyền lợi tiêu biểu có thể kể đến như giá chiết khấu, vận chuyển... Trước khi điều này diễn ra, từ tháng 4/2019, Amazon và Cục Xúc tiến Thương mại sẽ phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên toàn quốc cho khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam mỗi đợt.

Các sản phẩm Việt chưa thành công trên Amazon là do marketing chưa tốt.

Các sản phẩm Việt chưa thành công trên Amazon là do marketing chưa tốt.

“Tiểu ngạch” chưa tạo dấu ấn

Trước khi Amazon “hé cửa” con đường chính ngạch, hàng hóa Việt đã thử sức ở  con đường “tiểu ngạch” nhưng có vẻ thành công chưa thực sự đến với hàng hóa đến từ mảnh đất hình chữ S.

Trong nhiều năm gần đây, một số cá nhân đã đưa hàng Việt lên hệ thống bán hàng Amazon. Các mặt hàng được báo chí trong nước nhắc đến nhiều là cao sao vàng, chổi đót, nón cói, nón cối, nón lá, áo dài... Nhìn vào danh sách này, có thể thấy hàng thủ công mỹ nghệ chiếm tỷ trọng lớn.

Cụ thể, trên Amazon, nón lá được rao bán ở mức 18,99 USD (khoảng 442.000 đồng) mỗi chiếc. Nón cói có giá phổ biến 24,29 USD (khoảng 565.000 đồng), nón lá cọ được “niêm yết” với giá 15 USD (349.000 đồng), nón cối (32 USD, tương đương 745.000 đồng), chổi bông cỏ (12 USD, tương đương 279.000 đồng)...

Mặt hàng thủ công mỹ nghệ chiếm ưu thế nhưng cao sao vàng mới là hàng “made in Vietnam” bán chạy nhất. Một hộp cao sao vàng loại 4g là 7,48 USD, tương đương khoảng 174.000 đồng. Loại 3g có giá 5,7 USD (khoảng 133.000 đồng). Sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng yêu thích và bấm chọn “5 sao”.

Dù bán chạy nhất nhưng cao sao vàng vẫn chưa nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mua sắm online của Amazon. Có nhiều topic bán cao sao vàng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ khách hàng, có topic may mắn hơn cũng chỉ được 5 khách bình luận. Và sản phẩm này được an ủi khi có tới 4/5 khách hàng đánh giá 5 sao và khen ngợi sản phẩm.

Trong một topic đăng bán cao sao vàng, thành viên có tên Luisa C. Moreno viết: “Đây là sản phẩm tự nhiên, sản phẩm có giá tốt và giao hàng đúng hạn”. Mihail V. Covaci khen người bán giao đúng hàng, đúng lúc anh bị ốm.

Có thể thấy, đa số các sản phẩm “made in Vietnam” được bán trên Amazon vẫn chưa nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng. Nhưng điều đáng mừng ở chỗ, khi đã sử dụng sản phẩm, tỷ lệ khách hàng hài lòng là rất lớn. Vì vậy, từ thất bại của các sản phẩm đến với Amazon theo đường tiểu ngạch, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm để bán hàng tốt hơn theo đường chính ngạch.

Nhiều việc phải làm cho con đường chính ngạch

Giải thích cho việc các sản phẩm đến từ Việt Nam không nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mua sắm của Amazon, ông Ngô Văn Ngoan, chuyên gia marketing online cho biết, quảng bá là khâu yếu nhất của các nhà kinh doanh cá nhân kể trên. Giữa “biển” hàng hóa, “tiểu thương” Việt chưa biết cách làm nổi bật sản phẩm của mình.

Theo ông Ngoan, ngay cả những người có kinh nghiệm làm marketing online cũng chưa chắc đã thành công trên Amazon vì phải thấu hiểu các vận hành trên Amazon mới có thể đưa ra chiến lược marketing hợp lý. Và chỉ Amazon mới giúp được doanh nghiệp. Vì vậy, 100 doanh nghiệp Việt đầu tiên được Amazon lựa chọn sẽ được hưởng rất nhiều lợi thế khi Amazon cam kết hỗ trợ họ về nhiều mặt, trong đó có marketing.

Khi Amazon hợp tác, họ sẽ có các buổi hội thảo để trao đổi kiến thức cho các doanh nghiệp, từ đó giúp các doanh nghiệp có hướng giải quyết về khâu sản phẩm, quản lý cũng như marketing, sale... Tuy nhiên, ngay cả khi được Amazon hỗ trợ, doanh nghiệp phải chọn sản phẩm “đúng”.

Ông Ngoan nói, khi hợp tác với Amazon, doanh nghiệp Việt nên tránh các hàng hóa Trung Quốc có nhiều lợi thế như đồ điện tử và tập trung vào các sản phẩm mang đậm phong cách Việt. Đó là những sản phẩm được khách hàng quốc tế quan tâm. Thủ công mỹ nghệ nên được ưu tiên hàng đầu. Khi được Amazon “lựa chọn”, doanh nghiệp Việt sẽ được hỗ trợ rất nhiều, từ marketing, vận chuyển, quản lý... nên điều mà doanh nghiệp tự làm chính là chọn sản phẩm “đúng”, giữ uy tín cả về chất lượng và thời gian giao hàng. Đó là con đường duy nhất tạo nên thành công.

Khi doanh nghiệp thành công trên con đường “chính ngạch”, sản phẩm “made in Vietnam” sẽ được chú ý hơn trên Amazon, từ đó tạo thuận lợi cho con đường “tiểu ngạch”, nơi rất nhiều doanh nghiệp chưa đủ điều kiện chính thức bước vào kênh phân phối của Amazon - ông Ngoan khẳng định.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer