Bàn về "việc hệ trọng nhất của quốc gia"

Thứ hai, 23/07/2018, 21:17 PM

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bàn về việc hệ trọng nhất của quốc gia.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

- Thưa ông Trần Đăng Khoa! Ông là người viết rất nhiều về ngành Giáo dục. Chỉ riêng các bài viết, bài trò chuyện về Giáo dục đã công bố trên TUỔI TRẺ & ĐỜI SỐNG thôi, nếu tập hợp lại cũng đã đủ thành mấy cuốn sách dày.Ông nghĩ như thế nào về chuyện bê bối đang cồn cào dư luận cả nước về việc thi cử ở tỉnh biên giới vùng núi cao Hà Giang? Theo thông tin của giới truyền thông: Ngày 11/7, Bộ Giáo dục công bố điểm thi THPT quốc gia, dư luận dấy lên nghi ngờ về kết quả điểm cao bất thường của Hà Giang. Tỉnh này có 65 điểm thi từ 9 trở lên môn Vật lý, cao hơn nhiều số lượng điểm này của Hà Nội, TP HCM. Số thí sinh đạt trên 27 ở khối A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ) của Hà Giang bằng một nửa cả nước, khối A (Toán, Lý, Hoá) chiếm 1/3. Ngày 12/7, Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Hữu Độ gửi văn bản yêu cầu địa phương rà soát các khâu tổ chức, chấm thi... Ngày 14/7, đoàn công tác của Bộ Giáo dục, dẫn đầu là Cục trưởng Quản lý chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, lên Hà Giang để phối hợp làm rõ những bất thường này. Bộ Giáo dục thành lập Hội đồng chấm thẩm định, chấm lại tất cả bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Giang (lưu trong đĩa CD1 gửi về Bộ). Kết quả chấm thẩm định cho thấy, 114 thí sinh với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh hơn 1 điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có em tổng điểm các môn được làm tăng lên đến 26,8, thậm chí 29,95. Hội đồng quyết định kết quả chấm thẩm định được sử dụng thay thế cho toàn bộ kết quả chấm thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở Giáo dục Hà Giang công bố ngày 11/7. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Tôi không bất ngờ lắm về chuyện bất ngờ này. Và chắc chắn không phải chỉ có Hà Giang gian lận thi cử. Dư luận cũng đã nghi vấn về kết quả thi cao bất thường của tỉnh này, tỉnh kia. Không ngoại trừ trò tháu cáy này cũng đã diễn ra ở các địa phương khác. Chỉ có điều họ không bị lộ vì cách làm khôn ngoan hơn, tinh vi hơn, không liều lĩnh, trắng trợn như Hà Giang…

PV: Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) Vũ Trọng Lương được xác định trực tiếp gây sai phạm điểm thi THPT quốc gia ở tỉnh này. Ngày 20/7, ông Lương đã bị bắt, bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Hàng loạt thí sinh “về điểm thật” thấp hơn cả chục điểm sau khi Hội đồng chấm thẩm định công bố kết quả điểm thi mới của thí sinh Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trong số đó, nhiều thí sinh là con em lãnh đạo chủ chốt đương nhiệm của tỉnh này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:  Đây mới là vấn đề chúng ta cần phải quan tâm. Liệu ông Lương Phó phòng Giáo dục Sở có dám làm việc động trời này không, nếu không có chuyện đồng loã hay “bật đèn xanh” của một ai đó? Con dân nghèo có ai được nâng điểm không? Chắc là không rồi.

PV: Ngày 17/7, Hội đồng chấm thẩm định công bố “điểm thi thật”, 114 thí sinh đã bị hạ điểm sau màn “phù phép” của Phó phòng Khảo thí Vũ Trọng Lương. Dư luận Hà Giang và nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự bức xúc về việc, trong số 114 thí sinh được nâng điểm, quả là có nhiều thí sinh là con em của một số lãnh đạo đương nhiệm của Hà Giang. Cũng theo giới truyền thông, con của một lãnh đạo phòng GD-ĐT huyện Vị Xuyên trong công bố chấm lại bị hạ tới 13 điểm.  Ngoài ra, các thí sinh khác có điểm công bố lần 2 thấp hơn nhiều điểm công bố lần 1, là con em của các lãnh đạo đương nhiệm, như con của hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Hà Giang; con của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, con của một doanh nghiệp lớn tại huyện Vị Xuyên... Cũng theo giới truyền thông, tại Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 có 4 thí sinh là con em của 4 lãnh đạo đương nhiệm. Cả 4 thí sinh đều nhận điểm số chấm thẩm định thấp hơn nhiều lần 1. Có thí sinh bị thấp đi tổng cộng tới hơn 10 điểm. Ví dụ, con của một Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, điểm thi công bố lần 1 là hơn 28 điểm. Điểm thi lần 2 sau khi chấm lại chỉ có 16 điểm thôi, bị thấp hơn lần 1 tới 12 điểm. Có trường hợp điểm thi công bố lần 1 tổng số là 26,9; sau khi chấm thẩm định thì còn 21,5.

- 21,5 điểm là cao đấy chứ. Điểm ấy đủ để vào rất nhiều trường đại học. Nhưng tại sao vẫn được nâng? Nâng để vào trường Đại học An Ninh và Quân đội. Có thí sinh tổng số dưới trung bình, bị trượt ngay cả tốt nghiệp, nhưng vẫn đủ điểm vào trường Đại học An Ninh, sau trò phù phép của thày Lương. Tại sao người ta hướng đến những trường như thế này, vì ở các trường đó, không phải đóng học phí, hay nói như ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục là không phải trả khoản nào cho “Giá dịch vụ Giáo dục”. Ra trường lại được bố trí công ăn việc làm ngay, không phải mất tiền chạy xin việc. Hiện nay còn hàng vạn cử nhân đã tốt nghiệp mà không có đủ tiền để “mua” việc làm. Tôi là người cũng hay tưởng tượng, nhưng không bao giờ có thể hình dung được ngành Giáo dục nước nhà lại thảm bại đến mức độ như thế này. Tôi cũng không thể hình dung được những em kém cỏi, lại được vào học ở  những trường quan trọng, ra làm những cán bộ chủ chốt, quyết định số phận của đất nước, của từng người dân, trong khi nhiều em giỏi thực, có học thực thì bị thải loại. Như thế thì đất nước làm sao cất đầu lên được? Chỉ tụt hậu và không ngừng xuống cấp mà thôi. Lỗi tại các em không? Không! Không có em nào có lỗi trong vụ này. Ta hãy nghe tiếng nói của chính các em: “Thực ra em cũng biết thông tin một số bạn giảm điểm khi thẩm tra lại. Nhiều bạn đã khóc. Có bạn còn nghĩ đến cả những chuyện rất tiêu cực. Thực tình, chúng em chỉ là nạn nhân từ chính các phụ huynh và người lớn gây ra. Có nhiều bạn thi xong đến lúc thấy điểm cũng biết ngay là mình được nâng lên. Có bạn đã khóc và cảm thấy có tội với bạn bè”. Đến đây thì tôi xin nhường lời cho nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ông là giáo viên, đã nhiều năm đứng trên bục giảng. Cứ như lời ông, thì cha ông ta dạy rằng, nếu trong gia đình con cái khinh nhờn bố mẹ, trong nhà trường, học trò coi thường thày giáo,  ở các làng xã, xẩy ra thường xuyên nạn trộm cắp và trong các cuộc thi cử, chọn lựa nhân tài, để xảy ra sự gian lận nhiễu nhương, thì xã hội đó đã có dấu hiệu suy tàn, khó mà khôi phục lại được. Trong 4 điều ấy, hãy chỉ nói về việc thi cử, vì đây là việc HỆ TRỌNG NHẤT CỦA QUỐC GIA bởi liên quan đến việc bồi dưỡng và tuyển dụng nhân tài cho đất nước. Nhà nước tồn hay vong là từ cái việc này. Vì thế, từ xưa, việc thi cử, dù diễn ra ở bất cứ đâu, cũng được coi là việc quan trọng nhất của quốc gia. Có bậc thày có danh, chỉ vì thương một sĩ tử có bài văn hay, rất đáng đỗ, chỉ thiếu một nét chấm thủy ở một chữ, đã dùng muội đèn thêm vào, việc phát hiện,  chỉ có thế thôi, vị quan khảo thí đó đã bị lột mũ áo,  đánh cho 60 trượng rồi đuổi về làng quê, vĩnh viễn cấm không cho làm bất cứ việc gì liên quan đến học hành và thi cử. Nay ở Hà Giang, có bài thi Toán chỉ được 1 điểm mà nâng lên thành 9 điểm, có thí sinh tổng số điểm các bài thi tăng vọt lên đến 29, 95 điểm so với thực tế. Quả là việc kinh hoàng,  ngoài sức tưởng tượng, có thể nói là “rợn tóc gáy”. Bởi 1 thí sinh chỉ cần nâng lên 0, 25 điểm, là đã có thể đứng trên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn thí sinh khác, đỗ và trượt đã được quyết định ở chỗ này. Những cán bộ của Nhà nước sau này đảm đương các trọng trách trước nhân dân, góp phần đưa nước ta tiến lên hay thụt lùi, đã được bắt đầu hình thành từ  sự trung thực và minh bạch hay sự gian lận và lừa đảo này. Hiện nay, vụ việc đã được khởi tố. Cần phải xem xét trách nhiệm cá nhân đứng đầu của ông Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo và ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, theo quy chế về trách nhiệm người đứng đầu trong các vụ việc mà Tổng Bí thư Đảng ta đã nhiều lần lưu ý rất đúng đắn. Nếu cần phải xử nghiêm theo pháp luật, thì việc cần xử nghiêm nhất phải bắt đầu từ đây. Cái tội này theo tôi thuộc loại nghiêm trọng nhất trong các tội nghiêm trọng, cần phải xử lí nghiêm trước pháp luật.

- Xin cảm ơn ông!

                                       

 SONG YẾN

Theo TTTĐ

largeer