Bảng hiệu vẽ tay, ai còn nhớ?

Thứ ba, 25/09/2018, 09:12 AM

Nằm trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân), cửa tiệm vẽ bảng hiệu của ông Hoài Minh Phương nổi bật bởi những nét vẽ bằng tay điêu luyện, thấp thoáng đâu đó là hình dáng của một Sài Gòn xưa cũ.

Cửa tiệm của họa sĩ Hoài Minh Phương ở đường An Dương Vương (Q.Bình Tân) (Ảnh: Liên Nguyễn)

Cửa tiệm của họa sĩ Hoài Minh Phương ở đường An Dương Vương (Q.Bình Tân) (Ảnh: Liên Nguyễn)

Họa sĩ Hoài Minh Phương tên thật là Nguyễn Thế Minh (70 tuổi), Hoài Minh Phương là bút danh khi ông còn làm thơ và cái tên này được mọi người biết đến nhiều hơn. Ông là người gắn bó với nghề cầm cọ đã hơn 30 năm, mỗi nét vẽ của ông đều chất chứa nỗi niềm, đam mê và tình cảm đối với nghề.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn, đã chứng kiến và trải qua rất nhiều sự đổi thay của nơi đây, nhưng với ông Sài Gòn vẫn là một nơi rất cổ kính và thơ mộng, ông luôn có một tình yêu đặc biệt dành cho Sài Gòn.

Ông Hoài Minh Phương là một người có niềm đam mê vô cùng mãnh liệt đối với thơ ca và hội họa. Nhắc đến cơ duyên đến với nghề ông Hoài Minh Phương chia sẻ ông không phải con nhà nòi, nhưng từ nhỏ đã có đam mê với nghề vẽ.

Họa sĩ Hoài Minh Phương tên thật là Nguyễn Thế Minh (70 tuổi)  (Ảnh: Liên Nguyễn)

Họa sĩ Hoài Minh Phương tên thật là Nguyễn Thế Minh (70 tuổi) (Ảnh: Liên Nguyễn)

Bén duyên với nghề từ khi còn là học sinh lớp 8. Ngày đó, khi họa sĩ Hoa Huệ nhìn thấy ông đứng say sưa ngắm nghía tấm bảng vẽ của một trường trung học trên đường Phan Đình Phùng, người họa sĩ này đã đề nghị dạy vẽ cho ông. Thời gian đó, ông còn được họa sĩ Vũ Trọng Hợp (một người bạn của cha ông) tận tình giúp đỡ, truyền đạt những kiến thức về kỹ thuật hội họa, giúp ông ngày một tiến bộ hơn. Họa sĩ Hoa Huệ và Vũ Trọng Hợp chính là hai người thầy đặt những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp hội họa của ông.

Sau khi đất nước thống nhất, vì cuộc sống, ông chọn công việc vẽ bảng hiệu để kiếm sống và không ngờ gắn bó với nó đến bây giờ.

Họa sĩ Hoài Minh Phương luôn đặt tất cả tâm huyết vào mỗi tấm bảng hiệu mình vẽ dù là tấm bảng hiệu cho một quán nước ven đường. (Ảnh: Hoàng Uyên)

Họa sĩ Hoài Minh Phương luôn đặt tất cả tâm huyết vào mỗi tấm bảng hiệu mình vẽ dù là tấm bảng hiệu cho một quán nước ven đường. (Ảnh: Hoàng Uyên)

“Thời gian mới chuyển sang cơ chế thị trường ông còn vẽ được nhưng thời gian xã hội bắt đầu công nghiệp hóa, có máy cắt decal, máy kĩ thuật số, nghề vẽ bảng hiệu bắt đầu bị mai một. Có nhiều hôm không có tiền đi chợ, tôi phải ăn cháo với hột vịt muối trừ cơm”, ông bộc bạch.

Những người bạn đồng nghiệp cùng lứa với ông người thì bỏ nghề, người thì qua đời, còn lớp trẻ bây giờ đã có máy vi tính, nên việc gìn giữ và lưu truyền nghề này là rất khó khăn. Tuy nhiên, riêng ông vẫn xem đây là cái nghiệp, niềm đam mê mà ông phải gắn bó và vương vấn suốt cả đời nên dù đã có nhiều lần trăn trở, lay động bởi cơm áo gạo tiền nhưng vì đam mê nên ông vẫn quyết định gắn bó với nghề đến cùng.

Một góc để vẽ của họa sĩ Hoài Minh Phương

Một góc để vẽ của họa sĩ Hoài Minh Phương

Với nghề vẽ bảng hiệu, thu nhập không ổn định, cuộc sống bấp bênh thì chẳng mấy ai muốn đeo đuổi, nếu không có niềm đam mê thật sự với nó. Ông có ba người con nhưng chỉ có duy nhất cậu con trai thứ hai là theo nghiệp cha, ông quan niệm rằng làm việc gì cũng phải có đam mê và yêu thích, nên ông chưa từng bắt buộc các con theo nghiệp cha nếu không muốn.

Là một người rất tâm đắc với nghề, họa sĩ Hoài Minh Phương luôn xem mỗi tấm bảng hiệu là một tác phẩm nghệ thuật, ông thường rất trau chuốt và dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện. Vì vậy, mỗi tác phẩm ông tạo ra đều chứa đựng tình cảm đặc biệt của ông dành cho nghệ thuật và nghề cầm cọ. Đặc biệt hơn, trong mỗi tấm bảng hiệu luôn đi kèm một câu thơ do ông sáng tác, phần vì muốn tạo nên nét khác biệt cho mỗi bức vẽ, phần vì muốn thỏa sức mình với thơ ca. 

Bức tường cũ được ông biến tấu trong lúc ngẫu hứng

Bức tường cũ được ông biến tấu trong lúc ngẫu hứng

Thời gian để vẽ xong một tấm bảng quảng cáo là khoảng một tuần hoặc 4 – 5 ngày tùy vào kích thước bảng lớn, nhỏ. Ông tâm sự, từ ngày được mọi người quan tâm, ông vẽ được ổn định hơn, thu nhập đủ trang trải cho cuộc sống hơn rất nhiều.

Giữa một Sài Gòn hào nhoáng và hoa lệ, những tấm bảng hiệu bằng tay của ông Hoài Minh Phương phần nào đã làm cho người ta hoài niệm và nhớ hơn về một Sài Gòn xưa cũ. Chỉ cần khi nào người nghệ sĩ vẫn còn nặng ân tình với từng nét vẽ thì khi đó vẫn sẽ có những người tìm đến ông. 

Liên Nguyễn – Hoàng Uyên

Theo NTD

largeer