Báo động tình trạng bệnh đột quỵ gia tăng

Thứ ba, 28/05/2019, 10:15 AM

Nhiều bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận lượng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ tăng đột biến, trong đó có cả những bệnh nhân ở tuổi 20. Tình hình này khiến các chuyên gia y tế lên tiếng cảnh báo, bởi đột quỵ là bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh...

Bệnh nhân N sức khỏe hồi phục tốt sau khi được nhập viện sớm.

Bệnh nhân N sức khỏe hồi phục tốt sau khi được nhập viện sớm.

200.000 người đột quỵ mỗi năm

Đột nhiên chóng mặt, nôn ói kèm các triệu chứng tê vùng mặt bên trái, tay trái, méo miệng... chị V.T.T.N (23 tuổi, ngụ Bình Thạnh) được người nhà đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn. Tại đây, qua chẩn đoán và xét nghiệm bác sĩ nhận thấy có hình ảnh nhồi máu tiểu não - cuống não nên kết luận “bị đột quỵ”. Sau khi dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, hiện tại chị đã khỏe và phục hồi nhanh chóng.

Còn anh Nguyễn Thanh N. (36 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) được đưa vào Bệnh viện quận Thủ Đức trong tình trạng tê bì nửa người bên trái, không nói được. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng uống thuốc không đều. Khi nhập viện huyết áp của bệnh nhân tăng cao. Kết quả chụp CT não cho thấy anh N. bị xuất huyết vùng nhân bèo bên phải, bác sĩ xác định anh bị đột quỵ cấp nên được đưa ngay đến phòng can thiệp để rút huyết khối, thông mạch và phải đặt nội khí quản, cho thở máy, điều trị tích cực.

Theo giới y khoa, đột quỵ là căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm. Mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ tại Việt Nam. Trước đây, phần đông căn bệnh này xảy ra với người già và trung niên, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh dưới 45 tuổi đang tăng đột biến, chiếm khoảng 30% trong tổng số các ca đột quỵ. Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến là do tăng huyết áp không kiểm soát, các bệnh lý về mạch máu và tĩnh mạch. Nguy cơ gia tăng bệnh cao ở những người mắc chứng bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, ngoài ra tiềm ẩn từ những người bị bệnh tim mạch, béo phì, ít vận động, uống nhiều rượu bia, thuốc lá...

Sức khỏe của ông D đang được hồi phục.

Sức khỏe của ông D đang được hồi phục.

Cần sử dụng thuốc tiêu sợi huyết (rTPA) đúng cách

Khác với những bệnh nhân trên, trường hợp ông Trần Thanh T. (63 tuổi ở Đồng Nai) lại bị nguy hiểm từ chính thuốc tiêu sợi huyết (rTPA). Sáng 28/4, ông bị liệt nửa người bên phải nên được đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện. Tại đây bệnh nhân đã được chẩn đoán nhồi máu não cấp và được chỉ định truyền thuốc tiêu sợi huyết. Tuy nhiên, ông đột ngột nhức đầu dữ dội, huyết áp tăng vọt, hôn mê. Sau khi chụp CT scan não, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị chuyển dạng xuất huyết nặng do biến chứng của thuốc này.

Được chuyển đến Bệnh viện Quốc tế City trong tình trạng hôn mê sâu, chỉ số Glasgow 5 điểm, suy hô hấp nặng, huyết động không ổn định. Tiến hành chụp phim CT não khẩn cấp kết quả cho thấy tầng trên lều cấu trúc đường giữa lệch qua trái 10mm, máu tụ trong não lớn ở thái dương kèm phù não quanh thương tổn. Xét nghiệm tiền phẫu xác định lượng fibrinogen trong máu giảm, dưới 1g/L do tác dụng của thuốc tiêu sợi huyết. Bệnh nhân đã được truyền kết tủa lạnh để khôi phục chức năng đông máu. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật khẩn cấp mở sọ lấy máu tụ và mở nắp sọ vùng thái dương. Sau 14 ngày hôn mê, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục.

ThS. BS Đào Thị Mỹ Vân, Phó Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế City chia sẻ: “Rtpa làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và tàn phế cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não. Tuy nhiên, rTPA chỉ thực sự cứu mạng bệnh nhân khi được sử dụng đúng chỉ định. Biến chứng nặng nề nhất gây chết người sau sử dụng rTPA là chuyển dạng xuất huyết não. Vì vậy rTPA chỉ được phép sử dụng bởi bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện bắt buộc trước và sau khi dùng rTPA. Bệnh nhân cần được theo dõi sát trong và sau khi truyền thuốc. Mọi phương tiện cấp cứu hồi sức, các dược chất và sản phẩm của máu để cầm máu, ê kíp phẫu thuật ngoại thần kinh, bác sĩ can thiệp mạch não phải luôn sẵn sàng trước khi quyết định sử dụng rTPA. Nếu cơ sở y tế không đủ các điều kiện xử lý khi có biến chứng xuất huyết nên thật cẩn trọng khi quyết định dùng thuốc.”.

Đột quỵ là bệnh nguy hiểm nhưng vẫn có thể phòng ngừa và giảm hậu quả của nó nếu biết thay đổi thói quen xấu như thuốc lá, bia rượu và tăng cường vận động. Đồng thời, cần phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh như méo miệng, không nói được, yếu tay chân một bên... để đưa đi cấp cứu kịp thời trong khoảng thời gian vàng, tức 4-5 giờ đầu khi phát hiện các dấu hiệu thì khả năng cứu được bệnh nhân rất cao.

TS.BS Nguyễn Huy Thắng -

Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM -

Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 - TP.HCM

Tuấn Anh

Theo NTD

largeer