Bạo hành trẻ em: Vì đâu nên nỗi?

Thứ năm, 14/12/2017, 14:00 PM

Thời gian qua, dư luận cả nước thật sự rung động vì những thông tin về các vụ bạo hành trẻ em diễn ra dồn dập trên các tỉnh thành. Từ các cơ sở giáo dục mầm non đến cả gia đình, nơi được xem là “tổ ấm”, “dấu vết” của những vụ bạo hành lớn nhỏ dẫn tới hậu quả không hề nhỏ, nạn nhân phải trả giá bằng sinh mạng.

Những vụ bạo hành trẻ em gây rúng động

Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi ghi nhận được không dưới mười vụ xâm hại và bạo hành trẻ em trong năm nay. Lại một lần nữa, chúng ta cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc và thấu đáo về những vụ việc này.

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 12/2017, tại Hà Nội, mẹ bé trai Trần Nguyên K. (10 tuổi) phát hiện bé bị bố và mẹ kế đánh đập hành hạ đến mức rạn sọ não suốt 2 năm trời. Người bố ruột và mẹ kế độc ác của cậu bé đã bị truy tố vì hành vi “dã thú” của mình, Nhưng điều khiến dư luận hoang mang là trong suốt 2 năm cháu K. bị hành hạ, người mẹ ruột của cậu bé ở đâu, làm gì mà không hề hay biết? Và thậm chí, ông bà nội cậu bé còn không nhận ra cháu mình “sau 2 năm gặp lại” dù ở cùng thành phố Hà Nội?

Xa hơn một chút, chỉ chưa đầy một tuần cuối tháng 11, người ta phát hiện một lúc 5 vụ bạo hành trẻ em ở khắp nơi. Đầu tiên là vụ một bảo mẫu tung đứa trẻ hơn một tháng tuổi ở Hà Nam. Sự việc chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó, một cô bé 7 tuổi ở Kiên Giang bị người thân dí sắt nung vào người, gây bỏng nặng.

Các vụ bạo hành trẻ em diễn ra dồn dập chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: Soha.vn

Các vụ bạo hành trẻ em diễn ra dồn dập chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: Soha.vn

Chưa dừng lại ở đó, người ta phát hiện trường mầm non tư thục Mầm Xanh tại TPHCM, bảo mẫu dùng các dụng cụ sắt nhọn để đánh dọa trẻ em. Vài ngày sau, một cậu bé 6 tuổi bị bảo vệ dân phố dùng dao cứa cổ và câu chuyện bà nội ở Thanh Hóa giết hại cháu ruột (hơn 20 ngày tuổi) rồi dựng hiện trường bắt cóc giả là tiếng chuông lớn nhất để cảnh báo cho cả xã hội về những vụ bạo hành trẻ em vô cùng nguy hiểm diễn ra liên tiếp, dồn dập.

Những vụ việc kể trên chỉ là bề nổi của tảng băng mang tên “bạo hành trẻ em” khiến xã hội bàng hoàng. Vẫn còn đó rất nhiều những bố mẹ ruột, bố dượng, mẹ kế, cô giáo mầm non đang lạm dụng bạo lực đối với trẻ một cách quá đáng mà chưa bị phát hiện. Đã đến lúc, chúng ta phải thực hiện những giải pháp thiết thực nhất để bảo vệ trẻ em trước những sự bạo hành của người lớn.

Đi tìm nguyên nhân “bạo hành”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát của tệ nạn bạo hành trẻ em thời gian gần đây. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự thờ ơ vô cảm của người lớn, mà đặc biệt là các bậc làm cha làm mẹ.

Cuộc sống hiện đại làm con người lao theo nhịp điệu “cơm áo gạo tiền” mà không còn thời giờ cho những chuyện khác. Đáng chú ý, rất nhiều bậc phụ huynh thừa nhận với báo chí hoặc trên mạng xã hội rằng họ không có thời gian cho con trẻ. Đáng sợ hơn nữa, có phụ huynh cho rằng chỉ cần kiếm thật nhiều tiền cho con là được, là thương con.

Thậm chí, có không ít ông bà cha mẹ trong thời đại ngày nay vẫn giữ quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Họ sẵn sàng áp dụng bạo lực với con trẻ của mình mà không chú ý đến cảm xúc của trẻ. Điều này dễ gây cho trẻ những ức chế tiêu cực và thương tổn không đáng có ngay từ trong vỏ bọc gia đình, nơi được xem là tổ ấm thân thương.

Một người mẹ 2 năm không hề biết con mình bị bạo hành một cách dã man bởi bố ruột và mẹ kế dù ở cùng thành phố, là minh chứng rõ nhất cho sự thờ ơ một cách đáng sợ của người làm cha làm mẹ. Câu hỏi về vai trò của người mẹ, về trách nhiệm nuôi nấng dưỡng dục và tình mẫu tử thiêng liêng vẫn không thể tìm được lời giải đáp thỏa đáng trong trường hợp này, dù người mẹ của cháu K. liên tục đưa ra những trần tình trên báo chí.

Sự thờ ơ của gia đình chính là vấn đề. Nhưng nhìn rộng hơn nữa, để xảy ra tình trạng bạo hành liên tục và gây hoang mang chấn động như vậy, trách nhiệm của xã hội cũng không ít. Một xã hội với các cá nhân không đủ nhận thức thấu đáo về quyền lợi trẻ em, không quan tâm đến cảm xúc và sự phát triển của con người thì khó có thể là một xã hội lành mạnh. Từ đây, nảy sinh thêm một câu hỏi về luật pháp và chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm như trên. Hơn nữa, trách nhiệm của các bên liên quan như chính quyền địa phương và cơ quan bảo vệ trẻ em.

Theo điều 151 của Bộ luật Hình sự ban hành ngày 27/11/2015, những cá nhân nào “ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm".

Tuy vậy không phải ai cũng nắm rõ luật và không phải “nạn nhân” nào cũng dũng cảm tố giác người phạm tội. Mức phạt cấu thành hành vi phạm tội “từ ba tháng đến ba năm” cũng chưa đủ mạnh mẽ để có thể răn đe, trấn áp các hành vi vi phạm. Thiết nghĩ, cần một sự tăng nặng mức án để làm gương cho cả xã hội.

Trẻ em cần sự yêu thương đùm bọc của ông bà cha mẹ chứ không phải “thương cho roi cho vọt”.

Trẻ em cần sự yêu thương đùm bọc của ông bà cha mẹ chứ không phải “thương cho roi cho vọt”.

Chính sự thờ ơ của xã hội, sự thiếu hiểu biết của cá nhân dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra trong thời gian vừa qua. Cần một sự chung tay hợp sức của các ban ngành, đoàn thể, tổ chức và mỗi cá nhân xã hội để loại bỏ những thành phần nguy hiểm, nhằm bảo vệ trẻ em một cách chính đáng, tạo điều kiện cho các em được yêu thương và dạy dỗ hợp lý để trở thành người có ích cho xã hội.

Các quyền cơ bản của trẻ em theo quy định của Liên Hiệp Quốc, được UNICEF, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tóm tắt:

 1. Quyền được đối xử bình đẳng và bảo vệ chống lại sự kỳ thị phân biệt tôn giáo, nguồn gốc và bình đẳng giới;

 2. Quyền có tên gọi và quốc tịch;

 3. Quyền về sức khỏe và y tế;

 4. Quyền được giáo dục và đào tạo;

 5. Quyền giải trí, vui chơi và tiêu khiển;

 6. Quyền tự tìm hiểu thông tin, quyền phát biểu, quyền được lắng nghe và tụ họp;

 7. Quyền riêng tư và sự giáo dục không bạo lực trong ý nghĩa của bình đẳng và hòa bình;

 8. Quyền được trợ giúp ngay lập tức trong trường hợp khẩn cấp và thảm họa, và được bảo vệ khỏi sự tàn ác, bỏ bê, lạm dụng, khai thác và bách hại;

 9. Quyền có 1 gia đình, được sự chăm sóc của cha mẹ và có một chỗ trú ngụ an toàn;

 10. Quyền được chăm sóc cho trẻ em khuyết tật.

Theo Đăng Kiệt - NTD

largeer