Bảo vệ trẻ trong thế giới trò chơi ảo

Thứ hai, 08/04/2019, 15:28 PM

Phụ huynh tại nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều mối lo khi cho con em mình sử dụng smartphone, tiếp xúc với các nền tảng mạng xã hội và video game. Sự trở lại của Thử thách Momo, phim hoạt hình Peppa Pig hay loạt game bạo lực như Fortnite, Grand Theft Auto khiến trẻ em và lớp thanh thiếu niên đứng trước những ảnh hưởng đầy tiêu cực.

Nhiều phụ huynh sử dụng smartphone để dỗ dành trẻ khi ăn.

Nhiều phụ huynh sử dụng smartphone để dỗ dành trẻ khi ăn.

Từ thế giới ảo ra thực tế

Tháng 7 năm ngoái, một mối hiểm họa mang tên “Momo Challenge” - một thử thách thông qua tin nhắn trên ứng dụng Whatsapp của smartphone xúi giục trẻ em tấn công bạo lực và kể cả tự sát, được lan truyền nhanh chóng trên các phương tiện truyền thông và đang quay trở lại trong thời gian gần đây. Nhân vật Momo với ngoại hình đáng sợ đột nhiên xuất hiện trong những video trên YouTube Kids gần đây, đe dọa và buộc trẻ em phải làm theo những yêu cầu nguy hiểm mà nhân vật này đề ra. Thử thách này tương tự như thử thách Cá Voi Xanh đầy nguy hiểm, từng gây ra cái chết của 130 trẻ vị thành niên tại Nga vào năm 2013.

Theo tờ New York Times, hung thủ của vụ xả súng tại Christchurch (New Zealand) gần đây được cho là đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ video game, cụ thể là game bắn súng sinh tồn “Fortnite: Battle Royale” và thậm chí là một tựa game trẻ em tưởng chừng như vô hại “Spyro the Dragon 3”. Các trò chơi này chứa nội dung bạo lực và truyền bá chủ nghĩa sắc tộc da trắng cực đoan. Vì Fortnite là một game tương tác, trẻ sẽ tiếp xúc với vô số những người lạ mỗi lần chơi và có nguy cơ cao gặp phải những kẻ xấu với ý đồ lừa đảo hoặc lợi dụng.

Theo nghiên cứu năm 2018 của hãng tài chính Lendedu, mặc dù đây là một tựa game miễn phí nhưng 68% người chơi đã dùng tiền thật để mua sắm những loại vũ khí, công cụ ảo và trung bình một người chơi đã tiêu vào khoảng 85 USD cho Fornite. Tại Việt Nam, nhiều vị phụ huynh cũng đau đầu khi con em mình tiêu số tiền rất lớn vào các trò chơi ảo.

Những ví dụ này chỉ là những phần rất nhỏ trong kho nội dung tiêu cực mà thanh thiếu niên đang tiếp xúc hàng ngày qua internet. Những kênh giải trí rất quen thuộc và phổ biến như Facebook, YouTube hay Tik Tok thời gian gần đây cũng lần lượt đối mặt với những kiến nghị về việc an ninh thông tin lỏng lẻo, gây nguy hiểm cho những người dùng nhỏ tuổi.

Phim hoạt hình Peppa Pig.

Phim hoạt hình Peppa Pig.

Bảo vệ trẻ em trong thời đại internet

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, nhiều bậc phụ huynh thường xuyên cho con nhỏ chơi game hoặc xem YouTube để dụ trẻ ăn, ngủ nhưng lại chưa ý thức được những nguy hiểm khó ngờ có thể xảy đến. Theo trang Forbes, có nhiều bước cần phải làm để tạo nên một không gian mạng an toàn hơn cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Bên cạnh những tác nhân nguy hiểm tiềm tàng trên internet, việc tiếp xúc lâu với màn hình, thiết bị điện tử có thể khiến trẻ nhỏ bị ảnh hưởng bởi bức xạ điện từ, từ đó dẫn đến suy sút cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Vì vậy, phụ huynh cần kiểm soát tốt thời gian xem tivi chơi game, sử dụng thiết bị di động của con em mình và hạn chế việc lạm dụng những thiết bị này để dỗ dành trẻ. Các bậc cha mẹ cần phổ biến, chia sẻ với con em mình về những rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng internet và hướng dẫn cách phòng tránh, đối phó với chúng. Khi có dấu hiệu trầm cảm hay lo sợ, trẻ cần được đưa đến những chuyên gia tâm lý đáng tin cậy để được hỗ trợ về sức khỏe tinh thần.

Ngoài ra, việc thắt chặt an ninh bằng cách sử dụng những bộ lọc thông tin hoặc bật chế độ trẻ em cho các kênh có hỗ trợ như YouTube cũng phần nào giúp ngăn chặn trẻ tiếp xúc với những nội dung tiêu cực. Cha mẹ cũng cần chủ động theo dõi và chọn lựa nội dung cho con em mình chứ không nên phụ thuộc hoàn toàn vào những công cụ đề xuất tự động của YouTube và các trang web.

Minh Vân

Theo NTD
Từ khóa:

largeer