Bầu Hiển: Tâm điểm nghi kị bóng đá và lựa chọn "làm sếp ở đâu"

Thứ tư, 29/11/2017, 08:40 AM

Ông Hiển sẽ phải lựa chọn chức danh Chủ tịch SHB, hoặc Chủ tịch/TGĐ các doanh nghiệp khác trước ngày 15/1/2018, thời điểm Luật các TCTD chính thức có hiệu lực

Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, TGĐ (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, TGĐ (Giám đốc), Phó TGĐ (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

TGĐ (Giám đốc), Phó TGĐ (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, thành viên BKS của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó TGĐ (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là TGĐ (Giám đốc), Phó TGĐ (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Với quy định này, một loạt các lãnh đạo ngân hàng hiện nay như ông Đỗ Quang Hiển (SHB), Dương Công Minh (Sacombank), Đỗ Minh Phú (TPBank), Hồ Hùng Anh (Techcombank), Đặng Khắc Vỹ (VIB), Vũ Văn Tiền (ABBank), Võ Quốc Thắng (KienlongBank), Nguyễn Thị Nga (SeABank)… sẽ phải lựa chọn 1, hoặc lãnh đạo ngân hàng, hoặc lãnh đạo doanh nghiệp.

Có một sự trùng hợp khi thời điểm Luật Các Tổ chức tín dụng được Quốc hội thông qua gần như trùng thời điểm với việc Giải bóng đá vô địch quốc gia (V-League) hạ màn, trong đó ông bầu Đỗ Quang Hiển là trung tâm nghi vấn "thao túng bóng đá".

Với việc Câu lạc bộ QNK Quảng Nam lên ngôi vô địch V-League 2017, vai trò của bầu Hiển được nhắc đến khi CLB này đang nhận sự tài trợ của Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam (công ty của bầu Hiển). Trong bối cảnh 5 đội bóng dẫn đầu bảng xếp hạng V-League có tới 4 đội bóng có liên quan đến bầu Hiển, lần lượt là: QNK Quảng Nam, Hà Nội FC (trước đây là Hà Nội T&T), Than Quảng Ninh, và Sài Gòn FC.

Ngoài ra, trong số 14 đội tham dự V-League còn có SHB Đà Nẵng (vị trí thứ 9). Tên tuổi của bầu Hiển gắn với hai CLB Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng nhiều năm nay. Sau đó mới đến việc ông tham gia tài trợ cho các đội bóng Quảng Ninh, Quảng Nam, và Sài Gòn FC.

Ông Đỗ Quang Hiển mê bóng đá, tâm huyết với bóng đá là điều ai cũng thấy, nhưng với việc ông có ảnh hưởng đến nhiều đội bóng cùng tham gia một giải đấu khiến nhiều ông bầu khác tỏ ra ngao ngán, người hâm mộ cũng đặt dấu hỏi về tính khách quan của giải đấu.

Ông Đỗ Quang Hiển.

Ông Đỗ Quang Hiển.

Tuy nhiên, trước việc các ông bầu lần lượt “hờn dỗi”, doạ bỏ bóng đá, cả VPF và VFF đều không thể làm gì hơn khi không chứng minh được tình trạng “một ông chủ nhiều đội bóng”. Theo VFF, cơ quan này không phát hiện ra việc ông Đỗ Quang Hiển có chức vụ gì tại các câu lạc bộ bóng đá do ông tài trợ.

Tuy nhiên, điều hiển nhiên ai cũng biết là tầm ảnh hưởng của bầu Hiển lên các đội bóng do SHB, T&T, QNK tài trợ, do đó việc các đội bóng có cùng nhà tài trợ cùng thi đấu trong một giải đấu cũng gợi nhiều suy nghĩ về tính công bằng.

Trở lại với câu chuyện về quy định mới của Luật các TCTD. Hiện nay ông Đỗ Quang Hiển đang là Chủ tịch SHB, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T, Chủ tịch CTCP Chứng khoán SHS, Chủ tịch CTCP Quản lý Quỹ Sài Gòn - Hà Nội (SHF). Ông Hiển sẽ phải lựa chọn chức danh Chủ tịch SHB, hoặc Chủ tịch/TGĐ các doanh nghiệp khác trước ngày 15/1/2018, thời điểm Luật các TCTD chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ông Hiển sẽ lựa chọn thế nào để cùng lúc điều hành SHB và các doanh nghiệp còn lại? Trở thành Phó Chủ tịch HĐQT SHB như nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo đang làm tại HDBank cũng là một trong những khả năng có thể xảy ra.

Theo Ngân Giang - Infonet

largeer