Bị chèn ép, doanh nghiệp Hàn Quốc bức xúc lên tiếng về mối quan hệ đầu tư Việt - Hàn

Thứ hai, 16/04/2018, 05:18 AM

Cho rằng một số cơ quan chức năng tại TP.HCM cố tình chèn ép, gây cản trở việc triển khai dự án The Mark, người đại diện VK Housing (chủ đầu tư) đặt câu hỏi về chính sách thu hút đầu từ nước ngoài của Việt Nam. Đồng thời, lo ngại về mối quan hệ đầu tư Việt - Hàn, vốn rất tốt đẹp.

Dự án The Mark được UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc (VK Housing) chủ đầu tư từ năm 2007. Trong đó, VK Housing là liên doanh giữa 2 pháp nhân Hàn Quốc P&D, LVC chiếm 80% cổ phần và pháp nhân Việt Nam - CTCP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), chiếm 20% cổ phần (góp bằng QSDĐ khu đất triển khai dự án). Sau đó, 80% cổ phần của 2 công ty là P&D và LVC được DWS Star Bridgde Limited Liability Company (DWS) mua lại vào năm 2016 và được UBND, cũng như Sở KH&ĐT TP.HCM công nhận quyền thay thế góp vốn tại VK Housing.

Tưởng chừng The Mark “hồi sinh”

Việc DWS chuyển nhượng thành công 80% của 2 pháp nhân cũ đã biến VK Hosing trở thành chủ đầu tư có tiềm lực tài chính dồi dào. Từ đây, dự án The Mark hồi sinh mạnh mẽ và trở thành một trong những dự án bất động sản có sức hút bật nhất khu Nam Sài Gòn. Đáng tiếc, khi dự án chỉ mới bắt đầu râm rang khởi công trở lại thì vướng vào lùm xùm tranh chấp nội bộ và tiếp tục đứng hình.

Tưởng chừng hồi sinh mạnh mẽ nhờ vốn tổng lực từ DWS nhưng The Mark tiếp tục đắp chiếu vì thưa kiện của HDTC (Ảnh: V.N)

Tưởng chừng hồi sinh mạnh mẽ nhờ vốn tổng lực từ DWS nhưng The Mark tiếp tục đắp chiếu vì thưa kiện của HDTC (Ảnh: V.N)

Cụ thể, thành viên liên doanh HDTC đã liên tục kiến nghị, tố cáo rồi khởi kiện VK Housing và nhà đầu tư mới - DWS ra tòa vì cho rằng 2 đơn vị này giả mạo các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng góp vốn và đăng ký doanh nghiệp. Mặc dù, trên nguyên tắc, HDTC không còn quyền liên quan đến Dự án do đã thoái vốn khỏi liên doanh VK Housing.

“Cần phải nói rõ, trước khi cổ phần hóa (năm 2016), HDTC đã thoái vốn khỏi VK Housing. Điều này thể hiện rất rõ trong hồ sơ phương án cổ phần hóa của HDTC. Ở mục quan trọng nhất - mục các vấn đề tiếp tục giải quyết sau cổ phần hóa đã không có bất kỳ dòng nào đề cập đến liên doanh VK Housing, hoặc dự án The Mark. Như vậy đồng nghĩa với việc, người tiếp nối HDTC sau cổ phần hóa không có quyền tranh chấp ở đây. Hơn nữa, khi DWS được UBND và Sở KH&ĐT TP.HCM công nhận tư cách thành viên góp vốn tại VK Housing, họ đã đổ tiền vào đây để thanh toán hết giá trị thương quyền khu đất thực hiện dự án và gánh luôn phần nợ thua lỗ của HDTC tại VK Housing. Tại sao ông Đinh Trường Chinh - Chủ tịch HĐQT HDTC hiện tại cứ thưa kiện mãi vậy? Không những vậy, họ còn xin giao lại dự án cho riêng HDTC làm, rõ ràng là bất hợp lý” - Phó Tổng Giám đốc VK Housing – Jessey Torng nói thêm.

Nhà đầu tư Hàn bất mãn

Cần phải nhấn mạnh, Văn phòng Chính phủ (VPCP) và các bộ ngành Trung ương đã có ít nhất 2 lần ra kết luận cuối cùng về những thưa kiện của HDTC. Cụ thể, VPCP đã đồng ý với quyết định công nhận tư cách thành viên góp vốn của DWS tại VK Housing, đồng thời cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án và giãn tiến độ thi công. Trong khi đó, Tổng Cục Cảnh sát – Bộ Công an cũng đã có văn bản kết luận việc HDTC tố cáo VK Housing giả mạo giấy tờ chuyển nhượng góp vốn là không có cơ sở. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an (C45) cũng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đơn tố giác tội phạm của HDTC.

Thế nhưng, bất chấp những kết luận đó, khi HDTC đưa vụ việc đến tòa thì chưa cần xét xử, TAND TP.HCM lại ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với khu đất thực hiện dự án The Mark. Cục Thi hành án dân sự cũng có ít nhất 2 lần ra thông báo thi hành án nhưng bất thành. Mới đây lại tiếp tục thông báo thi hành án vào ngày 29/3 tới. Một lần nữa, VK Housing lại kêu cứu.

Những nhà đầu tư Hàn Quốc chính hiệu đang đặt câu hỏi lớn về sự thống nhất giữa chính sách kêu gọi đầu tư của Việt Nam và quá trình triển khai thực hiện chinh sách của các đơn vị cấp dưới (Ảnh: V.N)

Những nhà đầu tư Hàn Quốc chính hiệu đang đặt câu hỏi lớn về sự thống nhất giữa chính sách kêu gọi đầu tư của Việt Nam và quá trình triển khai thực hiện chinh sách của các đơn vị cấp dưới (Ảnh: V.N)

Tranh chấp tại dự này đã không còn loanh quanh trong phạm vi nội bộ VK Housing mà thực sự chấn động thị trường địa ốc và khiến rất nhiều người trong giới chuyên môn bức xúc. Luật sư Nguyễn Viết Giao - Đoàn Luật sư TP.HCM nói: “Nhìn tổng quan sẽ thấy, vụ việc này tuy kiến nghị hay thưa kiện đến nhiều cơ quan khác nhau nhưng chỉ chung quy đến một vấn đề duy nhất. Vấn đề đó cũng đã có kết luận cuối cùng của cơ quan hành chính rồi bây giờ mang qua tòa giải quyết tiếp. Thực sự là chồng chéo, rất khó hiểu!”.

Trong khi đó, người đại diện DWS bộc bạch: “Tôi thật sự mệt mỏi. Bạn thấy đấy, chúng tôi bỏ hàng trăm triệu USD đầu tư chỉ mong dự án thành hình để Việt Nam các bạn vui và những nhà đầu tư Hàn thấy vui. Thế nhưng, 2 năm qua chúng tôi cứ bị “cuốn” vào thưa kiện. Gỡ chổ này, chổ khác lại làm khó. VPCP, UBND TP.HCM can thiệp, rồi kết luận cho chúng tôi làm tiếp. Chưa kịp làm thì tới phiên TAND, Cục THADS TP.HCM vào cuộc.

Nói thật, các bạn đã ép chúng tôi đến bước đường cùng. Nó quá khác với chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam từng công bố rộng rãi. Chúng tôi cùng vậy, người Hàn từng xem Việt Nam là quê ngoại để đầu tư nhưng những khó khăn, chèn ép gần đây, có thể sẽ khiến chúng tôi phải suy nghĩ lại!”.

Võ Nguyễn

Theo NTD

largeer