Bị truy thu thuế gần 63 tỷ đồng, Vinamilk 'cầu cứu' Thủ tướng

Thứ sáu, 08/12/2017, 09:28 AM

Bị cơ quan hải quan yêu cầu truy thu toàn bộ tiền ưu đãi thuế xuất nhập khẩu đường tại chỗ từ năm 2016, Công ty Vinamilk đã gửi thư kêu cứu lên Thủ tướng và Bộ Tài chính.

Ngày 1/12/2017, Vinamilk đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khiếu nại việc áp dụng thuế suất nhập khẩu năm 2017 ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng đường tinh luyện có c/o mẫu D.

Theo đó, Vinamilk cho biết, ngày 30/10/2017, Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tồng cục Hải quan ban hành Công văn số 2668a/GSHQ-GQ4 về việc Áp dụng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với hàng hoá nhập khẩu tại chỗ, gửi Cục hải quan các tỉnh/thành phố đề nghị thực hiện theo đúng quy định các Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Trong đó có Nghị định số 129/2016/NĐ-CP, ngày 01/09/2016 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016-2018.

 Dựa theo Công văn này, ngày 28/11/2017, Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Mỹ Phước, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã thông báo sẽ tiến hành ấn định thuế đối với các tờ khai xuất nhập khẩu tại chỗ, có c/o mẫu D, phát sinh từ ngày 01/09/2016 đến nay với số tiền thuế dự kiến ấn định thuế là 8 tờ khai, số tiền khoảng 62,8 tỷ đồng, chưa tính phạt chậm nộp thuế.

63

Vinamilk cho biết, mặt hàng nhập khẩu bị ấn định thuế có c/o mẫu D là đường tinh luyện (16.000 tấn) mà Vinamilk được quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sau khi đã trúng thầu trong phiên đấu giá giá ngày 7/9/2016 do Bộ Công thương tổ chức.

Thực hiện quyền trên, Vinamilk đã nhập khẩu đường tinh luyện từ Công ty cổ phần Đường Biên Hòa và khẳng định đã đáp ứng đủ điều kiện theo quy định để được áp dụng mức thuất ưu đãi đặc biệt là 5%. Phía Vinamilk đã kê khai nộp thuế, phí đầy đủ cho 23% giá trị tiền hàng từ 1/9/2016 tới nay.

Dẫn các quy định của Bộ Tài chính, đại diện Vinamilk khẳng định, điều kiện để đường tinh luyện hưởng mức thuế nhập khẩu 5% không thay đổi từ năm 2012 tới nay nhưng cơ quan quản lý lại đưa ra các hướng dẫn thiếu nhất quán, gây khó khăn cho doanh nghiệp và tạo sự bất an với cộng đồng doanh nghiệp.

Từ đó, lãnh đạo Vinamilk kiến nghị cơ quan chức năng thu hồi văn công văn 2668a/GSHQ-GQ4 của Tổng cục Hải quan và tiếp tục cho doanh nghiệp hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 5% với mặt hàng đường tinh luyện như trước đó doanh nghiệp được hưởng.

Báo Tiền phong cho hay, một số doanh nghiệp khác nhập đường tại chỗ cũng bị hướng dẫn mới của cơ quan hải quan gây vướng mắc, như: Tân Hiệp Phát, Nestle, Sanofi, Perfetti, Pepsi, hay Red Bull. Trích nguyên văn lại lời một doanh nghiệp: "Hướng dẫn của cơ quan Hải quan thiếu nhất quán, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và làm giảm sút lòng tin của các doanh nghiệp".

Đây cũng không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp sữa nói riêng gặp khó khi bị cơ quan Hải quan yêu cầu truy thu thuế. Hồi năm 2016, 8 DN sữa cũng đã đồng loạt kiến nghị lên Thủ tướng khi bị yêu cầu truy thu hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, do cách hiểu không thống nhất về mã số thuế của một mặt hàng chất béo khan. Sau đó, Bộ Tài chính cũng đã có công văn gửi Thủ tướng, nêu rõ quan điểm không "hồi tố" để truy thu thuế đối với các lô hàng đã nhập khẩu từ trước.

Không chỉ là sự thiếu đồng nhất trong thực thi chính sách ưu đãi thuế, mà như tờ Thời báo kinh doanh  có đề cập, bản thân giữa các chính sách ưu đãi thuế hiện nay cũng đã có độ vênh.

Cụ thể, một công ty A trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm thành lập vào năm 2016. Theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty này sẽ không được hưởng ưu đãi, thế nhưng theo luật đầu tư thì ngành nghề này lại được hưởng ưu đãi. Chẳng hạn, với cùng một khoản thuế thu nhập doanh nghiệp 200 triệu đồng, báo này tính toán rằng, trong 15 năm, nếu theo quy định luật đầu tư thì doanh nghiệp chỉ phải nộp 650 triệu đồng, còn nếu theo quy định luật thuế, thì doanh nghiệp phải nộp tới 3 tỷ đồng - một khoảng cách không nhỏ.

Theo Mai An - ANTT

largeer