Bỏ phiếu tín nhiệm, cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ, cử tri chờ đợi gì?

Thứ bảy, 15/09/2018, 18:41 PM

Khi Quốc hội bỏ phiếu đánh giá chức danh lãnh đạo các cơ quan do Quốc hội bầu và phê chuẩn thì cử tri cũng nhìn vào những lá phiếu đó để đánh giá sự khách quan, trung thực, mức độ chính xác của Quốc hội.

20

Theo thông báo từ UB Thường vụ Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có gần 50 chức danh lãnh đạo các cơ quan do Quốc hội bầu và phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm. Đây có thể coi như một cuộc “sát hạch” giữa nhiệm kỳ của cử tri mà đại biểu Quốc hội là người đại diện.

Do đó, đây là kỳ họp đặc biệt quan trọng, người dân rất quan tâm, nhất là đối với các thành viên Chính phủ, những vị tư lệnh ngành.

Nhìn lại nửa nhiệm kỳ qua, có thể nói đã có một nỗ lực rất lớn trong lộ trình xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ doanh nghiệp và nhân dân.

Những thành tựu to lớn trong lĩnh vực kinh tế với mức tăng trưởng kỉ lục trong 10 năm trở lại đây là kết quả rất đáng ghi nhận.

Ở Bộ Công Thương, từ một di sản “ảm đạm” với rất nhiều “di chứng”, Bộ đã vươn lên một cách ngoạn mục, được Đảng (cụ thể là Tổng Bí thư), Nhà nước (Thủ tướng) và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đã có sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, cơ cấu lại mô hình sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

Hàng loạt các “rào cản” trong sản xuất, kinh doanh đã và đang được dỡ bỏ, công tác tổ chức được cơ cấu lại trên tinh thần tinh gọn đã tạo nên một không khí phấn khởi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Tương tự, Bộ Tài nguyên Môi trường đã khắc phục khá hiệu quả những “tàn tích” từ quá khứ, từng bước đi lên bằng những chủ trương chính sách hợp lý, hợp lòng dân góp phần bảo vệ môi trưởng, phát triển bền vững. Việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cũng đã và đang phát huy tác dụng tốt.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với thành tựu trong xuất khẩu lao động, đặc biệt là chính sách người có công. Hàng ngàn trường hợp tồn đọng từ nhiều năm trước đã được giải quyết hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật. Cùng với đó, hàng ngàn hồ sơ giả đã được phát hiện và xử lý.

Bộ Nội vụ với những đề xuất mang tính đột phá về sắp xếp cơ cẩu tổ chức, báo hiệu một cuộc “cách mạng” trong công tác này bằng những đề xuất mạnh mẽ như xóa bỏ một số cơ quan trung gian, bước đầu sáp nhập các sở, ngành tương đồng và rà soát lại một số cơ quan hành chính địa phương chưa đủ tiêu chuẩn.

Ngân hàng Nhà nước ngoài việc kiềm chế lạm phát, ổn định VND còn rất quyết liệt trong cơ cấu tổ chức, làm trong sạch và lành mạnh thị trường tiền tệ…

Tuy nhiên qua nhiều nguồn thông tin, người viết bài này nhận thấy vẫn còn không ít bộ ngành chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu cũng như mong muốn của cử tri.

Ngành Tài chính, ngoài việc chậm sắp xếp tổ chức, bộ máy còn quá cồng kềnh… chưa chú trọng tư tưởng “khoan thư sức dân” mới là kế “sâu rễ, bền gốc” mà vẫn lấy mục đích tận thu làm chính. Các ngành thuế, hải quan vẫn “được” xếp thứ hạng cao trong bảng nhũng nhiễu, tiêu cực.

Một số vụ việc “lùng nhùng” vẫn chưa được xử lý triệt để, người dân và doanh nghiệp vẫn còn không ít những kêu ca, phàn nàn.

Ngành Giao thông Vận tải, ngoài việc chậm trễ trong phát triển hạ tầng cũng như giải quyết hậu quả vẫn chưa cho thấy một chiến lược lâu dài, còn loay hoay, lẩn quẩn với “thu phí” hay “thu giá”.

Trong khi giao thông vận tải là huyết mạch quốc gia, rất cần sự khẩn trương và quyết liệt thì ngược lại, vẫn còn “đủng đỉnh”, thiếu quyết đoán của “đầu tàu”.

Đối với ngành Công an, cùng với những chiến công to lớn trong công tác phòng chống tham nhũng và giữ gìn an ninh xã hội, việc sắp xếp lại bộ máy vừa qua là biểu hiện tích cực thì nạn cướp giật ở Sài Gòn là câu hỏi đang chờ được trả lời bởi nói gì thì nói, người dân Sài Gòn vẫn đang “sống trong sợ hãi”.

Các ngành như Giáo dục Đào tạo, Kế hoạch Đầu tư, Khoa học Công nghệ… vẫn chim trong “nốt nhạc trầm”, chưa thấy sự khởi sắc như cử tri mong đợi.

Một đất nước giống như một cơ thể, muốn khỏe mạnh phải có sự đồng đều. Do đó, nhân dân mong muốn những bộ, ngành đang làm tốt tiếp tục phát huy. Những bộ, ngành chưa tốt cần phải rất nhiều nỗ lực. Có như vậy, đất nước mới đi lên một cách toàn diện và vững chắc.

Người dân cũng chờ đợi những lá phiếu của Quốc hội phản ánh đúng thực trạng các bộ ngành, hợp với đánh giá cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Khi Quốc hội bỏ phiếu đánh giá chức danh lãnh đạo các cơ quan do Quốc hội bầu và phê chuẩn thì cử tri cũng nhìn vào những lá phiếu đó để đánh giá sự khách quan, trung thực, mức độ chính xác của Quốc hội.

Bùi Hoàng Tám

Theo Dantri

largeer