Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam”

Thứ tư, 22/11/2017, 16:18 PM

Trong Lễ kỷ niệm 20 năm Internet có mặt tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, chính Internet đã dần làm thay đổi thói quen và cuộc sống của người dân Việt Nam.

Ngày 22/11, tại khách sạn Marriott (Hà Nội) đã diễn ra sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam, thu hút được sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông và các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.

Cũng trong buổi lễ kỷ niệm, khi nói về sự phát triển và tác động của Internet tới Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng, từ khi có Internet, cuộc sống và thói quen của người dân đã thay đổi.

"Tại Việt Nam hiện nay có thể dễ dàng chứng kiến việc Internet đã len lỏi vào khắp các ngõ ngách trong cuộc sống. Nông dân, công nhân, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sỹ đều có thể tìm được thông tin trên Internet. Chính internet đã dần làm thay đổi thói quen và cuộc sống của người dân Việt Nam", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết Internet đã làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Trương Minh Tuấn cũng chỉ ra những tồn tại và bất cập của sự phát triển Internet tại Việt Nam.

"Hiện nay lượng thông tin xấu, độc trên Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều như: Tin rác, tin xuyên tạc, thông tin chống phá chế độ, xúc phạm danh phẩm cá nhân và tổ chức. Ngoài ra các vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin thư rác, mã độc, tống tiền đang nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức doanh nghiệp tại Việt Nam, hiện đang gia tăng cả về số lượng và quy mô", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Năm nay, sự kiện Internet Day 2017 và Lễ kỷ niệm 20 năm Internet Việt Nam được xem là dịp đặc biệt để tổng kết những thành tích đã đạt được trong suốt chặng được 20 năm phát triển. Hội nghị cũng xây dựng buổi tọa đàm với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, giới chuyên gia và các doanh nghiệp tiêu biểu của ngành thông tin, truyền thông của cả nước nhằm tìm ra những hướng đi mới trong tương lai.

Cũng trong chương trình lễ kỷ niệm, chiều ngày 22/11, buổi hội thảo với chủ đề “Tài nguyên số – cơ hội và thách thức” sẽ được tiến hành, phiên hội thảo tập trung vào thảo luận về sự dịch chuyển giá trị của tài nguyên viễn thông, Internet truyền thống sang các loại hình khác, các tài nguyên số mới xuất hiện làm thay đổi xã hội, đem đến nhiều tiện ích cho người sử dụng, nhiều cơ hội mới, thách thức mới trong kinh doanh và cách thức quản lý xã hội.

Cùng với đó, vấn đề "Kinh tế số ở Việt Nam - có gì cho doanh nghiệp Việt?” cũng được tổ chức nhằm tập trung vào các nội dung các doanh nghiệp Việt có cơ hội gì trong “nền kinh tế số” và quá trình hội nhập vào “kinh tế số”, liên quan đến các chủ đề về cơ hội, thách thức của doanh nghiệp Việt trong kinh doanh thương mại điện tử, các dịch vụ giá trị gia tăng trên Internet, các cơ hội kinh doanh mới xuất hiện như các dòng chảy fintech, blockchain…

internet-VN-songuoi-1733-1511307224

Nhìn lại lịch sử, ngày 19/11/1997, sau nhiều bàn thảo, băn khoăn và thuyết phục, Ban điều phối quốc gia mạng Internet trao giấy phép cho các nhà cung cấp dịch vụ kết nối, truy nhập Internet. “Internet Việt Nam” ra đời. Đến ngày 1/12/1997, Internet được cung cấp cho đông đảo người sử dụng.

Từ năm 1997 đến trước 2002, Việt Nam chỉ có 1,8 triệu người dùng Internet, chiếm 4% dân số bấy giờ. Cộng với sự ra đời của dịch vụ Internet ADSL (băng rộng hữu tuyến) vào tháng 5/2003, số người sử dụng Internet tăng đột biến.

Đến nay, theo một số liệu thống kê chưa chính thức, Việt Nam đã có hơn 50 triệu người sử dụng Internet chiếm hơn 50% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64%. Chúng ta nằm trong top những quốc gia và vũng lãnh thổ có số lượng người dùng internet cao nhất tại châu Á.

Theo Tiến Phòng - NTD

largeer