Bong bóng cười, cười ra nước mắt…!

Thứ ba, 17/04/2018, 09:39 AM

Bong bóng cười dù được cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe, như: Gây ức chế não bộ, ảnh hưởng lâu dài đến hệ thần kinh… Thế nhưng, người mua sử dụng vẫn phớt lờ cảnh báo này. Còn người bán thì thu lợi bất chấp sức khỏe của người khác…!

Bóng cười được biết đến từ lâu, là loại bóng được bơm khí oxit nitơ (N2O), sau khi quả bóng được bơm căng tròn, người chơi bóng cười chỉ cần hít vào và thổi ra khoảng 4-5 lần. Khí cười N2O theo khí quản vào trong phổi, dần dần thấm vào máu rồi đi lên não, tác động đến hệ thần kinh. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng…

Vì không bị pháp luật cấm, bóng cười ngày càng được bán tràn lan. (Ảnh: CTV).

Vì không bị pháp luật cấm, bóng cười ngày càng được bán tràn lan. (Ảnh: CTV).

Thu lợi bằng hại sức khỏe của người khác

Thế nhưng, khi các chuyên gia cảnh báo về ảnh hưởng của bóng cười đến sức khỏe…nhiều bạn trẻ vẫn bỏ ngoài tai và bất chấp để chơi loại bóng này. Còn người bán vẫn hàng ngày thu lợi trên chính sức khỏe người khác.

Qua tìm hiểu của phóng viên, bóng cười không bị cơ quan chức năng cấm. Vì vậy, việc chơi bóng cười diễn ra hết sức bình thường. Đến các điểm vui chơi như quán bar, vũ trường, quán cà phê… rất dễ dàng bắt gặp “nam thanh nữ tú” cười ngả nghiêng trong tiếng nhạc xập xình.

Hiện nay việc mua bán bóng cười diễn ra công khai trên nhiều trang mạng điện tử. Nhiều hình thức khuyến mãi “ưu đãi” mua 10 tặng 1… với giá chỉ vài trăm ngàn được đưa ra để thu hút người chơi…

Theo các chuyên gia, bất cứ chất hóa học nào đi vào cơ thể con người, trong một thời gian liên tục sẽ gây nghiện. Tác hại của chất N2O trong bóng cười gây ra rối loạn trí nhớ, giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch và hạ huyết áp. Lạm dụng chất N2O thì sẽ phụ thuộc và nghiện, khi thiếu khí cười dễ bị trầm cảm

Tương tự heroin, khi sử dụng bóng cười quá liều sẽ tạo ra hiện tượng suy giảm nhận thức, không làm chủ được hành động cơ thể, gây suy hô hấp cấp, có khả năng dẫn đến tử vong vì thiếu oxy não và tổn thương vĩnh viễn trên não bộ.

Dù được cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng giới trẻ vẫn bỏ ngoài tai để chơi bóng cười. (Ảnh: CTV).

Dù được cảnh báo nguy hiểm cho sức khỏe, nhưng giới trẻ vẫn bỏ ngoài tai để chơi bóng cười. (Ảnh: CTV).

Khóc… với bóng cười!

Hiện nay, bóng cười đã gây ra những tác hại phần nào cho người sử dụng. Đẩy nhiều gia đình có người thân chìm trong nỗi đau, khổ sở… với bóng cười.

Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đang điều trị cho một bệnh nhân nam 26 tuổi (Tây Hồ, Hà Nội) bị ngộ độc khí N2O do lạm dụng hít bóng cười trong một thời gian dài. Nam bệnh nhân nhập viện ngày 1/4 với các biểu hiện rối loạn cảm giác và giảm vận động, đồng thời có cảm giác tê bì bàn chân lan lên cổ chân và bàn tay hai bên, đi lại không vững. Qua khám lâm sàng và xét nghiệm còn thấy bệnh nhân có biểu hiện tổn thương tủy sống cổ khá nhiều, mất chất liệu tủy sống.

Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân đã chơi bóng cười hơn một năm nay. Thời gian đầu 9X này dùng ít, chỉ 1-2 quả một lần và có cảm giác “phê”. Dần dần số lượng dùng ngày một tăng, có thể lên tới 20 quả một lần chơi và thường xuyên dùng. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, đây là trường hợp rất điển hình của ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.

Một trường hợp khác, khoảng 22h30 ngày 12/11/2017, Nguyễn Tuấn Minh (1996, trú tại phường Tràng Cát, Hải An, Hải Phòng) điều khiển xe ô tô BKS: 15A-205.37 trên đường Lạch Tray theo hướng từ ngã tư Quán Mau về phía cầu vượt Lạch Tray, va chạm với các xe mô tô BKS: 27F3-1289, 16M7-3720 và các xe máy điện BKS: 15MĐ1-28682, 15MĐ1-05767 tại khu vực trước nhà số 199 Lạch Tray, Hải Phòng. Cú va chạm mạnh đã khiến chị Phạm Thị Hà (SN 1992, ở Kiến An, Hải Phòng) bị gãy xương đùi; anh Vũ Hải Tuyên (SN 1983, ở Bắc Sơn, Kiến An, Hải Phòng) bị gãy ngón tay trỏ, cháu Trần Vinh (SN 2001, ở Miếu Hai Xã, Lê Chân, Hải Phòng) bị trầy xước hai chân; chị Nguyễn Thị Thu Hường (SN 1973, ở Hai Bà Trưng, Lê Chân, Hải Phòng) bị xây xước da; làm hư hỏng 2 xe máy và 2 xe đạp điện.

Việc sử dụng bóng cười quá mức hoặc không đúng lúc sẽ gây ra nhiều hiểm họa khôn lường, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Thiết nghĩ, các bạn trẻ nên cân nhắc nhiều yếu tố trước khi bước vào cuộc vui “nguy hiểm” mang tên bóng cười.

Nam thanh niên chơi bóng cười lúc lái xe đã gây tai nạn cho nhiều người. (Ảnh: CTV).

Nam thanh niên chơi bóng cười lúc lái xe đã gây tai nạn cho nhiều người. (Ảnh: CTV).

Phúc Lâm

Theo NTD

largeer