Bước chuẩn bị cho tương lai

Thứ hai, 25/06/2018, 14:06 PM

Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 đã đi được nửa chặng đường. Hiện là thời điểm thích hợp cho việc đưa ra những đánh giá giữa kỳ, để vừa tổng kết, nhìn lại những gì làm được và chưa làm được, đồng thời tìm ra giải pháp nhằm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm vừa qua, cùng Chiến lược 10 năm 2011- 2020.

Chuẩn bị cho việc này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước Khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch năm 2019.

Cần nhắc lại rằng, việc đánh giá giữa kỳ không phải bây giờ mới được thực hiện, nhưng có lẽ, chưa lần nào, Khung hướng dẫn đánh giá giữa kỳ lại vừa tỉ mỉ, chi tiết, vừa toàn diện và đầy đủ như lần này. Không chỉ là hướng dẫn đánh giá từng chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, như tăng trưởng GDP, lạm phát…, mà còn là đánh giá kết quả thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế, bao gồm cả tích lũy, tiêu dùng, tiết kiệm nội địa, vốn đầu tư phát triển, cán cân thanh toán quốc tế…, cũng như tình hình thực hiện 3 đột phá lớn của nền kinh tế.

Đặc biệt hơn, là những đánh giá cụ thể về tình hình thực hiện mục tiêu tái cơ cấunền kinh tế trong 3 năm 2016 - 2018. Không chỉ là đánh giá chung trên bình diện quốc gia, mà còn là những đánh giá cụ thể từ từng bộ ngành, như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… với từng nhiệm vụ được giao cụ thể. Bên cạnh đó, là những đánh giá về việc thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như chuẩn bị lập kế hoạch đầu tư công năm 2019 theo từng nguồn vốn... của từng bộ ngành, địa phương.

Hai năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nền kinh tế đã từng bước vượt qua thách thức, khó khăn để dần phục hồi. Năm ngoái, tăng trưởng GDP đã đạt tới 6,81%, cao nhất trong vòng nhiều năm qua. Đây là nền tảng quan trọng tạo đà cho nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững cho nửa sau của Kế hoạch 2016 - 2020. 

Nhưng câu chuyện của nền kinh tế Việt Nam hiện thời không chỉ là ổn định vĩ mô, lạm phát bao nhiêu, tăng trưởng thế nào…, mà là giải quyết được các điểm nghẽn của nền kinh tế, từ nợ xấu, nợ công, phát triển hạ tầng, tránh nguy cơ tụt hậu… Và quan trọng hơn, là tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - kế hoạch và mục tiêu đã được đặt ra trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. 

Đánh giá giữa kỳ để nhận định một cách chính xác những gì đã làm được và chưa làm được trong nửa đầu Kế hoạch, từ đó có giải pháp phù hợp thực hiện mục tiêu kế hoạch trong nửa sau Kế hoạch là quan trọng và cần thiết. Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi sau nửa đầu Kế hoạch 2016 - 2020, kinh tế thế giới đã có quá nhiều biến động, bối cảnh không còn như cách đây 3 năm, khi Việt Nam xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020.

Vào thời điểm đó, ngay cả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng chưa được nhắc tới nhiều. Vào thời điểm đó, dư luận chỉ đề cập chuyện hội nhập sâu rộng và toàn diện, chưa quan tâm nhiều tới xu hướng bảo hộ thương mại lại lan rộng như hiện nay, chưa xảy ra những xung đột địa chính trị căng thẳng và có ít mối quan ngại về chu kỳ khủng hoảng kinh tế 10 năm…

Dù đó là câu chuyện của thế giới, nhưng cũng là câu chuyện của kinh tế Việt Nam. Chưa kể, bối cảnh trong nước đã có nhiều thay đổi so với thời điểm cách đây 3 năm. Chính vì vậy, đánh giá giữa kỳ một cách chính xác, cụ thể, đồng thời “đặt” nền kinh tế vào trong bối cảnh mới, sẽ giúp Việt Nam có được quyết sách đúng đắn đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tương lai.

Hà Nguyễn

Theo Báo đầu tư

largeer