Cà phê trộn pin: Sự tàn nhẫn không thể nào chấp nhận trong kinh doanh

Thứ năm, 19/04/2018, 10:26 AM

PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm đại học Bách Khoa cho rằng hành động trộn pin vào cà phê rồi bán ra thị trường không thể nào chấp nhận được và đây là sự tàn nhẫn trong kinh doanh.

Cần phải lên án và xử lý thật nghiêm minh việc trộn pin vào cà phê

Cần phải lên án và xử lý thật nghiêm minh việc trộn pin vào cà phê

PGS Thịnh cho biết, pin không ai dùng để ăn vì nó chứa nhiều chất độc hại. Trước đây, việc luộc bánh chưng cho pin vào đã bị lên án vì nó gây hại cho sức khỏe con người thì nay người ta lại pha vào cà phê để tạo màu cho cà phê thì cần phải lên án và xử lý thật nghiêm minh.

Pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất cứ loại thực phẩm nào bởi có rất nhiều hóa chất, trong đó còn chứa các kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với não, thận, hệ thống tiêu hóa và sinh sản của con người.

Chì, Magie, Mangan trong pin sẽ thôi ra khiến người ăn bị ngộ độc, tích lũy trường diễn và tiềm ẩn ung thư. Người ta đã khuyến cáo trẻ con không được chơi pin bởi thực tế pin độc hại.

Cùng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Trong pin có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium và Asen hay còn gọi là thạch tín. Sử dụng cà phê trộn lẫn pin có thể dẫn tới người uống bị ngộ độc cấp tính thậm chí tử vong hoặc dẫn đến những ngộ độc mạn tính gây tổn hại cho sức khỏe.

  Nơi tích lũy kim loại nặng nhiều nhất là gan, thận, não rồi đào thải qua đường tiêu hóa và đường tiết niệu.

Khi cơ thể tích lũy một lượng đáng kể sẽ dần dần xuất hiện các biểu hiện nhiễm độc như hơi thở hôi, sưng lợi, da vàng, đau bụng dữ dội, táo bón, đau khớp xương, bại liệt chi trên (tay bị biến dạng), mạch yếu, nước tiểu ít, thường gây sẩy thai ở phụ nữ có thai.

Bác sĩ Tiến nhấn mạnh, nếu uống phải một lượng chì 25 – 30gam, nạn nhân lúc đầu có thể thấy vị ngọt, rồi chat, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, chảy máu thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đau bụng dữ dội, tiêu chảy, phân đen (chì sunfua), mạch yếu, tê chân tay, co giật và tử vong.

Trước đó, ngày 16/4, lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).

Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng thu giữ 2 chậu chứa cục pin hiệu Con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin đang chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê bẩn.

Theo lời khai ban đầu, bà Loan cho biết, cơ sở mình hoạt động nhiều năm nay. Bà nhờ người đi thu mua lại các loại cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn vỡ… tại các đại lý và sau đó mua các cục pin đập dẹp, dùng chất bột màu đen của pin hòa với nước rồi đem nhuộm với cà phê.

Bà Loan khai nhận, cà phê sau khi được nhuộm, cơ sở đem rang, xay rồi đóng gói bán ra thị trường. Tính từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở của bà đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê bẩn đã được nhuộm đen bằng pin như trên.

Khánh Ngọc

Theo infonet

largeer