Cả xã hội mong chờ sự thay đổi từ chương trình giáo dục mới

Thứ hai, 19/02/2018, 06:14 AM

Có lẽ từ khóa về giáo dục được nhắc nhiều nhất trong năm 2017 là chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nhiều quan điểm, trăn trở, kể cả ý kiến phản biện hay đồng tình đều làm nóng các diễn đàn về giáo dục

Chương trình giáo dục phổ thông mới có thật sự giảm tải không? Học sinh sẽ được học những bài học đi đôi với hành hay chỉ là những bài lý thuyết sách vở?... Đó là những câu hỏi đặt ra đối với  chương trình giáo dục phổ thông tổng thể dự kiến sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu từ năm 2019 và các khâu chuẩn bị sẽ được triển khai gấp gáp trong năm 2018 để kịp tiến độ. 

Tăng tính ứng dụng, giảm tải

Theo nhiều giáo viên bộ môn, tín hiệu đáng mừng trong dự thảo chương trình ở từng môn học là kết cấu các môn đã tăng tính ứng dụng, tạo hứng thú cho người học. Chẳng hạn ở môn sinh học, theo giáo viên bộ môn sinh tại TP HCM, đa số hài lòng với những thay đổi trong nội dung về phân hóa đối tượng người học, tăng tính ứng dụng công nghệ sinh học, tính thực tiễn. Từ đó hi vọng sẽ tạo được hứng thú cho học sinh (HS) khi theo học môn sinh vốn dĩ từ trước đến nay được coi là bộ môn "kén" HS. Cô Nguyễn Thị Nam Phương, giáo viên bộ môn sinh, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3 – TP HCM) đánh giá cao về quan điểm cũng như mục tiêu việc xây dựng môn sinh mà dự thảo đề cập.

Ngoài ra, việc xây dựng nội dung giáo dục cũng cho thấy có nhiều sự đổi mới, tiến bộ phù hợp với sự phát triển của công nghệ sinh học hiện nay. Điều này thể hiện qua việc xây dựng hệ thống các chuyên đề học tập theo như dự thảo đã ghi: Các chuyên đề nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành để trực tiếp định hướng, làm cơ sở cho các quy trình kỹ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến sinh học. Các chuyên đề hướng đến các lĩnh vực của nền công nghiệp 4.0 như: công nghệ sinh học trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo… Các lĩnh vực công nghệ đó ứng dụng theo cách tích hợp các thành tựu không chỉ của sinh học mà của các ngành khác...

Quan điểm, "Sinh học là khoa học thực nghiệm, vì vậy thực hành trong phòng thí nghiệm, phòng học bộ môn, ngoài thực địa là phương pháp, hình thức dạy học cơ bản của môn sinh học". Điều này cho thấy, chương trình mới giảm nhẹ kiến thức theo kiểu mô tả, tăng thực hành, tăng học tập ngoài thực địa. Qua đó sẽ làm tăng hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em hiểu rõ lí thuyết và biết vận dụng kiến thức đã học vào đời sống , giúp các em tiếp cận với công nghệ sinh học hiện đại . "Chính việc tăng thời gian cho các em thực hành môn sinh học, tăng phần liên hệ thực tế sẽ giúp "giáo dục cho học sinh tình yêu thiên nhiên; niềm tự hào về sự đa dạng và phong phú của tài nguyên sinh vật Việt Nam, đồng thời giáo dục các em trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn sự đa dạng, phong phú của tài nguyên sinh vật trên Trái Đất."- cô Phương chia sẻ.

Trong khi đó, dự thảo chương trình môn toán cũng đã thể hiện được tính ứng dụng và giảm tải. Cụ thể, theo thầy Trần Văn Toàn, tổ trưởng tổ toán, Trường THPT Marie Curie (quận 3 - TP HCM) cho rằng, dự thảo so với chương trình hiện hành đã có những thay đổi đáng hoan nghênh. Việc dành khoảng 21% tổng thời lượng của chương trình cho các trải nghiệm toán học trong đời sống và loại bỏ hẳn những mưu mẹo, đánh đố ra khỏi chương trình là điều cần thiết và có lẽ cũng là mục đích của môn toán phổ thông. Nếu câu hỏi học toán để làm gì ngoài việc đi thi mà ở phần 21% của chương trình toán trả lời được thỏa đáng, cũng như thay đổi cách kiểm tra đánh giá học sinh thì việc hứng thú và khơi gợi tính sáng tạo trong học tập môn toán của học sinh sẽ đến như một điều hiển nhiên. 

Việc đưa hoạt động trải nghiệm trong toán học là vô cùng hợp lý và tăng tính ứng dụng, tính thực tiễn, giúp các em hứng thú và yêu thích bộ môn này.

Tương tự, thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú – TP HCM) nêu quan điểm: Những thay đổi môn toán trong chương trình mới là rất hợp lý, nhằm đưa toán học đến gần hơn với người học để các em tiếp cận một cách nhẹ nhàng hơn. Những bài toán có tính ứng dụng sẽ gợi mở cho các em rất nhiều điều liên quan đến cuộc sống, gắn kết với thực tiễn chứ không riêng dừng lại ở học môn toán.

Chương trình phổ thông mới kỳ vọng sẽ giúp học sinh bớt thụ động. Ảnh: Tấn Thạnh

Chương trình phổ thông mới kỳ vọng sẽ giúp học sinh bớt thụ động. Ảnh: Tấn Thạnh

Thêm vào đó, qua bản tóm tắt về dự thảo môn toán chúng ta cũng thấy được sự phân hóa dành cho các đối tượng học sinh, giao quyền chủ động cho người dạy, người học để phát huy sở trường, năng lực với bộ môn này, thậm chí là sự sáng tạo để thoát ra được việc rập khuôn và máy móc. Điều này chính là những cải tiến phù hợp với thực tiễn toán học của thế giới để học sinh của chúng ta sẵn sàng hòa nhập được với thế giới. Dự thảo chương trình môn toán, đã đảm tính chỉnh thể, thống nhất và phát triển liên tục từ lớp 1 đến lớp 12. Chú trọng đến phát triển năng lực của HS là điều giáo viên mong đợi và hài lòng. Từ dự thảo này, theo thầy Bùi Gia Hiếu, giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, chủ động trong tiếp cận chương trình mới. Bởi theo thầy, nội dung chương trình có hay, có cải tiến bao nhiêu mà bản thân mỗi nhà giáo không thay đổi cách giảng dạy, tiếp cận chương trình mới thì rất khó thành công.

Không còn nhồi nhét kiến thức

Đáng chú ý nhất trong dự thảo chương trình phải kể đến môn ngữ văn. Theo nhiều giáo viên, những đổi mới trong chương trình  đã chú trọng đến tính thực tế của môn văn. Từ những đổi mới chương trình đặt ra nhiều yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên trong giảng dạy và HS trong việc học văn. Giúp giáo viên sáng tạo hơn trong giảng dạy.

 Thầy Hoàng Long Trọng (giáo viên ngữ văn, Trường THCS Văn Lang, (quận 1 - TP HCM) cho rằng, với những thay đổi trong môn ngữ văn sẽ tạo sự thay đổi rất lớn trong quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Giáo viên sẽ không phải là người "đổ kiến thức lên học sinh" và HS không phải là người "thụ động" tiếp nhận kiến thức. Mà các em sẽ chủ động khám phá tri thức bằng năng lực, kĩ năng của bản thân. Quá trình khám phá tri thức sẽ đi từ nội tại bản thân HS đi ra. Đây sẽ là một thay đổi lớn, hứa hẹn nhiều phương pháp, cách thức giảng dạy mới, đầy sáng tạo, hiệu quả của giáo viên nở rộ trong tương lai.

Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1 - TP HCM) cho rằng, GV, HS nói riêng, cả xã hội nói chung đang rất chờ mong sự thay đổi trong chương trình mới. Với riêng môn văn, dự thảo cho thấy sự thay đổi tích cực so với chương trình hiện hành. Chương trình mới đã chú trọng nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế của môn văn. Điều đáng chờ đợi nhất là chương trình đã chú trọng đến kỹ năng nói và nghe của HS. Văn không chỉ dạy học sinh cách đọc, cách hiểu, cách viết, mà còn cho học sinh cả kĩ năng nói và lắng nghe. Từ đổi mới đó, sẽ không còn kiểu áp đặt ý tứ văn chương mà trong những giờ học, khi học sinh được nói, được tranh luận, được phản biện, hay bảo vệ ý kiến, suy nghĩ của mình.

Trong khi đó, ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (Bình Thạnh, TP HCM), cho rằng: Dự thảo có nhiều điều mới, linh hoạt góp phần phát huy khả năng cá thể hóa đối với HS. Trong phần nội dung chương trình dự thảo nêu: Kiến thức tiếng Việt với các nội dung chủ yếu là: (i) Ngữ âm và chữ viết; (ii) Từ vựng; (iii) Ngữ pháp; (iv) Hoạt động giao tiếp; (v) Sự phát triển của ngôn ngữ… Cho thấy dự thảo đã rất chú trọng phát triển kĩ năng của trẻ: nghe nói, đọc viết giúp trẻ hoàn thiện về ngôn ngữ một cách toàn diện; vừa dạy tiếng Việt nhưng lồng ghép thêm những kỹ năng khác để đạt mục tiêu giáo dục đề ra.

Đặng Trinh - Ảnh: Tấn Thạnh

Theo NLĐ

largeer