Cấm sản phẩm nhựa sử dụng một lần, cần thiết nhưng không đơn giản

Thứ ba, 30/10/2018, 17:23 PM

Những sản phẩm nhựa, túi nylon... đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong cuộc sống thường nhật. Nhưng những vật dụng này bị coi là kẻ thù của môi trường và cuộc chiến nói không với sản phẩm này lại không hề đơn giản.

Ngày 24/10/2018, với số phiếu thuận 571/53, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định đề xuất của Hội đồng Châu Âu (EC) sẽ cấm tất cả các loại cốc, bát đĩa, dao dĩa, thìa sử dụng một lần (bằng nhựa) trên toàn EU. Nếu được Ủy ban châu Âu (EC) phê chuẩn và tiếp tục được thông qua tại từng quốc gia thành viên EU, quyết định cấm dùng đồ nhựa một lần sẽ chính thức trở thành luật vào năm 2021.

Những sản phẩm nhựa dùng 1 lần bị coi là kẻ thù của môi trường bởi thời gian phân hủy kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời

Những sản phẩm nhựa dùng 1 lần bị coi là kẻ thù của môi trường bởi thời gian phân hủy kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời

Trong nhiều năm qua, các nhà môi trường châu Âu luôn đau đầu trong việc tìm ra giải pháp ngăn ngừa rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh, sạch khi mà những mặt hàng nhựa phổ biến như ống hút, bông ngoáy tay, thìa dĩa, que buộc bóng bay, các que ngoáy đồ uống... trong đời sống và thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Song song với việc giáo dục người dân, chính quyền của 28 quốc gia thành viên đã yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm phải dán nhãn sản phẩm rõ ràng và cho người tiêu dùng biết chất thải nhựa sẽ được xử lý như thế nào.

Nhà nước cũng sẽ có ưu đãi cho các công ty sản xuất thực phẩm để khuyến khích họ làm các sản phẩm dùng một lần từ các nguyên liệu bền vững. Ngược lại, các công ty sản xuất nhựa có thể sẽ buộc phải đóng góp cho chi phí xử lý rác nhựa và theo kế hoạch, tất cả các chai nhựa ở EU sẽ được thu hồi hoàn toàn để tái sử dụng vào năm 2025.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, lượng rác nhựa thải ra đủ để bao quanh trái đất 4 lần. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số chúng được xử lý và tái chế. Ở Mỹ, lệnh cấm sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần và túi nylon vẫn còn vấp phải nhiều sự phản đối từ các cơ quan lập pháp, người dân và những nhà sản xuất trong ngành công nghiệp nhựa. Chính quyền ở các tiểu bang như New York, Arizona, Michigan... đang nỗ lực hiện thực hóa luật này nhưng kết quả thu được còn rất hạn chế.

Seattle là thành phố đầu tiên của Mỹ chính thức cấm sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần từ ngày 2/7/2018. Theo đó, 5.000 nhà hàng tại Seattle sẽ phải sử dụng các vật dụng, trong đó có ống hút, có thể tái sử dụng hoặc có thể làm thành phân trộn và nhà hàng nào vi phạm quy định này sẽ bị phạt 250 USD. 2 thành phố khác là New York và San Francisco cũng đang xem xét đề xuất cấm ống hút nhựa trong thời gian tới.

Ông Kamal Malhotra, Đại diện thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Ông Kamal Malhotra, Đại diện thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Theo một bản báo cáo mới đây của Liên hiệp quốc, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương, sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Và có tới 60% lượng rác thải nhựa này của thế giới bắt nguồn từ 6 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo thông tin của ông Kamal Malhotra, đại diện thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, thì nước ta xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM, hằng ngày, 2 thành phố lớn này đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.

Thực tế tại Việt Nam, đồ nhựa dùng một lần như: thìa, đĩa, bát, cốc, tăm bông, ống hút, hộp, túi nilon… ngày càng được sử dụng phổ biến, có mặt ở hầu khắp các hàng quán từ nhà hàng cao cấp cho tới quán ăn vỉa hè. Các sản phẩm nhựa không chỉ có hại cho môi trường mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cũng được bày bán rất nhiều tại những siêu thị, chợ lớn, nhỏ, tiệm tạp hóa, cửa hàng kinh doanh đồ tiêu dùng… Các cơ quan quản lý thị trường vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát.

Báo chí cũng đã nhắc đến câu chuyện các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng không rác thải nhựa với việc sản xuất những sản phẩm vi sinh phân hủy hoàn toàn. Mặc dù vậy, quá trình này vẫn diễn ra hết sức khiêm tốn và cuộc chiến nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần ở Việt Nam vẫn còn lắm gian nan.

Thế Anh

Theo NTD

largeer