Cần trả thực phẩm chức năng về đúng bản chất

Chủ nhật, 19/05/2019, 16:07 PM

Thực phẩm chức năng (TPCN) đang có mặt tràn lan trên thị trường, được sử dụng như một phương cách chữa trị bệnh, được trình bày theo hình thức của thuốc với thành phần, hàm lượng... nhưng “đây không phải là thuốc” như được ghi trên các sản phẩm.

Thực phẩm chức năng thực chất chỉ là thuốc bổ. Ảnh: Thành Hoa

Thực phẩm chức năng thực chất chỉ là thuốc bổ. Ảnh: Thành Hoa

Dù không phải là thuốc chữa bệnh nhưng người bệnh vẫn mua với giá rất cao mà hiệu quả chữa trị thì không rõ ràng. Sản phẩm được sử dụng như thuốc, được khách hàng trông chờ ở hiệu ứng “chức năng”, nhưng có tên là “thực phẩm”, rất khó hiểu.

Cần phải xem xét lại bản chất và tên gọi của sản phẩm này một cách rõ ràng, tường minh, từ đó có thể quản lý và được bệnh nhân sử dụng một cách đúng đắn.

Trước hết cần phải lượt qua các khái niệm cơ bản về dinh dưỡng, thực phẩm và thuốc chữa trị.

Chất dinh dưỡng

Sinh vật tồn tại nhờ quá trình trao đổi chất. Mọi sinh vật đều cần đến chất dinh dưỡng cho cấu tạo và hoạt động của nó. Phần lớn thực vật lấy chất dinh dưỡng từ đất, động vật lấy dinh dưỡng từ thực vật, động vật khác.

Các chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm năm thành phần sau: glucid, lipid, protid, nhóm vi lượng (vitamin và khoáng chất) và nước.

Đồ ăn thức uống cung cấp các chất dinh dưỡng này gọi là thực phẩm. Tháp dinh dưỡng chia thực phẩm thành các nhóm: thịt, cá, trứng (nhóm đạm), đường, bột (nhóm đường), dầu, mỡ (nhóm béo), rau củ quả (nhóm vitamin và khoáng chất).

- Glucid (nhóm đường): là các loại đường, tinh bột, cung cấp năng lượng ATP cho các hoạt động của cơ thể. Hoạt động của cơ bắp và trí não cần năng lượng từ glucid.

- Lipit (nhóm béo): là chất dầu mỡ, giúp cấu tạo màng tế bào, tạo mật, tạo myelin cho não bộ và là nguồn dự trữ năng lượng thừa.

- Protid (nhóm đạm): cấu thành từ các acid amin. Sau khi protid được tiêu hóa sẽ phân rã thành các acid amin, tham gia cấu tạo cơ thể và tham gia các chuỗi hoạt động hô hấp tế bào, hình thành các chức năng của cơ thể.

- Khoáng chất: tham gia hình thành bộ xương cơ thể (Calci), tạo máu (sắt), cân bằng độ pH nội môi (NaCl) và tham gia các chuỗi phản ứng hóa học trong cơ thể.

- Vitamin: tham gia các phản ứng hóa sinh học.

- Nước là dung môi cho các phản ứng sinh hóa học xảy ra trong cơ thể.

Điều cần lưu ý là các chất dinh dưỡng từ thực phẩm sẽ được hệ tiêu hóa phân rã ra thành các đơn vị nhỏ nhất để làm nguyên vật liệu cho quá trình xây dựng cấu tạo cơ thể và quá trình chuyển hóa sinh học.

Thuốc chữa trị

Là các hoạt chất có khả năng gây hiệu ứng sinh học trên cơ thể. Hiệu ứng này có thể tác động có lợi hoặc có hại cho cơ thể. Thuốc có thể là đơn hoạt chất hoặc đa hoạt chất. Hoạt chất thuốc có thể phát huy tác dụng ở dạng nguyên chất hoặc sau khi bị chuyển hóa thành chất khác trong cơ thể.

Thuốc thảo dược (herb) thường được ghi nhận về tác dụng sinh học trên cơ thể sống mà không (ít khi) nêu được thành phần hoạt chất nào tạo hiệu ứng đó. Đông y thường dùng các cây thuốc có vị thuốc được ghi nhận về tính chất, tác dụng chữa trị mà không nêu rõ thành phần hoạt chất. Người ta cũng có thể trích tinh các hoạt chất từ dược liệu để làm thuốc dưới dạng viên, cao.

Thuốc có nhiều công dụng khác nhau, có thể tham gia vào cấu tạo cơ thể (như các loại thuốc bổ) hoặc vào quá trình chuyển hóa sinh học của cơ thể (như các loại thuốc nội tiết tố, thuốc điều chỉnh huyết áp, thuốc làm tan cục máu đông...).

Có thuốc không can thiệp trực tiếp lên cơ thể mà tác động lên sinh vật gây hại như thuốc kháng sinh, kháng nấm, kháng virus... giúp cơ thể tránh bị tổn hại bởi các tác nhân này. Có thuốc chỉ dùng cho mục đích tạo tương phản khi chụp ảnh y khoa thì không phải là thuốc chữa trị. Một thuốc có thể có nhiều công dụng, như nước muối sinh lý có thể dùng để rửa vết thương, cũng có thể truyền vào mạch máu để bù nước.

Việc ứng dụng tác dụng sinh học của thuốc vào cơ thể là sự lựa chọn của bác sĩ khi biết rõ tác dụng của thuốc, trong đó đã cân nhắc tác dụng chính và tác dụng phụ. Đôi khi bác sĩ sử dụng tác dụng phụ của thuốc điều trị mà không quan tâm đến tác dụng chính được ghi trên hộp thuốc.

Việc sử dụng thuốc cần được kiểm soát chặt chẽ về liều, lượng. Dùng thuốc quá liều, lượng sẽ dẫn đến các tác hại ngoài ý muốn.

Quan hệ giữa thuốc và thực phẩm

Đối với cơ thể khỏe mạnh thì hầu hết các dưỡng chất được cung cấp cho cơ thể dưới dạng thực phẩm. Khi cơ thể bị bệnh, dưỡng chất được cung cấp cho cơ thể dưới dạng dược phẩm: thuốc sắt bổ máu, viên acid amin, viên đa sinh tố multi vitamin, dầu cá, glucosamin...

Ngay cả một chai dịch truyền “nước biển” chỉ bao gồm nước tinh khiết và muối NaCl hay dung dịch đường glucose 5% cũng được xem là dược phẩm. Trong những trường hợp bệnh nhân không có khả năng ăn uống thì các dung dịch dinh dưỡng như acid amin được truyền trực tiếp vào máu bệnh nhân.

Như vậy, các thành phần dinh dưỡng được cung cấp cho cơ thể không theo cách của một thực phẩm mà theo cách của một dược phẩm điều trị tùy theo tình trạng bệnh. Chất dinh dưỡng khi đó có vai trò của một thuốc chữa trị.

Và vì là “thuốc” nên việc chỉ định sử dụng các chất dinh dưỡng dạng thuốc này phải được bác sĩ kiểm soát khi kê đơn.

Thực phẩm chức năng

Như ở đầu bài đã đặt vấn đề, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm có cách trình bày với hình thức giống hệt thuốc, được quảng cáo là có khả năng điều trị bệnh hay tham gia hỗ trợ chữa trị bệnh nào đó, nhưng “không phải là thuốc”. Nhiều người đã lợi dụng bệnh nhân để bán các viên TPCN này với giá rất cao nhưng không mang lại hiệu quả theo mong muốn. Cần bàn luận lại về bản chất của các sản phẩm này để quản lý và sử dụng hợp lý.

Khi nói đến TPCN thì trước hết đó phải là thực phẩm, tức là đồ ăn, ăn được, uống được bằng đường tiêu hóa tự nhiên. Điều đặc biệt của TPCN là có thêm tác dụng sinh học lên cơ thể. Trong đời sống thường ngày ta rất dễ dàng gặp các loại TPCN loại này. Ví dụ “bát cháo hành Thị Nở”: Cháo hành là một món ăn dinh dưỡng, cung cấp glucid từ gạo, cung cấp protid từ thịt và cung cấp nước. Đó là các thành phần dinh dưỡng cơ bản.

Ngoài ra, cháo hành còn có thêm hành, tiêu, gừng, muối và nhiệt độ. Khi ăn cháo hành, các thành phần dinh dưỡng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể đồng thời các gia vị chứa các chất kích thích giúp kích thích hệ thần kinh thực vật, kích thích hệ miễn dịch, giúp trị liệu cảm mạo.

Ví dụ kể trên được xem là “thức ăn - bài thuốc”, và không thể gọi khác hơn, đó mới chính là... TPCN. Dân gian có câu vè: “Thương chồng nấu cháo le le. Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”. Người ta biết rằng le le, bông lý, hạt sen... giúp tăng cường sinh lực cho nam giới và các món ăn đó chính là những TPCN.

Quản lý thuốc bổ

Quay trở lại các sản phẩm trên thị trường đang được gọi là TPCN, xem thử thành phần của chúng là gì. Ta thấy phần lớn các sản phẩm này là các viên vitamin, glucosamin, dầu cá, viên đạm khô, chất xơ..., thì đây chính là thuốc bổ.

Có hai loại bổ là bổ sung và bổ dưỡng.

- Bổ sung: Các bệnh nhân phù thủng do thiếu vitamin B6, chảy máu răng do thiếu vitamin C thì cần bổ sung các chất này. Thoái hóa khớp cần bổ sung glucosamin, loãng xương cần bổ sung calci trong sữa, bệnh nhân đi tiêu chảy do thiếu men tiêu hóa có thể bổ sung men ruột từ probiotic, bệnh nhân táo bón cần bổ sung chất xơ...

- Bổ dưỡng: Các bệnh nhân suy dinh dưỡng khi bệnh nặng, tình trạng đặc biệt như phụ nữ có thai, cho con bú... cần bồi bổ bằng các chất dinh dưỡng như acid amin, calci... trong các loại sữa, bột đạm... Các lực sĩ cần tăng cường thể lực, cơ bắp thì bổ sung bột đạm và multivitamin (vitamin tổng hợp)...

Như vậy, các sản phẩm “TPCN” đang lưu hành trên thị trường hiện nay thực chất là các loại thuốc bổ đã được phân loại trong dược điển. Các thuốc này thường không cần đơn kê của bác sĩ, tuy nhiên việc sử dụng cũng cần phải đúng cách, đúng liều lượng và được hướng dẫn sử dụng đúng. Do đây là thuốc bổ, được hấp thụ vào cơ thể người, có gây hiệu ứng sinh học nên việc sản xuất cần được kiểm soát chặt chẽ và việc lưu hành cũng cần được quản lý chặt.

Trên thực tế thị trường dược, do việc quản lý sản xuất và lưu hành dược phẩm ở Việt Nam khá phức tạp nên người ta “lái” các thuốc này thành TPCN để tránh bị kiểm soát về sản xuất và lưu hành.

Mặc dù chỉ là các thuốc bổ thông thường, sẽ bù đắp bằng thức ăn hàng ngày hoặc bằng các viên thuốc đã được bào chế, nhưng để dễ bán và bán mắc, người ta thổi phồng các công dụng của TPCN như “chống ung thư”, “chống lão hóa”, “giúp giảm cân”, “chống loãng xương”... Các TPCN thường được đưa vào kinh doanh đa cấp để bán nâng giá, người tham gia trước móc túi người tham gia sau. Tôi đã thấy có những “đơn hàng” bao gồm hàng chục loại TPCN cộng lại hơn trăm triệu đồng, trong khi nếu mua dưới dạng thuốc thì giá chỉ vài triệu đồng thôi.

Nhân đây tôi đề nghị Bộ Y tế không cho dùng tên “TPCN” cho các sinh phẩm này mà phải gọi chúng đúng bản chất là thuốc bổ. Không cho phép các “thuốc bổ” này quảng cáo các công dụng liên quan đến các bệnh cần điều trị nghiêm túc như ung thư, rối loạn nội tiết tố.

Tên gọi “TPCN” phải được trả lại cho các thức ăn có công dụng chữa trị như đã kể trên

BS Phạm Xuân Trung

Theo thesaigontimes.vn

largeer