CDO bị thao túng giá, còn bao nhiêu cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu như CDO?

Chủ nhật, 03/12/2017, 15:51 PM

Nghi án làm giá chứng khoán đã được nhắc tới hàng chục năm nay nhưng rất ít vụ việc được đưa ra ánh sáng, Mới đây, CDO là trường hợp hiếm hoi được xác định bị thao túng giá. Trên thực tế, vẫn còn rất nhiều cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu như CDO.

Dấu hiệu thao túng giá

Cuối tháng 11, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gửi thông báo đến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc UBCKNN nhận được thông báo của Công an Thành phố Hà Nội. Nội dung về việc khởi tố vụ án hình sự thao túng giá chứng khoán đối với cổ phiếu CDO của Công ty cổ phần tư vấn Thiết kế và Phát triển đô thị.

Theo đó, Cơ quan an ninh điều tra – Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyên Vân Giang, sinh năm 1981; Hộ khẩu thường trú tại phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà nội; nguyên là giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chi nhánh Hà Nội về tội thao túng giá chứng khoán theo quy định tại điều 181c Bộ luật hình sự.

Đây là thông tin khiến nhiều người bất ngờ, bất ngờ vì không nhiều trường hợp thao túng giá được đưa ra ánh sáng, chứ không phải bất ngờ vì CDO "im hơi lặng tiếng". Thực tế cho thấy, diễn biến giá cổ phiếu CDO từ đầu năm tới nay đã khiến cổ đông nghi ngờ có bàn tay của "các nhà tạo lập thị trường".

Ngày càng nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu được đưa ra ánh sáng.

Ngày càng nhiều vụ thao túng giá cổ phiếu được đưa ra ánh sáng.

Cổ phiếu CDO chính thức giao dịch cổ phiếu phiên giao dịch đầu tiên trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM từ ngày 09/03/2015. CDO ít nhiều gây được chú ý khi chào sàn với 4 phiên tăng trần liên tiếp và giao dịch quanh mốc 20.000 đồng/CP. Năm 2016, CDO thường được trao đổi trên mốc 30.000 đồng/CP.

CDO sẽ mãi là cổ phiếu ít được biết đến nếu không có cú sốc lớn. Cuối năm 2016 mà cụ thể từ 6/12/2016, CDO khiến cả thị trường choáng váng khi ghi nhận chuỗi giảm sàn 34 phiên liên tiếp. Đà lao dốc không tưởng này khiến CDO giảm từ 35.000 đồng/CP xuống 3.090 đồng/CP, tương đương mức giảm 31.910 đồng/CP (khoảng 91%).

Với đà lao dốc khủng khiếp như vậy, nhà đầu tư phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, Vốn hóa thị trường CDO đã "bốc hơi" tới 1.005 tỷ đồng. Thế nhưng, cú sốc chưa dừng lại ở đó, ngay sau chuỗi ngày rơi tự do, CDO bỗng chốc phục hồi với chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp.

Dù vậy, chuỗi tăng này vẫn chưa thể bù đắp được những gì đã mất, CDO vẫn chỉ đạt tới mức giá 6.890 đồng/CP, thấp hơn mệnh giá. Tuy nhiên, với những ai mua được ở mức "đáy" 3.090 đồng/CP, họ đã có thể kiếm được khoản lợi nhuận lên tới 123% trong vòng chưa đầy 1 tháng. 

Nhìn vào những diễn biến này, không ít nhà đầu tư đã nhắc tới nghi án làm giá, thao túng giá. Tuy nhiên, phải đến bây giờ, khi Nguyên Vân Giang bị khởi tố, việc CDO bị thao túng giá mới chính thức được nói tới.

Cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu

Khi chứng kiến cổ phiếu tăng sốc, giảm sâu, nhà đầu tư nghĩ đến thao túng giá. Thời gian qua, không chỉ mình CDO tăng sốc, giảm sâu, nhiều cổ phiếu khác cũng nhiều lần khiến nhà đầu tư "thót tim" vì những biến động khó lường.

QCG của công ty cổ phần tập đoàn Quốc Cường Gia Lai là trường hợp như vậy. Do Quốc Cường Gia Lai kinh doanh bết bát trong nhiều kỳ liên tiếp nên QCG có chuỗi ngày dài giao dịch dưới mệnh giá. Thế nhưng, từ 26/4 năm nay, QCG trở thành tâm điểm của thị trường chứng khoán khi bất ngờ có chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp.

Nhờ đà bứt phá này, QCG đã tăng 12.430 đồng/CP, tương ứng 188% lên 19.030 đồng/CP. Điều đó có nghĩa nếu nhà đầu tư nào bắt kịp "sóng", họ đã lãi gần gấp đôi sau chưa đầy 1 tháng. 

Sau đó, không tăng điên cuồng nhưng sau chuỗi ngày từ từ đi lên, tới cuối tháng 6, QCG đạt đỉnh 27.940 đồng/CP. Thế nhưng, QCG lại bất ngờ giảm sâu. Đóng cửa phiên giao dịch 1/12, QCG dừng ở mức 13.200 đồng/CP, giảm 14.740 đồng/CP, tương ứng 53% so với "đỉnh".

Cổ phiếu thuộc "họ FLC" cũng biến động không lường. Tâm điểm thị trường tháng 7 thuộc về HAI của Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I. Từ 10/7, HAI bứt tốc với chuỗi 22 phiên tăng trần liên tiếp. Nhờ đó, HAI tăng 17.300 đồng/CP, tương ứng 333% lên 22.500 đồng/CP. HAI đã thoát thân phận cổ phiếu trà đá một cách ngoạn mục trong vòng 1 tháng.

Khoảng thời gian HAI tăng nóng là khi "người FLC" được đưa vào HAI. Cụ thể, ông Trần Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC, làm Thành viên Hội đồng quản trị và tạm thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty từ ngày 25/7/2017.

Nhưng niềm vui của cổ đông HAI không kéo dài được lâu. Ngay sau chuỗi phiên tăng trần ấn tượng, HAI cắm đầu đi xuống. Hiện tại, đóng cửa phiên giao dịch 1/12, HAI dừng ở mức 7.690 đồng/CP, giảm 14.810 đồng/CP, tương ứng 66%.

TSC của Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ cũng là một trong những cổ phiếu khiến nhà đầu tư "đau tim". Sau chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp, TSC ghi nhận 5 phiên giảm sàn liên tiếp. 

Thời gian qua, ngoài TSC, nhiều cổ phiếu khác cũng tăng mạnh, giảm sâu như HSG của Tập đoàn Hoa Sen, LCG của  công ty cổ phần Licogi 16, VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, DVN của Tổng Công ty Dược Việt Nam,... Chưa ai có thể khẳng định được trong những mã này, đâu là mã bị làm giá. Nhưng có một điều có thể nhận thấy chính là trong các đợt thăng trầm giá cổ phiếu, sẽ có người được hưởng lợi và nhiều người gánh chịu thiệt hại.

Theo Bảo Linh-NTD

largeer