Chặn đứng tin nhắn rác ‘dội bom’ hành hạ khách hàng

Thứ ba, 12/11/2019, 09:26 AM

“Tôi bị dội bom tin nhắn từ sáng sớm đến nửa đêm, thậm chí tin nhắn của tổng đài cũng gửi lúc 3 giờ sáng” - một người tiêu dùng than thở.

Để “dẹp loạn” tin nhắn rác, cuộc gọi rác, Bộ TT&TT đã công bố dự thảo nghị định mới nhất về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác và quy định về quảng cáo qua gửi tin nhắn, thư điện tử và gọi điện thoại.

Vẫn lo nửa đêm bị tin nhắn rác hành hạ

Nội dung dự thảo đề xuất một số nội dung mới như tổ chức, cá nhân đều có quyền đăng ký không chấp nhận tất cả tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo đối với số điện thoại thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình. Dự thảo cũng đề xuất chỉ được gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận.

Đáng chú ý là dự thảo còn nêu rõ mức phạt áp dụng với hành vi vi phạm các quy định đối với cuộc gọi quảng cáo. Ví dụ phạt 20-40 triệu đồng đối với các hành vi: Thực hiện cuộc gọi quảng cáo ngoài khoảng thời gian quy định từ 9 đến 22 giờ hằng ngày mà không có thỏa thuận khác với người nhận; thực hiện quá một cuộc gọi quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người nhận…

Với tư cách là người dùng, anh Đỗ Quang Anh (quận 3, TP.HCM) bày tỏ sự nhất trí trước những điều khoản mới của nghị định trên. Tuy nhiên, anh Quang Anh bày tỏ lo lắng trước điều khoản “chỉ được gửi tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo trong khoảng thời gian từ 9 giờ đến 22 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận”.

“Nếu quy định 9-22 giờ thì hàng triệu tin nhắn rác, cuộc gọi rác hằng ngày vẫn dội bom người dùng không theo giờ giấc nào. Họ sẽ lách luật và gọi bất chấp khoảng thời gian theo quy định này. Đơn cử tôi sử dụng dịch vụ của một nhà mạng bị dội bom tin nhắn từ sáng sớm đến nửa đêm, thậm chí tin nhắn của tổng đài cũng gửi lúc 3 giờ sáng. Tôi mong muốn cơ quan chức năng cần cấm triệt để mà không phân chia theo giờ giấc” - anh Quang Anh nói.

Dự thảo cũng đưa ra một biện pháp quản lý mới là “danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo”. Theo đó, người dùng sẽ đăng ký với nhà mạng hoặc với Bộ TT&TT để được đưa vào danh sách này. Bình luận về nội dung trên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng biện pháp trên không rõ cơ chế cụ thể sẽ được thực hiện thế nào, bởi nó có thể sẽ trùng lặp với quy định về chống tin nhắn, cuộc gọi rác.

Việc ngăn chặn và xử lý các loại “quảng cáo rác” là rất cần thiết nhằm bảo vệ khách hàng (ảnh lớn). Tin nhắn, email, cuộc gọi rác vẫn đang hành hạ khách hàng (ảnh nhỏ). Ảnh: THU HÀ

Việc ngăn chặn và xử lý các loại “quảng cáo rác” là rất cần thiết nhằm bảo vệ khách hàng (ảnh lớn). Tin nhắn, email, cuộc gọi rác vẫn đang hành hạ khách hàng (ảnh nhỏ). Ảnh: THU HÀ

Theo VCCI, vấn đề vẫn nằm ở khâu kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các cuộc gọi, tin nhắn rác. Còn việc đăng ký trước danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo sẽ không phát huy được tác dụng. Bởi sẽ không thể phân biệt được đâu là cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo, đâu là cuộc gọi, tin nhắn liên lạc bình thường.

Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về việc đưa ra quy định về danh sách số điện thoại không chấp nhận mọi tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhìn nhận dự thảo nghị định lần này đã có nhiều điểm mới, đưa ra nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hợp lý. Tuy vậy, luật sư Vũ cũng cho rằng cần làm rõ một số vấn đề như: “Khi triển khai, liệu rằng phản ánh của người dùng có được tiếp nhận, xử lý kịp thời không? Thời gian tiếp nhận, xử lý là bao lâu; kết quả xử lý như thế nào?”. Nhà mạng phải chia sẻ lợi nhuận với khách hàng

Đánh giá dự thảo có một số nội dung tích cực, tuy nhiên ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo an ninh mạng Athena, nhấn mạnh để nghị định đi vào thực thi cần tập trung tháo gỡ vấn đề gốc: Tin nhắn, cuộc gọi rác.

 Cụ thể, theo ông Thắng, dự thảo đưa ra điều khoản quy định khung giờ cho phép gửi tin nhắn là chưa hợp lý. Ông phân tích: “Việc nhận tin nhắn, tin quảng cáo sẽ không phụ thuộc vào giờ giấc mà phụ thuộc vào khách hàng có muốn nhận hay không. Do đó quy định về khung thời gian được phép và không được phép là không phù hợp với quyền lợi của khách hàng. Theo tôi, khách hàng đã trả tiền thuê bao cho nhà mạng thì họ mong muốn nhận được những thông tin sạch và có liên quan trực tiếp đến quyền lợi thuê bao của họ. Do đó nhà mạng phải tôn trọng hợp đồng đó. Nếu nhà mạng muốn gửi tin nhắn quảng cáo thì phải có thỏa thuận riêng về gói cước, tức phân chia hợp đồng dịch vụ”.

Ông Thắng cũng cho rằng với khách hàng phải nhận tin quảng cáo chắc chắn nhà mạng đang hưởng lợi, do đó nhà mạng cần chia sẻ phần lợi nhuận này cho khách hàng thông qua việc giảm gói cước thuê bao. “Với những khách hàng không đồng ý nhận tin nhắn dịch vụ, họ có thể chấp nhận một mức phí cao hơn miễn là không bị làm phiền. Như vậy nó sẽ bảo vệ hài hòa được quyền lợi của khách hàng lẫn nhà mạng” - ông Thắng đề xuất.

Một chuyên gia về lĩnh vực an ninh mạng khác cùng bày tỏ sau nhiều lần góp ý, dự thảo nghị định mới nhất quy định về quảng cáo qua tin nhắn, cuộc gọi đã bổ sung thêm một chương về xử lý vi phạm, tuy nhiên chưa đủ. Đơn cử việc gọi quảng cáo ngoài khoảng thời gian quy định 9-22 giờ hằng ngày mà không có thỏa thuận khác với người nhận sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng.

“Quy định xử phạt nhưng lại không đề cập đến vi phạm về tin nhắn, cuộc gọi rác sau giờ quy định. Do đó, cơ quan chức năng nên hoàn thiện hơn nữa và cần mạnh tay chặn đứng nạn “dội bom” hành hạ người tiêu dùng” - vị chuyên gia này kiến nghị.

Đã chặn hàng chục triệu tin nhắn rác

Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 8-11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận SIM rác, cuộc gọi và tin nhắn rác là vấn đề kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Theo Bộ trưởng Hùng, bằng biện pháp kỹ thuật, các nhà mạng đã ngăn chặn được khoảng 15 triệu tin nhắn rác trong một tháng vừa qua nên số lượng các phàn nàn của khách hàng giảm đi.

Tuy nhiên, các biện pháp của nhà mạng chủ yếu tập trung chặn tin nhắn rác quảng cáo bất động sản và SIM số đẹp. Tin nhắn rác quảng cáo ở các lĩnh vực khác chưa làm triệt để nên vẫn xuất hiện tràn lan.

Bên cạnh SIM rác, Bộ trưởng Hùng cũng nhận định các cuộc gọi rác cũng là vấn đề nan giải. Ước tính mỗi tháng ghi nhận 10.000 số máy thực hiện cuộc gọi rác và 80% số này đến từ các SIM rác.

Người đứng đầu Bộ TT&TT cho hay cơ quan này đang tiến hành các giải pháp như quy trách nhiệm cho người đứng đầu nhà mạng cũng như đưa ra các giải pháp mạnh hơn… thì lượng tin nhắn rác và cuộc gọi rác sẽ giảm theo.  

THU HÀ

Theo plo.vn

largeer