Chàng cử nhân bằng giỏi khuyết hai bàn tay làm shipper ở Thủ đô

Thứ bảy, 19/01/2019, 11:17 AM

Không còn đôi bàn tay lành lặn, chàng trai Lý Láo Lở (32 tuổi, Bát Xát, Lào Cai) vẫn tốt nghiệp đại học bằng giỏi. Hiện, hằng ngày anh đi hơn 100 km giao khoai môn “giải cứu” cho nông dân nghèo.

Từ "một cánh cửa khép lại"...

Gặp chúng tôi trong buổi chiều mưa phùn lạnh, Lý Láo Lở vừa hoàn thành một chuyến giao khoai môn sạch tới tay khách hàng. Anh đang đưa nông sản do bà con dân bản ở xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) sản xuất tới người tiêu dùng ở Thủ đô.

Lở trầm tư hơn khi nhắc về quá khứ, thời điểm anh mất đi đôi tay của mình.

Chàng cử nhân trên hành trình giao nông sản đến khách hàng

Chàng cử nhân trên hành trình giao nông sản đến khách hàng

"Tai nạn xảy ra vào năm 2003, khi tôi học lớp 8 ở trường nội trú. Lần đó, tôi vác thanh sắt dựng sân khấu để tổ chức văn nghệ, khi đi vào cổng trường, do vướng vào dây điện cao thế, tôi bị điện giật bất tỉnh.

Khi tỉnh dậy đôi tay tôi không còn cảm giác. Bác sĩ nói phải cắt hai bàn tay để không gây hoại tử các bộ phận khác", anh nhớ lại.

Quá sốc sau tai nạn, Lở nhốt mình trong nhà suốt một thời gian dài. Mặc cảm về thân thể bị khiếm khuyết, anh dường như không giao tiếp với người lạ và luôn né tránh khi ai đó gợi lại ký ức về ngày xảy ra tai nạn.

Anh trầm ngâm: "3 năm, tôi đóng mọi cánh cửa của cuộc đời mình. Lúc đó, các sinh hoạt đều rất khó khăn. Nhưng tôi bắt buộc phải làm quen với việc đã bị mất đi hai bàn tay. Dần dần tôi có thể phụ gia đình những công việc hằng ngày như thổi cơm, quét nhà... Đến năm 2006, tôi quyết định trở lại trường học".

Lở làm quen với cây bút lần hai, học tiếp lớp 8 cùng các học sinh nhỏ tuổi hơn.

Vượt qua những mặc cảm, khó khăn chàng trai người Dao Đỏ thi đỗ trường THPT. Sau đó, anh tiếp tục con đường học vấn ở trường ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn.

.. Đến hành trình "giải cứu” khoai môn

Năm 2016, Lý Láo Lở tốt nghiệp trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn Hà Nội với tấm bằng loại giỏi. Khó khăn trong việc xin việc làm khi cơ thể có những khiếm khuyết, anh quyết định đi giao hàng thuê cho một công ty thực phẩm tại Hà Nội.

Quá trình làm việc, Lở tình cờ đọc được một bài quảng cáo trên mạng xã hội. Thông tin này đã khiến anh phải suy nghĩ. Theo đó, mẩu tin này rao bán khoai môn với giá 35.000 đồng/kg.

Thấy giá cả đắt đỏ mà chưa biết chất lượng có đảm bảo như quảng cáo hay không, trong khi tại quê anh cũng có nhiều hộ trồng khoai môn trên núi rất sạch nhưng không có đầu ra tiêu thụ.

Thương dân bản quẩn quanh trong nghèo đói, Lở đã có ý tưởng gom khoai môn của bà con rồi nhờ xe chuyển xuống Hà Nội để bán.

Ý tưởng của anh xuất phát sau khi đọc một mẩu tin quảng cáo trên mạng

Ý tưởng của anh xuất phát sau khi đọc một mẩu tin quảng cáo trên mạng

Anh bắt tay thử nghiệm bằng cách gọi điện về quê nhờ người thân gom khoai môn của các gia đình và chuyển qua xe khách xuống Hà Nội, tập kết tại phòng trọ rồi đăng bán trên facebook cá nhân.

Thông tin về chàng trai người Dao Đỏ mất hai bàn tay 'giải cứu' nông sản cho bà con dân bản sau khi đăng lên mạng xã hội đã khiến nhiều người chú ý. Nhiều khách đã đặt hàng ủng hộ, không chỉ dừng lại ở Hà Nội mà còn lan rộng đến tận một số tỉnh thành phía Nam.

 Lở cho biết, mỗi kg khoai môn của người Dao Đỏ xuống tới Hà Nội có giá khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, khi đến tay khách hàng có giá 25.000 đồng/kg. Khách hàng khẳng định, khoai môn của anh rẻ hơn và chất lượng đảm bảo. 

“Từ khi bắt đầu “giải cứu” (khoảng 2 tuần nay), tôi đã bán được gần 2 tấn khoai. Hiện còn gần 500 đơn hàng khách đã đặt, số khoai môn của bà con còn khoảng 1,5 tấn, tôi sợ sẽ không đủ để phục vụ bà con”, anh cho biết.

Lở kể: "Mỗi ngày tôi dậy từ 6h sáng, tôi dùng xe máy chở theo những bao tải khoai môn giao tận tay khách hàng".

Từ kho hàng phòng trọ tại đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), khoai môn của anh được ship khắp các quận, huyện Hà Nội. Công việc đều đặn, mỗi ngày anh đi giao từ 25 - 30 đơn hàng, quãng đường anh chạy không ngày nào dưới 100 km.

Có những ngày hơn 22 giờ đêm mới về tới phòng, ăn vội và lại tất bật gom đơn, sắp hàng, chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết dù mất hai bàn tay nhưng Lở vẫn lái xe máy, đi khắp các ngõ ngách Hà Nội để giao hàng.

Khi nhận được những thắc mắc như vậy, Lở cười rồi lý giải: "Do mất hai tay nên tôi không thể lái được xe máy bình thường mà phải nhờ thợ sửa xe, chế thêm các chức năng.

Tiệm sửa xe đã thêm hai tay giả vào tay lái, khi đi tôi cho tay vào lỗ tay giả là có thể điều khiển như bình thường".

Chiếc xe máy giao hàng của Lở

Chiếc xe máy giao hàng của Lở

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh cho biết sau khi bán hết 3,5 tấn khoai môn cho bà con, anh sẽ tiếp tục chạy xe giao hàng.

Đợi khi tích cóp được một số vốn, anh sẽ về quê hướng dẫn bà con mở rộng mô hình nuôi gia súc, gia cầm sạch, trồng thực phẩm sạch và sẽ mở một cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch nho nhỏ để phục vụ người dân.

Chủ tịch UBND xã A Mú Sung (Bát Xát, Lào Cai) Ma Seo Củi cho biết: "Lở mất mẹ từ nhỏ, bố cũng mới mất hồi năm ngoái. Tôi khâm phục nghị lực vươn lên của chàng trai này, mất hai bàn tay vẫn có thể tốt nghiệp đại học”, ông Củi tâm sự.

Lãnh đạo xã A Mú Sung thông tin thêm, bản người Dao Đỏ mà Lở sinh sống ở thôn Pạc Tà có khoảng 30 hộ dân với khoảng hơn 100 nhân khẩu. Một năm gần đây, nhiều hộ đã bắt đầu trồng khoai môn trên diện tích khoảng 4 ha.

Do quy mô trồng còn nhỏ lẻ và chưa tìm được nguồn ra nên người dân chủ yếu trồng khoai để trong nhà ăn dần chứ không bán được. Khi được Lở gom bán giúp, mọi người ai cũng phấn khởi, tăng thêm thu nhập để Tết này no đủ hơn.

Từ câu chuyện chàng trai Lý Láo Lở 'giải cứu' khoai môn cho bàn con Dao Đỏ, Chủ tịch xã A Mú Sung đang xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trồng khoai môn, tìm kiếm đầu ra cho bà con để canh tác ổn định.

Phương Thảo

Theo Vietnamnet

largeer