Chỉ bù lỗ sân bay ít khách

Thứ năm, 30/11/2017, 09:04 AM

Đường bay nào không hiệu quả thì Cục Hàng không báo cáo Bộ Giao thông Vận tải hỗ trợ để các hãng hàng không giảm các chi phí về giá vé nhằm bù lỗ.

Cảng Hàng không (sân bay) Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) do Tổng Công ty Cảng hàng không Miền Bắc đầu tư xây dựng với số vốn 212 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ năm 2008, năng lực phục vụ theo thiết kế khoảng 500.000 khách/năm.

Chủ trương chung

Hiện sân bay Đồng Hới có 3 đường bay nội địa (Đồng Hới - Hà Nội, Đồng Hới - TP HCM, Đồng Hới - Hải Phòng) và Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific mới mở thêm chuyến bay quốc tế đầu tiên là Đồng Hới - Chiang Mai (Thái Lan) với 2 chuyến bay thứ hai và thứ sáu hằng tuần.

Theo ông Nguyễn Thế Nhuần, Giám đốc sân bay Đồng Hới, năm 2016, lượng khách khai thác tại sân bay này là 365.000 lượt, ước tính năm 2017 khoảng 475.000 lượt. Về trợ giá để bù lỗ cho các chuyến bay, ông Nhuần cho hay được áp dụng cho các sân bay ít khách, chủ yếu là ở các sân bay địa phương.

"Tức là nếu đường bay nào không hiệu quả thì Cục Hàng không báo cáo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hỗ trợ để các hãng hàng không giảm các chi phí về giá vé nhằm bù lỗ. Đây là chủ trương chung và áp dụng cho cả nước" - ông Nhuần nói và cho biết tại Quảng Bình, hầu hết các chuyến bay nội địa cơ bản đạt lượng khách, chỉ đường bay quốc tế mới mở, ít khách nên đơn vị hỗ trợ một số chi phí dịch vụ.

Hành khách sử dụng dịch vụ hàng không tại sân bay Đồng Hới. Ảnh: Minh Tuấn

Hành khách sử dụng dịch vụ hàng không tại sân bay Đồng Hới. Ảnh: Minh Tuấn

Ngày 4/1/2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định về một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư mở đường bay mới đến sân bay Phú Bài của địa phương này. Theo đó, các nhà đầu tư mở đường bay mới có cam kết duy trì đường bay, có kế hoạch bay chi tiết tối thiểu từ 6 tháng trở lên với tần suất ít nhất 2 chuyến/tháng (trừ tuyến bay từ Hà Nội, TP HCM đến Huế và những tuyến có nhà đầu tư mở mới, đang duy trì hoạt động). Các nhà đầu tư được hưởng ưu đãi 1 năm từ thời điểm có chuyến bay đầu tiên. Quy định cũng nêu rõ vẫn áp dụng cho chuyến bay thuê bao từ Bangkok (Thái Lan) đến tỉnh này đã khai thác từ ngày 18/3/2015.

Tùy điều kiện cụ thể, tỉnh Thừa Thiên - Huế gia hạn thời gian áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ này cho một số đường bay mở mới có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, có chế độ ưu đãi, hỗ trợ về kinh phí quảng cáo, tờ rơi; giảm 50% giá vé tham quan một số di tích đối với khách đi trên chuyến bay; 100% chi phí trung chuyển, hỗ trợ tối đa 120 triệu đồng/năm đối với nhà đầu tư đặt trụ sở làm việc tại TP Huế. Đặc biệt, tùy tính chất, quy mô, tần suất đường bay và tình hình thực tế huy động nguồn lực, tỉnh sẽ xin ý kiến HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ bù lỗ đường bay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Áp dụng quy định trên, năm 2015 và 2016, Thừa Thiên - Huế đã hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 2 công ty lữ hành khai thác tuyến bay thuê bao Huế - Bangkok với tần suất 2 chuyến/tháng. Hiện đường bay này đang tạm ngưng hoạt động.

Hiệu quả, việc gì phải bù?

Theo một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) đang hoạt động hiệu quả, lượng khách tăng mạnh theo từng năm nên không có chuyện tỉnh dùng ngân sách bù lỗ. Trước đó, từ năm 2013, tỉnh Quảng Nam có chính sách hỗ trợ đưa đón khách tuyến TP Tam Kỳ - Chu Lai nhưng chính sách này kết thúc từ ngày 1/1/2017.

Ông Lê Minh Triều, Giám đốc sân bay Chu Lai, cho biết sân bay này hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nên ACV chủ trì điều phối chứ không liên quan ngân sách địa phương. Từ giữa năm 2015, với việc chuyển từ khai thác máy bay nhỏ sang máy bay lớn, lượng hành khách qua sân bay Chu Lai tăng đột biến, năm 2016 đạt 550.000 lượt khách.

Tại buổi làm việc với bộ trưởng Bộ GTVT trong tháng 7 vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị đề xuất nâng cấp sân bay Chu Lai đến năm 2025 trở thành cảng hàng không quốc tế và thành trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn của cả nước với công suất 5 triệu tấn/năm và 4,1 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2025 theo quy hoạch.

Theo ông Trần Văn Triển, Giám đốc sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), sau khoảng 1 năm thi công, dự kiến dự án nhà ga hành khách sân bay Phù Cát sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước Tết nguyên đán 2018. Sân bay này do ACV làm chủ đầu tư với tổng kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ có năng lực phục vụ 600 hành khách/giờ cao điểm, công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm.

Hiện nay, các hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific đang khai thác đường bay khứ hồi Quy Nhơn - Hà Nội và Quy Nhơn - TP.HCM. Theo thống kê, 3 năm qua, lượng hành khách qua sân bay Phù Cát tăng trưởng bình quân 46%/năm. Riêng năm 2017 đạt khoảng 1,5 triệu lượt hành khách, tăng 46% so với năm 2016.

 "Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hành khách của sân bay Phù Cát rất nhanh khiến nhà ga thường xuyên quá tải. Đặc biệt, Bình Định hiện là điểm đến hấp dẫn của du khách; hằng ngày, tại sân bay Phù Cát có hàng chục chuyến bay đi và đến của các hãng hàng không. Đây là điều làm cho ACV trăn trở, quyết tâm hoàn thành sớm công trình để đưa nhà ga vào khai thác, sử dụng" - ông Triển nói. 

Bù đắp hơn 5.564 tỷ đồng

Tại kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật, quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa tại ACV năm 2016, Thanh tra Chính phủ cho biết cả nước hiện có 22 sân bay được giao cho ACV quản lý.

Đây là các chi nhánh hạch toán phụ thuộc, trong đó có 16-18 sân bay thu không đủ bù chi từ năm 2012-2015, số tiền ACV đang phải bù đắp chi phí cho các chi nhánh là hơn 5.564 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do sản lượng hành khách ít, hạ tầng cảng hàng không, sân bay chưa được đầu tư nâng cấp, giá hạ/cất cánh quốc nội thấp... Do đó ACV phải thực hiện điều tiết doanh thu toàn tổng công ty để bảo đảm tiền lương và chi phí cho các cảng có doanh thu không đủ bù chi.

Việc điều tiết này không ảnh hưởng đến tổng doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh chung toàn tổng công ty.

Đầu tư hơn 500 tỷ đồng, chỉ sử dụng 2 giờ mỗi ngày

Theo tờ trình của UBND TP Cần Thơ về việc đề xuất dùng ngân sách hỗ trợ đường bay mới bị lỗ, vùng ĐBSCL đón hơn 28 triệu lượt khách trong năm 2016. Dự báo trong năm 2017, nhu cầu của người dân vùng này đến các nơi và chiều ngược lại là rất lớn nhưng đi bằng hàng không thì phải thông qua sân bay Tân Sơn Nhất, tốn kém chi phí và mất thời gian vì từ TP Cần Thơ đến sân bay Tân Sơn Nhất bằng ô tô mất khoảng 4 giờ. Từ thực trạng trên, việc mở các đường bay trực tiếp đi và đến sân bay Cần Thơ là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân vùng ĐBSCL. Do đó, cần có chính sách nhằm khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay mới đi và đến sân bay Cần Thơ và duy trì đường bay ổn định, lâu dài.

Ngày 29-11, bà Nguyễn Thị Hải Yến, Giám đốc sân bay Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), cho biết hiện mỗi ngày sân bay này có 2 chuyến bay từ TP.HCM về và ngược lại. Tần suất bay ít nhưng số lượng hành khách luôn đạt trên 90% và chi phí quản lý thấp nên không phải bù lỗ. Cũng theo bà Yến, dự kiến thời gian tới, Công ty Dịch vụ bay VASCO mở thêm 3-4 chuyến bay/ngày đối với một số hãng hàng không giá rẻ và có đông hành khách. Tuy nhiên, đường băng hiện tại của sân bay Rạch Giá chưa đến 1,6 km nên chỉ phục vụ cho máy bay loại ATR72, để phục vụ máy bay lớn hơn thì đường băng phải kéo dài thêm khoảng 1 km.

Trong khi đó, hiện VASCO là hãng hàng không duy nhất khai thác đường bay Cà Mau đi TP HCM với máy bay ATR72 chở được từ 72-74 hành khách, 1 chuyến/ngày. Mỗi ngày, sân bay Cà Mau chỉ làm việc 2 giờ rồi đóng cửa, trong khi Bến xe Cà Mau gần đó phải hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm. Hiện giá vé máy bay từ Cà Mau đi TP HCM một chiều là 1.550.000 đồng, khứ hồi là 3.100.000 đồng (chưa gồm thuế và phụ phí), bay mất 45 phút, làm thủ tục mất hơn 1 giờ, chưa kể còn phải đi sớm vì sợ kẹt xe. Tính ra, nếu đi máy bay phải mất hơn 3-4 giờ, trong khi đi xe giường nằm chỉ mất 185.000 đồng và khoảng 6-7 giờ nhưng có xe trung chuyển đến tận nhà, hoạt động liên tục trong ngày. Như vậy, giá vé chênh nhau hơn 8 lần, thời gian hao phí chênh nhau không nhiều. Nếu chuyến bay từ Cà Mau lấp hết chỗ trống thì doanh thu mỗi ngày chỉ hơn 200 triệu đồng. Trừ hết chi phí thì việc đầu tư nhà ga, sân đậu, đường lăn với mức trên 500 tỉ đồng chỉ để sử dụng 2 giờ/ngày với một đường bay duy nhất là lãng phí rất lớn.

Một cán bộ Sở GTVT tỉnh Cà Mau cho biết hiện đường bộ ngày càng được đầu tư và phát triển, các hãng xe khách liên tục đầu tư xe mới và nâng chất lượng phục vụ nên khi đường cao tốc được đầu tư về tới Cà Mau, nếu sân bay Cà Mau không có giải pháp đột phá thì hành khách sẽ rất ít lựa chọn hàng không.

Theo P. Anh - C. Tuấn - Th. Nốt - D. Nhân - NLĐ

largeer