Chứng khoán tuần tới: Khó khăn vẫn chưa qua

Chủ nhật, 24/03/2019, 07:24 AM

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần lễ đầy biến động. Khởi động tuần bằng kết quả bứt tốc mạnh, thị trường đột ngột đối mặt với lực bán tăng mạnh các ngày sau đó và đặc biệt là kết quả suy giảm trong phiên ngày thứ Năm.

Kết quả hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần vẫn không thể giúp các chỉ số ghi nhận tuần giảm giá mạnh nhất từ sau Tết Nguyên đán đến nay của thị trường chứng khoán trong nước.

Điểm sáng lớn nhất trong tuần thuộc về khối ngoại.

Điểm sáng lớn nhất trong tuần thuộc về khối ngoại.

Cụ thể hơn, VN-Index đã đánh mất 1,53% trong tuần này và mức giảm của HNX-Index là 2,12%. Thanh khoản trong tuần không có nhiều khác biệt so với tuần lễ trước đó, ở một chừng mực nào đó, việc thanh khoản không tăng đột biến trong một tuần mà áp lực bán chiếm ưu thế cũng có thể xem là một kết quả không tồi (cho thấy lực bán tháo không đến mức quá lớn).

Điểm sáng lớn nhất trong tuần thuộc về khối ngoại. Các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện mua ròng mạnh trong tuần lễ thị trường giảm mạnh trở lại. Cụ thể tính riêng tại HSX, khối ngoại đã mua ròng gần 600 tỉ đồng (so với kết quả bán ròng 40 tỉ đồng ở tuần trước đó), có hơn 1/3 lượng mua ròng của khối ngoại tập trung vào việc mua chứng chỉ quỹ E1VFVN30.

Có một số lý do để lý giải cho kết quả điều chỉnh tương đối mạnh của thị trường tuần qua. Đầu tiên dựa trên góc nhìn kỹ thuật, vùng kháng cự 1.000 - 1.020 như chúng tôi đã lưu ý trước đó, vẫn chưa thật sự được thử thách thành công. Chính việc trở nên “lừng khừng” và không còn thể hiện được sự quyết liệt của bên mua ở vùng giá trên 1.000 đã kích hoạt nhu cầu chốt lời mạnh hơn của nhà đầu tư, cần lưu ý rằng nhu cầu chốt lời tiềm năng ở giai đoạn hiện tại không hề nhỏ khi phần đông các vị thế mua trong ngắn hạn đang ở trạng thái có lời.

Nguyên nhân thứ hai cần nhắc đến là các ảnh hưởng từ thị trường phái sinh, tuần lễ vừa qua cũng chính là tuần lễ đáo hạn hợp đồng phái sinh kỳ tháng 3-2019. Trong lịch sử, thị trường cơ sở thường sẽ chịu ảnh hưởng mạnh hơn từ thị trường phái sinh trong tuần lễ đáo hạn và lần này cũng không phải là ngoại lệ.

Nguyên nhân quan trọng hơn có lẽ đến từ các diễn biến bên ngoài. Không phải riêng Việt Nam, thị trường cổ phiếu toàn cầu cũng trải qua một tuần không thuận lợi. Bất chấp những phát ngôn tích cực hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có vẻ như thị trường đã phản ánh phần lớn kỳ vọng này vào kết quả tăng giá trước đó và khá thú vị khi ngay trong ngày Fed đưa ra những tuyên bố “mềm mỏng” hơn đáng kể cũng chính là lúc thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trở lại.

Giới đầu tư hiện lại bắt đầu nhìn nhận các tuyên bố của Fed theo chiều hướng cảnh báo về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại như là “nguyên nhân chính” khiến Fed trở nên mềm mỏng hơn.

Phiên giao dịch cuối cùng trong tuần thậm chí còn ghi nhận kết quả giảm mạnh hơn khi những số liệu cập nhật về kinh tế khu vực châu Âu cho thấy sự yếu ớt đáng ngại. Công ty IHS Markit (Anh) công bố số liệu cho thấy khu vực sản xuất của Đức trong tháng 3 tiếp tục đi xuống, tăng trưởng sản lượng thấp chạm gần mức thấp nhất trong 6 năm.

Còn ở Pháp, hoạt động sản xuất chậm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, hoạt động dịch vụ ở mức thấp nhất trong 2 tháng. Đối với toàn bộ khu vực đồng euro, hoạt động sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4-2013.

Ở tuần giao dịch tiếp theo, khó khăn ngắn hạn dành cho thị trường chứng khoán được người viết dự báo sẽ còn duy trì. Xu hướng tăng dành cho VN-Index và HNX-Index vẫn còn hiệu lực tính đến hiện tại nhưng cần lưu ý rằng rủi ro thay đổi xu hướng đã ở mức cao hơn với việc hai chỉ số này lần đầu tiên xâm phạm trở lại MA-20.

Ở kịch bản tích cực, hai chỉ số cần sớm tạo sự hồi phục để đưa đường giá quay lại phía trên MA-20 nhằm xóa bỏ vi phạm đã tạo ra trước đó và điều này sẽ giúp củng cố trở lại xu hướng tăng hiện hữu.

Ở kịch bản trung tính, VN-Index có thể vẫn sẽ có thêm những điều chỉnh nhưng sẽ không đánh mất vùng hỗ trợ quan trọng nhất hiện nay quanh 965 điểm - khu vực di chuyển của MA-50 và cũng là vùng tạo ra điểm bứt phá quan trọng trước đó, lực cầu gần hơn khu vực hỗ trợ 965 điểm cần tỏ ra đủ mạnh mẽ.

Ở kịch bản tiêu cực, việc xâm phạm hỗ trợ 965 điểm sẽ chính thức xác nhận VN-Index (và thị trường nói chung) đánh mất xu hướng tăng thiết lập từ đầu 2019 đến nay và điều này có thể kích hoạt các đợt giảm giá mạnh hơn trong tương lai.

Minh Khôi

Theo thesaigontimes.vn

largeer