Chung tay đẩy lùi sốt xuất huyết

Thứ hai, 11/06/2018, 11:39 AM

Ngày 9-6, Sở Y tế TP Đà Nẵng phối hợp với UBND Q. Cẩm Lệ tổ chức lễ mít-tinh cấp thành phố hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết (SXH) lần thứ 8 năm 2018 với thông điệp "Cộng đồng chung tay đẩy lùi sốt xuất huyết, thành công bền vững". Đây là hoạt động nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình và nâng cao vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh SXH.

Lãnh đạo 7 quận huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng ký cam kết với Sở Y tế trong công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh SXH.

Lãnh đạo 7 quận huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng ký cam kết với Sở Y tế trong công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh SXH.

Theo ông Nguyễn Tiên Hồng - Phó giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, trong năm 2017, trên địa bàn TP ghi nhận hơn 7.100 ca SXH, tăng 36,65% so với năm 2016; tính tỷ lệ trên 100.000 dân là 68,2% đứng đầu cả nước. Trong 5 tháng năm 2018, toàn TP đã có hơn 900 người nhập viện vì SXH, chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Zika. Dự báo nguy cơ dịch SXH năm 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường nếu chúng ta không triển khai những giải pháp phòng, chống quyết liệt, hiệu quả ngay từ bây giờ. 

Đến nay, bệnh SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên hiệu quả phòng bệnh phụ thuộc vào các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Tuy nhiên hiện nay, nhiều hộ gia đình còn chưa quan tâm vệ sinh nơi ăn, ở, loại trừ dụng cụ chứa nước, vật thải phế liệu là nơi cho muỗi đẻ trứng, phát sinh lăng quăng. Bên cạnh đó, việc phun hóa chất diệt muỗi cũng chưa bao phủ được mọi hộ gia đình, tất cả các tầng, phòng trong nhà, nhất là các phòng ở trên tầng cao làm mật độ lăng quăng, muỗi thường xuyên cao gây ra nguy cơ mắc, lây lan bệnh SXH nhanh, rộng trong cộng đồng.  Ngoài ra, một số địa phương, ban ngành, đoàn thể thực hiện chiến dịch "Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và SXH" chưa thường xuyên và quyết liệt.

Ông Nguyễn Tiên Hồng cho rằng, trong nhiều năm qua, TP Đà Nẵng đã thường xuyên triển khai phòng chống bệnh SXH bằng những hoạt động vận động cộng đồng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các khu dân cư và mỗi hộ dân. Tuy nhiên, Đà Nẵng là địa phương có nhiều cửa khẩu quốc tế, khí hậu nóng ẩm và đang trong quá trình đô thị hóa nên có nhiều yếu tố thuận lợi cho xâm nhập, phát triển của muỗi vằn truyền bệnh SXH và bệnh do virus Zika. Hiện nay, SXH vẫn luôn là bệnh truyền nhiễm có số ca bệnh nhập viện nhiều nhất, gây tổn hại đến sức khỏe và kinh tế của người dân. Bênh cạnh đó, bệnh do virus Zika đang phát triển và có diễn tiến phức tạp trên thế giới với tốc độ lây lan nhanh , nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng là rất lớn.

Ông Nguyễn Tiên Hồng khẳng định: Để góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm gánh nặng về kinh tế cho toàn xã hội do các trường hợp mắc bệnh SXH gây ra, nhân dân Đà Nẵng cùng với nhân dân cả nước cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả các giải pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế. "Tôi kêu gọi chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, các hộ gia đình và toàn thể người dân sống trên địa bàn thành phố cùng đoàn kết, chung tay thực hiện các hành động có hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan và bùng phát dịch bệnh do muỗi vằn gây ra trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Chúng ta cần đồng tâm, nhất trí, triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch nói chung, bệnh SXH nói riêng.  Tôi hy vọng, qua lễ phát động này, các tổ chức và người dân sẽ hiểu được ý nghĩa này và biến chúng thành những hành động cụ thể. Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng để phòng chống bệnh sốt xuất huyết", ông Hồng nhấn mạnh.

Diệt lăng quăng, bọ gậy là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa SXH.

Diệt lăng quăng, bọ gậy là cách hữu hiệu nhất để phòng ngừa SXH.

Ông Trần Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND Q. Cẩm Lệ khẳng định, UBND Q. Cẩm Lệ cam kết và quyết tâm thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh SXH. Theo đó, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình mỗi tuần sẽ dành 10-15 phút để tìm và diệt các ổ lăng quăng trong nhà và xung quanh nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh SXH. UBND phường chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh của địa phương, huy động mọi nguồn lực tổ chức thực hiện các giải pháp phòng bệnh hiệu quả, hằng tuần tổ chức tổng dọn vệ sinh môi trường, thu gom các dụng cụ, vật dụng phế thải chứa nước tại địa phương. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh việc xử phạt đối với các tổ chức, các cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, để tồn tại các nguy cơ lây lan bệnh SXH theo Nghị định 176 của Thủ tướng Chính phủ…

Tại lễ mít-tinh, lãnh đạo 7 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã ký cam kết với Sở Y tế trong công tác phối hợp phòng chống nhằm giảm thiểu dịch SXH có nguy cơ bùng phát trong giai đoạn chuyển mùa hè sang thu.

L.Hùng

Theo CAND

largeer