Chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới: Đặt chất lượng lên hàng đầu

Thứ sáu, 03/11/2017, 08:38 AM

Chiều 2-11, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và tập trung thảo luận về việc lùi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Nhiều đại biểu cho rằng, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới cần coi chất lượng, hiệu quả là yếu tố hàng đầu...

Chương trình giáo dục phổ thông mới cần có lộ trình cụ thể trước khi thực hiện đại trà. Ảnh: Bá Hoạt

Chấp nhận lùi thời gian thực hiện

Tại Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/ QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai chương trình theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học bắt đầu từ năm học 2019-2020; đối với cấp THCS bắt đầu từ năm học 2020-2021; đối với cấp THPT bắt đầu từ năm học 2021-2022 và đến năm học 2023-2024 áp dụng toàn bộ ở cả 12 lớp thuộc 3 cấp học. Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88/2014/QH13, việc bắt đầu áp dụng ở cấp tiểu học chậm 1 năm, cấp THCS chậm 2 năm và cấp THPT chậm 3 năm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/ QH13 là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện. Kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp thực hiện vẫn là 5 năm.

Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Chấp nhận đề nghị lùi thời gian của Chính phủ nhưng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cơ quan thẩm tra tờ trình cũng đánh giá, thực tế 3 năm triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội có nhiều hạn chế. Phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều. Trong khi nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của lộ trình điều chỉnh. Bởi trên thực tế, riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn một năm so với kế hoạch là chậm nhất đến tháng 6-2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học). Tuy nhiên, đến ngày 27-7-2017, chương trình tổng thể mới được thông qua. Ủy ban cũng đặc biệt nhấn mạnh sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết số 88/2014/ QH13.

Khắc phục ngay những bất cập

Thảo luận tại hội trường chiều 2-11, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng ý với việc lùi thời điểm triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới và nhấn mạnh cần lấy mục tiêu bảo đảm chất lượng, hiệu quả làm yếu tố quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về đề xuất của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, nếu lùi đến năm 2019-2020 mới áp dụng cho lớp 1 và dự kiến đến năm 2023-2024 mới áp dụng toàn bộ, còn đề án kết thúc vào năm nào thì chưa nói rõ. Bộ GD-ĐT đã làm được bao nhiêu sản phẩm và chi phí hết bao nhiêu? Bây giờ lại cho kéo dài thêm liệu có gây lãng phí và tăng kinh phí? “Dự kiến mới của đề án này là 80 triệu USD, tương đương 1.798 tỷ đồng chứ không ít. Lùi chương trình sách giáo khoa, nhưng không để phát sinh thêm kinh phí”, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu lưu ý.

Đại biểu Triệu Thế Hùng (Đoàn Lâm Đồng) lại cho rằng, chương trình giáo dục mới có thể lùi lại 1 năm hoặc 2 năm, nhưng phải thể hiện quyết tâm thực sự thay đổi về cơ cấu nhằm thay đổi nền giáo dục nước nhà. Liên quan đến việc ưu tiên đối với học sinh người dân tộc, học sinh miền núi, đại biểu cho rằng, việc dùng chính sách cộng nhiều điểm như một sự ưu tiên không làm thay đổi trình độ của học sinh mà tiếp tục tạo sự chênh lệch về trình độ. Đại biểu đề nghị nên thay thế cộng điểm bằng tập trung bồi dưỡng kiến thức, điều động thầy cô giáo giỏi, đầu tư cơ sở vật chất... để học sinh ở các khu vực này có thực lực đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo.

Đại biểu Hứa Thị Hà (Đoàn Tuyên Quang) băn khoăn vì trong tờ trình phương án mới, bắt đầu từ quý III-2018 mới triển khai biên soạn sách giáo khoa, nhưng quý III-2019 đã đưa vào sử dụng cho lớp 1. Như vậy là chỉ có một năm mà theo kế hoạch có trước 2 năm để thực hiện. Trong khi việc biên soạn sách giáo khoa phải rất cẩn trọng, chỉ một lỗi nhỏ được phổ biến rộng rãi sẽ rất nguy hiểm...

Giải trình vấn đề các đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa nhận việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Với việc lùi thời hạn áp dụng chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa sẽ theo đúng lộ trình, không phát sinh chi phí.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong việc chậm thực hiện chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, có giải pháp tránh lặp lại. Đa số đại biểu đồng ý với đề nghị của Chính phủ về lùi thời điểm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới nhưng phải khắc phục những bất cập, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai đại trà.

Theo Nhóm phóng viên (HNM)

Tiến Huy
Từ khóa:

largeer