Chuyên gia Võ Quốc Bình: "Nghị định 116 là một kiểu chính sách “tạm bảo hộ” cho thị trường ô tô Việt Nam"

Thứ ba, 21/08/2018, 14:11 PM

Thị trường ô tô Việt Nam năm 2018 in đậm dấu ấn của Nghị định 116. Dù muốn dù không, chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế, Nghị định 116 đang "chia lại bàn cờ" thị trường ô tô Việt, nâng cao vai trò của ô tô nội địa, nhất là phân khúc ô tô lắp ráp. Câu chuyện về sự cạnh tranh của các hãng ô tô nhập như Ford, Mercedes, Toyota... với ô tô nội địa như THACO một lần nữa lại được nhắc đến. Là một người nhiều năm làm việc và được xem là một trong những chuyên gia về ô tô, ông Võ Quốc Bình (Tổng Giám đốc tập đoàn Bình Minh) đã dành cho Vietpress một cuộc trò chuyện thân mật và cởi mở, đi thẳng vào trọng tâm những vấn đề còn tồn tại của thị trường ô tô Việt thời gian qua.

"Chất lượng xe nhập khẩu tốt hơn xe lắp ráp"

Ông Võ Quốc Bình:

Ông Võ Quốc Bình: "Chất lượng xe nhập khẩu luôn cao hơn một bậc so với xe lắp ráp"

Chúng ta đã nói quá nhiều về Nghị định 116, như một phương thức để định hình lại thị trường ô tô Việt, khiến thị trường trở thành sân chơi riêng của ô tô nội địa. Thế nhưng, đó lại là bước cản với ô tô nhập khẩu. Thống kê doanh số ô tô tháng 7 một lần nữa cho thấy, dòng xe lắp ráp vẫn chiếm ưu thế lớn, gần như là vượt trội so với ô tô nhập khẩu. Là một chuyên gia ô tô, ông có nhận định thế nào về điều này?

Khi mà các cơ quan chức năng và các cơ quan quản lý nhà nước vẫn cứ loay hoay tìm giải pháp cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam thì Nghị định 116 ra đời có tác dụng kiểu như một cách kiểm soát tạm thời, một dạng “tạm hưu chiến” với các loại ô tô nhập khẩu. Thứ nhất là để cân bằng trạng thái nhập siêu, tránh tình trạng nhập ồ ạt khi các hàng rào thuế quan nhập khẩu ô tô giảm mạnh, vì thế giá thành ô tô có thể giảm và làm tăng nhanh lượng tiêu thụ xe nhập khẩu; dẫn đến mất cân bằng và vì cơ sở hạ tầng không đáp ứng được.

Ngân sách nhà nước cũng giảm mạnh nếu không có điều chỉnh chính sách tạo nguồn thu, chưa kể là chất lượng xe nhập khẩu luôn cao hơn một bậc so với xe lắp ráp, nên người tiêu dùng chắc chắn sẽ làm ngơ với xe lắp ráp khi mà giá thành xe nhập khẩu tốt hơn. Vì vậy, có thể xem Nghị định 116 là một kiểu chính sách “tạm bảo hộ” cho thị trường ô tô Việt Nam và ngành công nghiệp ô tô lắp ráp trong nước, trước mắt giữ vững thế trận trên mọi mặt xong rồi tính tiếp.

Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 116 ra đời giống như sự “đóng cửa” với các hãng xe nhập khẩu khi nghị định 116 siết chặt các tiêu chuẩn về nhập khẩu ô tô. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta không đủ tiêu chuẩn để quản lý ô tô nhập. Điều này vô tình làm cản bước phát triển của thị trường, quay lưng với các nhà đầu tư, trong khi ở trong nước, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Nhìn chung thì người tiêu dùng Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi nếu nghị định này kéo dài, không được thụ hưởng những sản phẩm ô tô chất lượng. Thị trường mất hẳn cạnh tranh nên không lấy gì đảm bảo rằng các doanh nghiệp ô tô lắp ráp trong nước có thể cho ra đời những dòng sản phẩm tốt nhất. Như tôi đã nói, chất lượng xe nhập khẩu gần như mặc định từ lâu là vẫn cao hơn xe lắp ráp trong nước.

Điều này cũng làm khó cho doanh nghiệp ô tô nhập khẩu, bằng chứng là thời gian qua, các doanh nghiệp này cũng phải điêu đứng vì mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc lo các thủ tục theo quy định của Nghị định 116... Xe khó nhập, thời gian lưu kho, lưu cảng lâu, thủ tục để hợp thức hoá theo đúng quy định nên chi phí đội lên cao... Vì vậy, giá xe nhập khẩu làm sao mà giảm được trong thời gian qua? Phải thông cảm cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô. Họ chịu quá nhiều rào cản và chi phí nếu so với các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước, nên đứng về góc độ cạnh tranh kinh tế là thiếu công bằng nguy cơ dài hơn là tự làm chậm sự phát triển hay không chịu phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Ở góc độ khác, người tiêu dùng chính là bên chịu thiệt, bỏ ra số tiền quá lớn để sở xe hữu những sản phẩm thấp hơn giá trị thực tế của tài chính mình bỏ ra...

Chưa kể là cái tư duy “quản không được thì cấm” của rất nhiều cơ quan quản lý nhất nước Việt Nam hiện nay đã ăn sâu vào cách làm, tạo lối mòn... nên một sớm một chiều khó có thể thay đổi tích cực được.

Thị trường ô tô đang có những biến động khó lường

Thị trường ô tô đang có những biến động khó lường

"Cởi trói" cho thị trường

Có ý kiến cho rằng, các hãng xe nhập khẩu lớn đang cản trở cả quá trình nhập khẩu phụ kiện để lắp ráp, bảo hành đối với các loại xe, như một cách để “quay lưng” với nghị định 116 nói riêng và thị trường ô tô Việt nói chung. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến thị trường ô tô hiện tại và tương lai. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi cũng nghe có ý kiến rằng các doanh nghiệp nhập khẩu lớn đang cản trở quá trình nhập khẩu phụ kiện để lắp ráp, bảo hành đối với các loại xe như một cách “trả đũa” Nghị định 116 ... kiểu như “bánh ít ném đi, bánh quy ném lại”... Tôi nghĩ, ý kiến này có phần chủ quan và cảm tính. Mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, tại sao doanh nghiệp lại tự quẳng đi lợi nhuận của mình? Doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu phụ tùng vào Việt Nam cũng đã có lợi nhuận, tại sao lại tự làm khó mình khi có nhiều giải pháp khác đại loại như tính gộp chi phí, nâng giá thành phụ tùng... Trừ phi là có ảnh hưởng của chính quyền nhà nước sở tại trong vấn đề vận hành kinh tế vĩ mô và vì mối quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, cái gì có cung ắt có cầu, Việt Nam là một nước đang phát triển mạnh và có rất nhiều tiềm năng về ngành công nghiệp ô tô... Khi doanh nghiệp hoặc đối tác nước ngoài than khó và muốn trả đũa thì thực sự đúng là Nghị định 116 có vấn đề bất cập gây khó khăn cho họ. Kinh doanh yêu cầu sự linh hoạt, thế nên, tôi nghĩ họ chỉ gặp khó tạm thời một thời gian, trước khi có nhiều biện pháp linh hoạt (bao gồm cả ý kiến trên mà tôi cho là cảm tính) để hai bên tự “cởi trói” cho nhau và thị trường ô tô Việt Nam sẽ ổn định lại sau một thời gian nữa... Tôi cảm thấy ý kiến trả đũa này giống như họ đang học cách của Tổng thống Mỹ Donald Trump vậy: Ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng ở thế thượng phong!

Theo ông, làm cách nào có thể “cởi trói” cho xe nhập khẩu mà vẫn đảm bảo được sự phát triển của ngành ô tô Việt?

Thực tế thì Nghị định 116 thiết lập “vùng cấm” tạm thời đối với ô tô nhập khẩu để cân bằng cho thị trường ô tô Việt Nam và ngành công nghiệp ô tô trong nước không phải đứng trước biến động về giá khi mà các hàng rào thế quan được cởi bỏ. Dù đây rõ ràng là một chính sách bảo hộ kinh tế nhất thời có chủ đích nhưng nếu cần thiết vẫn phải áp dụng để đối phó và tránh biến động thị trường quá lớn. Nhưng “vui thôi đừng vui quá” sẽ làm trì trệ cả nền kinh tế chứ không đùa được. Kể cả các nước tư bản như Mỹ thì hiện nay cũng vậy thôi, có điều hình như hỏi tính toán kỹ và thông minh hơn, còn chúng ta thì nhiều bất cập.

Thời gian tới thì tôi tin là các điều luật của Nghị định 116 sẽ được điều chỉnh hợp lý để thoát ra vòng lẩn quẩn như trên. Hiện nay, xe nhập khẩu đã tràn về Việt Nam là do một số nước khác cũng đã linh hoạt đáp ứng phù hợp rồi đấy thôi. Cái gì cũng có thể thương lượng được và cái gì cũng có thể xảy ra.

Và… hướng đi đúng của thị trường ô tô trong tương lai?

Hướng đi đúng của ngành ô tô ư? Tôi nghĩ không riêng gì ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, mà cả nền kinh tế của chúng ta cũng không thể thoát khỏi quy luật chung nếu muốn phát triển, còn đi ngược lại ắt sẽ trì trệ: hãy để nhu cầu thị trường và sự tiến bộ của xã hội quyết định, bất cứ chính sách nào không hợp lý cũng sẽ không tồn tại được lâu. Nhất là nên bỏ triệt để cách làm “quản không được thì cấm”.

Trong bối cảnh kinh tế nhiều thành phần có nhiều biến động, tôi nghĩ các cơ quan chức năng và các nhà làm luật, các cơ quan quản lý nhà nước nên tự mình tiến bộ tư duy quản lý theo đúng cơ chế thị trường và đưa ra các đối sách hợp lý hợp tình trước đã, đừng vì cục bộ mà tự mình đóng cửa lại, nhất là ngành công nghiệp ô tô, bao năm qua vẫn không chịu phát triển.

Ngành công nghiệp ô tô là một ngành mang tính đặc thù cao

Ngành công nghiệp ô tô là một ngành mang tính đặc thù cao

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Thực hiện: Đăng Kiệt

NTD

largeer