Chuyện về tự truyện “Phút 89”

Thứ hai, 11/06/2018, 21:27 PM

Chỉ sau một vài ngày phát hành, quyển tự truyện “Phút 89” của Lê Công Vinh đã tạo ra một làn sóng dư luận trên mạng xã hội. Đa phần ủng hộ vì Công Vinh đã dũng cảm nói ra những góc khuất của bóng đá Việt Nam nhưng cũng có một số đông khác bức xúc với hành động “vạch áo cho người xem lưng” này. Bên cạnh đó, một số đồng đội tỏ ra rất giận dữ vì bị Công Vinh “nhắc tên” trong tự truyện.

 Những nhân vật đình đám được nhắc tên

Trong “Phút 89”, Công Vinh đã không ngần ngại nhắc đến hàng loạt cái tên đình đám của làng bóng đá Việt Nam như Nguyễn Hữu Thắng, Văn Quyến, Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Bình, Tấn Tài, HLV Alfred Riedl, HLV Calisto, Hồng Tiến, bầu Kiên, bầu Hiển, Lê Thuỵ Hải… Không chỉ ở góc độ cá nhân, ở góc độ tập thể Công Vinh cũng thẳng thừng lên tiếng, cụ thể nhất có thể kể đến trường hợp đi bar và sử dụng chất kích thích của các cầu thủ thuộc CLB Hà Nội T&T.

Việc trở thành người tiên phong vén bức màn hào nhoáng đang che đậy thực tế phũ phàng của Công Vinh đã gặp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ nhất là từ những người đã và đang làm bóng đá. Họ cho rằng Công Vinh vì muốn làm “người hùng” nên đã sẵn sàng “đạp” lên đồng đội một cách không thương tiếc.

Khi nhắc về Lê Huỳnh Đức trong tự truyện của mình Công Vinh đã kể lại về lần tập trung đội tuyển dưới thời HLV Calisto, Công Vinh có hỏi Huỳnh Đức về chuyện tập luyện và nhận được câu trả lời: “Riêng mày thì thích mặc cái gì thì mặc, tập giờ nào thì tập”. Với câu trả lời này, Công Vinh đã rất sốc và nghĩ rằng Huỳnh Đức ghét mình. Có người cho rằng việc Công Vinh kể lại câu chuyện này nhưng không kể đầy đủ khi xảy ra việc này Huỳnh Đức đang đảm nhiệm vai trò trợ lý cho HLV Calisto trong đội tuyển Quốc gia khiến cho nhiều người hiểu lầm Huỳnh Đức và Công Vinh là hai tiền đạo đang cạnh tranh vị thế với nhau. Tuy nhiên, với một người có tìm hiểu về bóng đá Việt Nam thì chỉ cần với chi tiết “dưới thời HLV Calisto” vẫn có thể nắm rõ lúc đó Huỳnh Đức đã không còn tham gia bóng đá với tư cách cầu thủ vì từ năm 2008, Huỳnh Đức đã trở thành HLV trưởng của CLB Đà Nẵng. Hoặc thậm chí với một người không rành về bóng đá, thì dù khi đó Huỳnh Đức đảm nhận vai trò gì nhưng với tư cách “đàn anh” và trả lời “đàn em” của mình như thế thì cũng khó mà tránh khỏi việc “đàn em” nghĩ rằng mình bị “ghét”.

Về câu chuyện của Tấn Tài, Công Vinh kể thế này: “Việc Tài không bao giờ chuyền bóng cho tôi ở nội bộ Bình Dương ai cũng biết. Tôi chỉ không ngờ là khi lên đến đội tuyển Quốc gia, Tấn Tài vẫn không thể gác bỏ được hiềm khích dành cho tôi để cùng hướng về mục tiêu chung. Tôi xem đấy là một thất bại của tập thể mà tôi là một phần của nó”. Tấn Tài đã tỏ ra vô cùng tức giận bị Công Vinh “nói xấu” và kể về đường chuyền bóng của mình đã giúp Công Vinh ghi bàn trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008. Ngoài ra, Tấn Tài cũng chia sẻ: “Những lúc tôi kiến tạo cho Công Vinh ghi bàn nhiều thì cậu ta không nhắc đến trong cuốn tự truyện. Ngược lại những lúc tôi không chuyền bóng thì cậu ấy lại viết làm gì”. Như vậy, chẳng khác nào chính Tấn Tài cũng đã ngầm khẳng định mình không chuyền bóng cho Công Vinh. Đặt lại hoàn cảnh trong tự truyện, Công Vinh kể về mình và Tấn Tài trong lúc đang thi đấu dưới màu áo của Bình Dương tức là vào năm 2013. Và trong thời điểm ấy, sau màn thắng của năm 2008, Công Vinh đã trở thành “ngôi sao” và chuyện “ngôi sao” bị đồng đội “ghét” là hoàn toàn bình thường.

Ngoài ra, còn những câu chuyện như HLV Riedl ưu ái Văn Quyến và Phan Thanh Bình, lần “bẻ kèo” phút 89 với bầu Hiển, trận cãi nhau với Lê Thụy Hải khi ở Bình Dương và rất nhiều góc khuất khác được Công Vinh nhắc đến.

Công Vinh và nhà báo Trần Minh - người đã chấp bút cho

Công Vinh và nhà báo Trần Minh - người đã chấp bút cho "Phút 89".

Thuỷ Tiên là người đã ủng hộ Công Vinh ra mắt tự truyện.

Thuỷ Tiên là người đã ủng hộ Công Vinh ra mắt tự truyện.

Công Vinh xúc động khi nhắc về người bạn điếc đi lạc suốt nhiều tháng qua.

Công Vinh xúc động khi nhắc về người bạn điếc đi lạc suốt nhiều tháng qua.

Hãy nhìn nhận mọi thứ nhẹ nhàng

Việc viết tự truyện, động chạm đến nhiều người và sẽ gây sóng gió là điều đã đoán biết trước nhưng đến thời điểm hiện tại Công Vinh vẫn khẳng định: “Tôi không có gì phải hối hận khi nói lên góc nhìn của tôi. Tôi không phê phán hay nói điều sai trái. Đây là cuốn tự truyện, kể về cuộc đời tôi, những gì tôi đã trải qua, nói lên góc nhìn của tôi về người khác”. Thật sự, những gì Công Vinh đã viết hoàn toàn không có gì sai trái với khuôn khổ cho phép của một cuốn tự truyện.

Vấn đề gây tranh cãi không gì khác ngoài chuyện Công Vinh đã đúng hay sai khi “phơi trần” những điều đáng ra không nên nói và nhiều người cho rằng quyển tự truyện là một bản “tấu sớ” nêu tội của những người làm bóng đá. Hãy nhìn nhận mọi thứ thật nhẹ nhàng, đây đơn thuần chỉ là một quyển tự truyện kể những gì Công Vinh đã trải qua trong suốt sự nghiệp của mình, nó không làm cho bóng đá Việt Nam tốt hơn hay xấu đi. Bóng đá Việt Nam đã từng đứng trên đỉnh vinh quang và cũng có lúc rơi xuống vũng lầy, đánh mất niềm tin của người hâm mộ nên với những gì Công Vinh chia sẻ có thể xem đó là những kinh nghiệm của một người đi trước dành cho thế hệ trẻ.

Nếu nói quyển tự truyện toàn tiêu cực là không đúng. Có thể thấy Công Vinh vẫn dành rất nhiều lời tri ân đến những con người “đặc biệt” trong cuộc đời anh như HLV Nguyễn Hữu Thắng, cựu tuyển thủ Hồng Tiến, người bạn điếc ở Nghệ An, danh thủ Brazil Anderson, vợ chồng HLV Calisto và bà xã Thủy Tiên.

Gọi Công Vinh là “tiền đạo số 1 Việt Nam” hay “huyền thoại bóng đá Việt Nam” chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến phản đối, mặc dù với những thành tích hiện tại Công Vinh hoàn toàn xứng đáng với những danh xưng đó. Còn gọi Công Vinh là cầu thủ “đặc biệt” nhất Việt Nam thì khó có ai mà không bằng lòng. Đừng xem tự truyện phải là thứ gì đó ghê gớm và chỉ dành cho những nhân vật xuất chúng, chẳng phải chúng ta vẫn luôn “khắc cốt ghi tâm” những bài học của tiền nhân, họ có thể là những bậc anh tài hay đơn thuần chỉ là một người nông dân cày ruộng. Với những gì Công Vinh đã trải qua, chúng ta có thể phủ nhận nhiều nhất là về tài năng nhưng nguồn cảm hứng mà Công Vinh mang lại cho thế hệ trẻ chính là sự quyết tâm không từ bỏ, cần cù rèn luyện mỗi ngày để thực hiện ước mơ, như mọi người vẫn thường nói “Nếu như Văn Quyến là tài năng thì thành công của Công Vinh là minh chứng cho sự cần cù không bỏ cuộc”.

Bài & ảnh: Đức Tiến

Empty
Theo NTD

largeer