Cơ cấu lại thị trường bảo hiểm: Đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ

Thứ tư, 06/03/2019, 14:01 PM

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

  Đề án cơ cấu lại thị trường bảo hiểm: Đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. (Ảnh minh hoạ)

Đề án cơ cấu lại thị trường bảo hiểm: Đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. (Ảnh minh hoạ)

Đối với thị trường bảo hiểm, Đề án cho biết mục tiêu chung là phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội; doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng dự phòng nghiệp vụ, tổng nguồn vốn chủ sở hữu, tổng doanh thu tăng 20% đến năm 2020 và 15%/năm từ năm 2021 đến năm 2025.

Đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và năm 2025 là 15%. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2020 tối đa 3%; đến năm 2025 là 3,5%.

Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu tham gia bảo hiểm khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân; công nghệ hiện đại được áp dụng trong mọi hoạt động, lĩnh vực của hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo điều kiện tối đa cho khách hàng tham gia bảo hiểm.

Về các giải pháp cơ cấu lại thị trường bảo hiểm, Đề án đưa ra một số giải pháp chung như đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, Đề án yêu cầu nghiên cứu hoàn thiện, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm vào năm 2020, đồng thời xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế.

Đối với việc nâng cao tính minh bạch thông tin, Đề án yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm công khai thông tin đầy đủ, toàn diện và tương ứng một cách kịp thời nhằm giúp cho bên mua bảo hiểm và các tổ chức có liên quan hiểu rõ về cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động và tình hình tài chính của doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh kỷ luật của thị trường, đồng thời giúp mọi tổ chức, cá nhân có liên quan hiểu rõ về doanh nghiệp bảo hiếm, về các loại rủi ro tác động đến hoạt động của doanh nghiệp và cách thức quản lý rủi ro.

Với giải pháp phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm, Đề án yêu cầu phát triển đa dạng các kênh phân phối nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng chuyên nghiệp, theo kịp với sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0, phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận bảo hiếm một cách dễ dàng, chuyên nghiệp nhất,…

Cùng với đó là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính; chuyển đổi mô hình quản lý nhà nước của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sang quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2020. 

Bên cạnh đó là tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp bảo hiểm; tăng cường vai trò và trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm,…

Thủ tướng chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành trình Quốc hội và Chính phủ ban hành; sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường sự phối hợp trao đổi thông tin, thanh tra, giám sát giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các tập đoàn tài chính - ngân hàng, các giao dịch tài chính và dòng lưu chuyển vốn giữa các tổ chức tín dụng và các tổ chức kinh doanh chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là các tổ chức kinh doanh chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm trực thuộc các tổ chức tín dụng.

Anh Phan

Theo vietnamfinance.vn

largeer