Có một chợ Nga giữa lòng Sài Gòn

Thứ ba, 24/09/2019, 10:02 AM

Chợ Nga không chỉ là nơi kinh doanh mua sắm mà còn là nơi để người dân khám phá nét văn hóa đặc trưng của nước Nga xa xôi để hiểu hơn về con người và xứ sở Bạch Dương xinh đẹp.

Chợ Nga tọa lạc trên đại lộ Võ Văn Kiệt sầm uất và náo nhiệt.

Chợ Nga tọa lạc trên đại lộ Võ Văn Kiệt sầm uất và náo nhiệt.

Trung tâm thương mại Russian Market hay còn được gọi với tên quen thuộc là chợ Nga. Tọa lạc tại số 328 Võ Văn Kiệt, phường Cô Giang, Q.1, TP.HCM với quy mô hạ tầng nằm trong tòa nhà Central Garden trên đại lộ Võ Văn Kiệt, nơi đây chuyên kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu từ Nga và các sản phẩm từ Việt Nam xuất khẩu sang Nga. Tựu trung các mặt hàng như may mặt thời trang, hàng thủ công mỹ nghệ, đặc sản Nga… đã thu hút được đông đảo các bà nội trợ đến tiêu dùng mua sắm, cũng như người dân Nga đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, cạnh đó các công ty du lịch cũng khai thác chợ Nga như một địa điểm tham quan du lịch của thành phố.

Các sản phẩm hàng hóa của nước Nga đầu tiên đến Việt Nam xuất hiện ở Thương xá Tax (Q.1, TP.HCM) do một số tiểu thương và trí thức từng có thời gian lao động và sinh sống tại Nga trực tiếp bán. Từ sợi dây kết nối ấy mà đa số tiểu thương ở chợ Nga hiện nay vốn từng có thời gian đi lao động hợp tác ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu. Nói về quá trình hình thành chợ Nga trên đại lộ Võ Văn Kiệt, ông Vũ Ánh Dương - Trưởng Ban Quản lý Russian Market (chợ Nga) cho biết: “Vào giữa năm 2009, CTCP Tống Linh Giang đã quyết định đầu tư thành lập lại chợ Nga tại tòa nhà Central Garden (Q.1). Chính vì Thương xá Tax cũng như nhiều địa điểm buôn bán hàng hóa Nga đang hoạt động rời rạc, cạnh đó, nhu cầu của người Nga đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM cũng rất lớn nên nên sự ra đời của chợ Nga đã quy tụ các tiểu thương về để buôn bán, góp phần giải quyết nhu cầu trao đổi hàng hóa của các công ty, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Nga”.

TP.HCM xưa nay được ví như trung tâm thương mại lớn nhất cả nước cùng những ngôi chợ sầm uất, náo nhiệt, tấp nập người mua kẻ bán nhưng khi đến với chợ Nga du khách sẽ thấy sự khác biệt đậm nét. Tiểu thương ở chợ không đon đả chào mời khách mà chỉ ân cần đợi khách lựa chọn đồ phù hợp rồi giới thiệu kích cỡ phù hợp. Họ dễ gần, thân thiện và mời hàng bằng thứ tiếng của người Nga bản xứ khi khách hàng là người Nga “chính hiệu”, ngoài ra tiếng Anh và tiếng Việt cũng được sử dụng phổ biến ở khu chợ này… Vì các mặt hàng ở đây đã được niêm yết nên giá cả khá phải chăng và hợp với túi tiền của nhiều người, dao động khoảng từ vài trăm ngàn đến trên triệu đồng.

Đến với chợ Nga nhìn những mặt hàng thời trang nơi đây như áo khoác da, áo lông vũ, áo khoác bành tô, cửa hàng đặc sản Nga… cùng giai điệu du dương của các ca khúc Nga bất hủ cứ vang vọng phát ra từ các ki ốt chính là những điểm nhấn đặc trưng tạo nên sự khác biệt đầy ấn tượng của khu chợ này.

Có lẽ, với các công dân Nga đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì ngôi chợ này trở thành nơi thân thuộc, một nơi mà ở đó họ có thể tìm thấy một góc quê hương mình nơi xứ người, giống như người Việt tìm thấy hồn quê ở nước ngoài.

 MỸ KIM

Theo NTD

largeer