Có nên thu học phí sinh viên sư phạm?

Chủ nhật, 03/06/2018, 06:22 AM

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình lên Quốc hội dự án sửa đổi Luật Giáo dục, trong đó sửa đổi theo hướng không miễn học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm mà thay bằng chính sách vay tín dụng sư phạm, gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Thu học phí có thu hút được nhân tài?

Một thực tế đáng buồn hiện nay, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp phải quay cuồng gian nan tìm việc. Như việc sinh viên sư phạm Bùi Thị Hà là 1 trong 100 sinh viên xuất sắc được tôn vinh tại Văn Miếu – Quốc Tử giám, bây giờ đang chăn gà, nuôi lợn tại quê nhà Hà Giang. Hay cô sinh viên Phan Ngọc Linh cầm tấm bằng giỏi của trường ĐH Quảng Nam trên tay, nhưng phải về nhà chăn trâu vì không xin được việc. Đó chỉ là đơn cử trong hàng nghìn sinh viên sư phạm đang thất nghiệp hiện nay.

Theo thông tin từ Bộ giáo dục và Đào tạo số lượng sinh viên đã tốt nghiệp, chưa có việc làm, dự kiến ra trường trong năm 2018, 2019 có thể vào khoảng trên 40.000 người. Nhưng mùa tuyển sinh năm trước (2017) các trường đào tạo sư phạm trên cả nước đã tuyển 55.600 chỉ tiêu.

 Nhằm hạn chế số lượng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường và nâng cao chất lượng đầu vào của các thầy giáo, cô giáo tương lai, Bộ Giáo dục đã siết chặt quy định xét tuyển, chỉ có học sinh khá, giỏi mới có thể theo đuổi sự nghiệp “trồng người”.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng,  theo dự luật mới là không miễn học phí cho sinh viên sư phạm, thì không thể thu hút học sinh khá giỏi vào học ngành này. Thực tế hiện nay, sinh viên ngành Y phải đóng học phí và cạnh tranh khóc liệt mới có thể trở thành sinh viên của trường. Dự báo tỷ lệ chọi ngành này năm nay là 6,86, với 215.173 nguyện vọng trong tổng số 31.331 chỉ tiêu đại học. Nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn quyết tâm theo học ngành này vì được đảm bảo tương lai có việc làm, thu nhập cao.

Vì vậy, để thu hút học sinh khá, giỏi học phí không phải là vấn đề và chưa phải là tiêu chí đầu tiên để học sinh lựa chọn ngành học mà cái quan trọng nhất là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và thu nhập sau khi ra trường.

 Cũng có ý kiến cho rằng nếu không miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì học sinh nghèo học giỏi sẽ bị thiệt thòi. Hiện nay Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến giáo dục và ngành này được coi là quốc sách hàng đầu. Chính vì vậy rất nhiều chính sách ưu đãi dành cho sinh viên khó khăn như với  Quyết định 751/QĐ-TTg của Thủ tướng thì mỗi sinh viên có thể vay tối đa là 1.500.000 đồng/tháng. Và hiện nay tất cả sinh viên có hoàn cảnh khó khăn ở tất cả các ngành học không chỉ riêng ngành sư phạm đều được miễn phí. Và Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH có quy định nếu người học thuộc trường hợp là sinh viên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì sẽ được giảm 70% học phí.

Quan trọng là việc làm và thu nhập sau khi ra trường

Tiến sĩ Trần Hữu Duy (trưởng phòng quản lý Đào tạo ĐH Đà Lạt) cho rằng : “Tôi hoàn toàn đồng tình việc thu học phí sinh viên sư phạm, siết chặt quy định xét tuyển ngành học này, tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Vấn đề mấu chốt là phải có việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Chấm dứt tình trạng đào tạo tràn lan như hiện nay. Và thu nhập của giáo viên phải tăng lên như thế mới có thể thu hút được người học”.

Tiến sĩ Trần Hữu Duy-Trưởng phòng quản lý Đào tạo ĐH Đà Lạt

Tiến sĩ Trần Hữu Duy-Trưởng phòng quản lý Đào tạo ĐH Đà Lạt

Thầy giáo Phạm Văn Tuyên (giáo viên THCS THPT Hermann Gmeiner Đà Lạt) cũng đồng tình cho rằng : “Nếu thu học phí mà đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp cho các bạn thì mình đồng ý thôi. Muốn thu hút người tài thì phải tăng lương cho người ta, chứ lương giáo viên hiện giờ cũng bèo bọt lắm”.

Bạn Lê Hoa (sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẽ: “Em rất lo năm sau tốt nghiệp em có xin được việc làm hay không. Nếu đảm bảo cho em có được việc làm thì đóng học phí gấp đôi em cũng chịu. Khóa em được miễn, nhưng nghe bảo khóa sau phải đóng học phí, chỉ sợ các bạn khóa sau này đóng học phí mà ra trường không xin được đi dạy, đi làm việc khác rồi phải tốn tiền học lại, sợ là phải đóng học phí 2 lần”.

Mấu chốt vấn đề là tìm ra giải pháp việc làm và thu nhập cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đây mới chính là nút thắt cần phải gỡ để thu hút số lượng những học sinh khá giỏi chọn ngành sư phạm phát triển tương lai. Tuy nhiên hiện nay chế độ đãi ngộ và bài toán đầu ra đối với sinh viên sư phạm vẫn còn bỏ ngỏ.

Năm 2018, để đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm, thí sinh sẽ phải đảm bảo các điều kiện sau: Đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành năng khiếu như sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên. Đối với trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên.

Riêng các ngành sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục thể chất (hệ cao đẳng), sư phạm thể dục thể thao (hệ trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.

Minh Lệ

Theo NTD

largeer