Cổ phiếu ngành bia có “ăn theo” thời vụ cuối năm?

Thứ hai, 11/11/2019, 09:48 AM

Thói quen uống bia của người Việt giúp các doanh nghiệp sản xuất bia hốt bạc, nhất là vào giai đoạn cuối năm. Liệu cuối năm 2019, cổ phiếu ngành bia có “nổi sóng” nhờ ăn theo mùa vụ lễ Tết?

Có đến 71% thị phần ngành bia đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại có quy mô lớn.

Có đến 71% thị phần ngành bia đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại có quy mô lớn.

70% thị trường trong tay doanh nghiệp ngoại

Lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam luôn tăng qua các năm và tăng nhanh nhất khu vực châu Á trong nhiều năm qua. Do đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất bia cứ tăng đều đều.

Theo nghiên cứu của Euromonitor, vào năm 2010, người dân Việt Nam uống khoảng 2,4 tỷ lít bia. Nhưng đến năm 2018, lượng bia tiêu thụ cả nước đã đạt 4,2 tỷ lít, tăng 75% trong vòng 8 năm. Nếu chỉ tính người trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi), bình quân mỗi người đã uống gần 87 lít bia trong năm vừa qua. Mức tăng trưởng của thị trường trong giai đoạn trên đứng đầu thế giới, gấp đôi nước thứ hai là Ấn Độ và tăng nhanh gấp 16 lần so với Mỹ.

Dù thị trường lớn và nhiều tiềm năng, nhưng hiện nay, thị phần đang nằm trong tay doanh nghiệp ngoại. Hồi cuối năm 2017, doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã bán gần 54% cổ phần cho doanh nghiệp Thái Lan là ThaiBev (thông qua pháp nhân Vietnam Beverage). Doanh nghiệp nội còn đứng vững là Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Nhưng Habeco đang tỏ ra yếu thế với các doanh nghiệp ngoại trong ngành.

Dù thị trường bia liên tục tăng, nhưng lợi nhuận của Habeco lại giảm đều mỗi năm. Trong năm 2018, Habeco chỉ kiếm được 484 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm mạnh so với con số 658 tỷ đồng mà chính Habeco đạt được trong năm 2017. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Habeco đạt 484 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ, giảm 5,4% so với cùng kỳ.

Về thị phần, Habeco là doanh nghiệp nội có quy mô lớn còn sót lại, giữ khoảng 18,4% thị phần tính đến cuối năm 2018. Đi kèm với tình trạng giảm lợi nhuận, Habeco còn đánh mất thị phần vào tay đối thủ ngoại là Heineken. Vào năm 2014, Habeco nắm đến 20% thị phần, còn Heineken sở hữu 19%, nhưng nay đối thủ ngoại đang nắm đến 23% thị phần.

Bởi vậy, hiện nay Habeco chỉ đứng thứ 3 thị trường, sau Sabeco (40,9%) và Heineken (23%). Đứng thứ 4 là Carlsberg Việt Nam, đây cũng là đơn vị đang nắm hơn 17% cổ phần Habeco. Tính chung, có khoảng 71% thị phần ngành bia đang nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại có quy mô lớn.

Trong năm 2018, lượng bia tiêu thụ cả nước đã đạt 4,2 tỷ lít, tăng 5% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng thị trường bia Việt nhanh nhất thế giới, theo Euromonitor.

Trong năm 2018, lượng bia tiêu thụ cả nước đã đạt 4,2 tỷ lít, tăng 5% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng thị trường bia Việt nhanh nhất thế giới, theo Euromonitor.

Cổ phiếu ngành bia có nổi sóng cuối năm?

Nhìn vào yếu tố mùa vụ trong khoảng 3 năm gần đây, doanh thu của Sabeco thường tăng vào hai quý cuối năm, còn tại Habeco thì ngược lại. Do đó, giá cổ phiếu SAB của Sabeco tăng khoảng 10% tính từ đầu năm, cũng thể hiện phần nào kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này. Trong khi đó, giá cổ phiếu BHN của Habeco chỉ loanh quanh vùng giá 78.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, nếu đầu tư theo yếu tố mùa vụ, phải xét thêm các yếu tố kỹ thuật khác, như dòng tiền. Thực tế, có thể do chưa đầu tư nhiều vào marketing nên Habeco thường bị lép vế trước đối thủ trong mùa lễ, Tết cuối năm. Nhưng năm nay, Habeco đang đầu tư mạnh mẽ cho khâu này và đặt mục tiêu doanh thu tăng mạnh vào cuối năm. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Habeco đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho chi phí bán hàng, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ. Vì vậy, cổ phiếu BHN có “nổi sóng” trong những tháng cuối năm hay không còn tùy đánh giá của mỗi nhà đầu tư.

Habeco là doanh nghiệp nội có quy mô lớn còn sót lại. Nhưng đi kèm với tình trạng giảm lợi nhuận, Habeco còn đánh mất thị phần vào tay đối thủ ngoại.

Habeco là doanh nghiệp nội có quy mô lớn còn sót lại. Nhưng đi kèm với tình trạng giảm lợi nhuận, Habeco còn đánh mất thị phần vào tay đối thủ ngoại.

Với góc độ đầu tư dài hạn, hiện tại hai cổ phiếu SAB và BHN đều có những yếu tố tốt để nắm giữ lâu dài. SAB đang có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt những quý gần đây, sau thời gian chững lại từ khi bán cho đối tác Thái Lan từ cuối năm 2017. Ngoài ra, SAB còn nằm trong nhóm những cổ phiếu lớn nhất thị trường (VN30) nên dễ được các quỹ đầu tư nước ngoài chú ý mua vào.

Riêng về BHN, dù tăng trưởng lợi nhuận đang giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn mang về lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ngoài ra, không ít nhà đầu tư vẫn kỳ vọng việc cổ đông Carlsberg (đang nắm 17% Habeco) mua được số cổ phần còn lại (hơn 81%) của Habeco từ Bộ Công thương. “Kỳ vọng này giúp giá cổ phiếu BHN giữ ở mức cao trong thời gian dài. Nhưng thời điểm diễn ra thương vụ, tạo động lực giúp cổ phiếu tăng giá tiếp, là rất khó đoán” - ông Hoàng Thạch Lân nhận xét.

HOÀNG YẾN

Theo NTD

largeer