'Cởi trói' cho xuất khẩu gạo

Thứ sáu, 02/11/2018, 16:03 PM

“Sắp tới, điều hành xuất khẩu gạo mang hướng mở, vì vậy điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn trước. Doanh nghiệp tự đăng ký, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm chứ không can thiệp hộ kinh doanh. Hy vọng ngành này sẽ phát triển bền vững và ổn định hơn” - Đó là nhận định Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đưa ra trong hội nghị phổ biến Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo diễn ra ngày 1/11, tại TP.HCM.

Gạo xuất khẩu.

Gạo xuất khẩu.

Gia tăng xuất khẩu gạo chất lượng

Hội Lương thực Việt Nam cho biết, tính đến ngày 5/10, lượng gạo xuất khẩu đạt 5 triệu tấn với mức tăng trưởng 4% về số lượng và 17,7% về kim ngạch so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hội Lương thực Việt Nam cho hay: “Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu từng bước chuyển dịch tích cực, giảm dần gạo từ chất lượng thấp – trung bình, tăng dần gạo trắng chất lượng cao. Riêng gạo thơm các loại chiếm hơn 34% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam”.

Theo ông Nam, gạo trắng vẫn tiếp tục dẫn dắt nhu cầu nhập khẩu từ Philippines. Gạo thơm ổn định với thị trường châu Phi, Trung Quốc, Iraq. Gạo japonica tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, hứa hẹn trở thành một loại gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ở một số thị trường. Mục tiêu 2 tháng cuối năm 2019, sẽ xuất khẩu được 0,8 triệu tấn. Như vậy, với 5,2 triệu tấn xuất khẩu của 10 tháng thì dự kiến xuất khẩu cả năm 2018 khoảng 6 triệu tấn và kim ngạch ước đạt 3 tỷ USD.

Đánh giá cao những cố gắng của hoạt động xuất khẩu gạo, Bộ Công thương cũng chỉ rõ những ưu điểm của ngành. Theo đó, 8 năm qua thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Đặc biệt, cơ cấu có sự thay đổi, gạo thường chỉ chiếm 20 – 23% sản lượng xuất khẩu, gạo thơm tăng 30%, gạo nếp cũng tăng trưởng mạnh.

“Mặc dù xuất khẩu gạo đạt được những kết quả tích cực, song dựa vào tình hình thực tế cho thấy, cần điều chỉnh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu gạo. Việc điều chỉnh góp phần phát triển ổn định, bền vững của ngành sản xuất, xuất khẩu gạo, nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân, sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Mong muốn xuất khẩu gạo thật sự phát triển mạnh, cạnh tranh tốt, Chính phủ đã tạo điều kiện bằng cách bỏ Nghị định 109 với nhiều quy định ràng buộc, thay vào đó là Nghị định 107.

Thông thoáng điều kiện kinh doanh

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, Nghị định 107 không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay, xát và quy mô mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh. Không bắt buộc phải có dây chuyền xay thóc chỉ quy định kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến, thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm. Bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam, bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký. Bãi bỏ quy định giá sàn gạo xuất khẩu và các quy định yêu cầu tuân thủ giá sàn xuất khẩu trong giao dịch, ký kết hợp đồng.

Với quy định mới, ông Trần Quốc Khánh khẳng định: “Sắp tới, điều hành xuất khẩu gạo mang hướng mở, vì vậy điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn trước. Doanh nghiệp tự đăng ký, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm chứ không can thiệp hộ kinh doanh. Hy vọng ngành này sẽ phát triển bền vững và ổn định hơn”.

Với quy định mới về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp (DN) băn khoăn hai vấn đề. Thứ nhất, DN trăn trở việc đổ vốn đầu tư lớn đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 109 nhưng giờ DN mới tham gia thị trường chỉ cần thuê kho. Thứ hai, Nghị định 107 dường như đưa thị trường quay lại thời điểm trước Nghị định 109.

Trả lời thắc mắc của DN, ông Trần Quốc Khánh khẳng định, kinh doanh gạo không dễ. Ngành này đòi hỏi sự gắn kết vùng nguyên liệu, điều kiện cung ứng, chất lượng hàng hóa để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt. “Những DN làm ăn chộp giật, thiếu chuẩn bị chỉ có thể thành công ở một vài chục tấn nhưng không thể thành công với số lượng lớn hơn. Không đáp ứng đủ điều kiện thị trường sẽ bị đào thải. Đầu tư cho tương lai không thừa nên DN đừng lo ngại là lãng phí” - ông Khánh giải thích. 

Riêng câu hỏi, liệu kinh doanh gạo có bị quay về thời gian thiếu trật tự như trước đây không? Bộ Công thương cho hay, tranh bán tranh mua giữa một vài DN sẽ ảnh hưởng tới cả thị trường. DN làm ăn nghiêm túc chỉ chào một giá để DN vừa được lợi, người tiêu dùng cũng dễ dàng tiếp cận sản phẩm.    

Thanh Giang

Theo daidoanlket.vn

largeer