Con Cưng, Kiều Giang và còn doanh nghiệp nào là ‘‘nạn nhân’’ nữa?

Thứ ba, 11/09/2018, 10:20 AM

Sau Con Cưng, cơm tấm Kiều Giang đã được “giải oan” sau “nghi án” đem chất lạ vào chế biến thức ăn. Nhưng nói đi thì dễ nói lại chẳng mấy người nghe và thiệt hại của cả hai thương hiệu tiếng tăm này khó đong đếm được. Những oan ức như vậy liệu còn lặp lại với những doanh nghiệp (DN) nào nữa?

Mới đây, cơm tấm Kiều Giang - một trong những thương hiệu có tiếng lâu đời ở TP.HCM đã bị tung tin về việc đem chất lạ vào chế biến thức ăn.

Mới đây, cơm tấm Kiều Giang - một trong những thương hiệu có tiếng lâu đời ở TP.HCM đã bị tung tin về việc đem chất lạ vào chế biến thức ăn.

Ông chủ cơm tấm Kiều Giang thừa nhận dù đã được “giải oan” nhưng buôn bán trước được 10 nay chỉ còn 3 phần. Kiều Giang không tức vì sụt doanh thu bằng việc mang tiếng đầu độc khách hàng, những người đã giúp họ cơ ngơi, sản nghiệp như ngày nay. Với nhiều DN, tiền cũng quan trọng nhưng đôi khi chữ tín, nhất là đối với ân nhân - người tiêu dùng còn quan trọng hơn. Tuy nhiên nhiều khi chỉ với những thông tin không chính xác, thổi phồng sự việc nhỏ ban đầu mà tất cả mất sạch. Thay vào đó là nghi kỵ, tẩy chay và có khi không gượng dậy được.

Trước Kiều Giang, Con Cưng, Nguyễn Kim… và hàng loạt DN khác cũng lao đao tương tự. Có DN đứng vững và vượt qua không lâu sau những tháng ngày điều tiếng đầy mình. Nhưng cũng có không ít DN vất vả lắm mới gầy dựng được một phần danh tiếng thuở nào. Lỗi không phải ở họ, tai tiếng cũng chẳng phải họ gây ra nhưng có khi chỉ vì một sơ sót nhỏ, mọi chuyện được thổi bùng thành “đám cháy” lớn rồi thiêu rụi tất cả. Trong thời buổi thông tin lan truyền chóng mặt và luôn được suy diễn theo hướng tiêu cực này, tác hại còn khôn lường hơn chúng ta tưởng.

Sau đó, dù đã được

Sau đó, dù đã được "giải oan" nhưng cơm tấm Kiều Giang vẫn chưa đông khách như trước.

Trách dư luận một thì các cơ quan chức năng có lỗi ba, bốn. Hầu hết những thông tin ban đầu không đúng sự thật và bản chất sự việc đều được phát ra từ cơ quan chức năng có thẩm quyền. Trong vụ Con Cưng là Quản lý Thị trường (QLTT) TP.HCM, sau đó ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục QLTT còn đưa ra 7 điểm mà ông này cho là sai phạm rõ ràng ngay trong cuộc họp rồi được cung cấp cho các cơ quan truyền thông. Suốt thời gian dài, QLTT không hề nói rõ ông Tín đúng hay sai, trách nhiệm hay không với những phát biểu đó. Cho đến nay khi Bộ Công thương thông báo chính thức về vụ Con Cưng và tuyên bố sẽ xử lý sai phạm của QLTT nếu có thì dư luận cũng chưa biết vì sao trước kia ông Tín mạnh miệng lên tiếng như vậy?!

Trong vụ Kiều Giang, khi Ban An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP.HCM đi kiểm tra, chưa hề có một kết luận hay thông báo gì nhưng những hình ảnh, thông tin vô cùng bất lợi cho DN đã được tung lên công luận. Ngay sau đó, ban này cho rằng mình có quyền làm vậy và DN có lỗi không cung cấp ngay giấy tờ đi kèm “nguyên liệu lạ”. Vì sao họ không tính tới đặc thù của DN là chuỗi cửa hàng nên cho họ 1, 2 ngày để chuẩn bị hồ sơ? Vì thông tin được cung cấp ra ảnh hưởng đến sự sống còn của DN, tại sao họ lại vội vàng như vậy vẫn còn là câu hỏi không biết có câu trả lời hay không. Chỉ biết rằng, với sự “vô tình” đó, thương hiệu uy tín và lâu đời rất dễ tiêu tan.

Khởi nghiệp đã khó, trụ lại thị trường càng khó và tạo dựng được thương hiệu, uy tín cực kỳ khó hơn nữa. Đi cùng với những tháng ngày gian nan ấy là tiền của, nỗ lực, mồ hôi nước mắt cùng chất xám của DN. Chưa kể số phận của hàng trăm, hàng ngàn lao động đi kèm và có khi hệ lụy kéo dài cho cả một ngành hàng. Nhưng tất cả có khi lại được định đoạt bằng những sự “vô tình” đáng đặt dấu hỏi như vụ Con Cưng hay Kiều Giang. Một chủ DN lớn từng than thở với người viết: “Tôi không sợ cạnh tranh, không ngán cơ cấu công ty, không ngại chuyện đối phó trăm bề mà chỉ sợ thông tin thất thiệt vì chẳng biết đâu mà đỡ, chỗ nào để gỡ”.

Thiếu tiền DN có thể vay ngân hàng, chưa có sản phẩm mới họ sẽ nghĩ ra, cần lao động họ sẽ tuyển… nhưng khủng hoảng truyền thông là nỗi ám ảnh đáng sợ của nhiều DN. Thảm họa ấy càng trầm trọng hơn khi người tiêu dùng tẩy chay hàng hóa vì thông tin sai lệch, nhất là những gì phát đi từ cơ quan có thẩm quyền, quan chức có quyền uy và phương tiện nhiều ảnh hưởng. Có sự việc, ban đầu tưởng như không đáng gì nhưng cứ “đổ dầu vào lửa” dù cố tình hay vô ý sẽ bùng phát thành đám cháy khó dập, thiêu cháy những gì DN dày công xây dựng hàng chục năm.

Trong bối cảnh DN còn bị làm khó đủ đường, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, làm ăn luôn gặp khó khăn… nếu chưa làm được gì giúp cho họ thì cũng đừng vì động cơ gì đó để đổ lên đầu DN những tai ương uất ức. DN lớn mạnh nền kinh tế mới phát triển và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. Còn ngược lại tất cả đều cùng thua nếu DN cứ hồi hộp không biết gặp nạn lúc nào như Con Cưng, Kiều Giang hay Nguyễn Kim và nhiều công ty đã từng bị. Có khi chỉ vì vô tình, hoặc thiếu hiểu biết mà một thương hiệu hoặc ngành hàng chìm vào khủng hoảng chưa biết ngày phục hồi. Các cơ quan chức năng, dư luận và cả người tiêu dùng cần cẩn trọng với những luồng thông tin hơn, chắc chắn những sự cố như vậy sẽ giảm thiểu và vắng bóng dần.

Thiện Hiếu

Theo NTD

largeer