Công khai bản án trên mạng là xâm phạm đời tư cá nhân?

Thứ tư, 14/11/2018, 15:20 PM

Việc ông Phan Văn Vĩnh - cựu trung tướng công an yêu cầu không công khai bản án trên mạng và được tòa chấp nhận đã gây dư luận trái chiều.

Thạc sĩ - luật sư Huỳnh Công Thư (Đoàn Luật sư tỉnh Long An): Ông Vĩnh vẫn có quyền yêu cầu

Mấy ngày nay vấn đề yêu cầu không công khai bản án của ông Phan Văn Vĩnh, một cựu trung tướng công an gây xôn xao dư luận xã hội. Có người đồng tình không nên công khai bản án theo yêu cầu của ông Vĩnh nhưng cũng có người không đồng tình, thậm chí có luật sư còn khẳng định rằng ông Vĩnh là bị can nên ông không có quyền yêu cầu không công khai. 

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng việc công khai bản án lên cổng thông tin điện tử là việc làm xâm phạm đến đời tư của cá nhân, điều mà Hiến pháp 2013 qui định và bảo vệ. Tại điều 14 Hiến pháp quy định: “(1) Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo hiến pháp và pháp luật.(2) Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. 

Cụ thể hơn nữa, khoản 2 điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định các quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. Quy định về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử không có quy định trong Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chánh hay Bộ Luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định trong Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP TANDTC ngày 16/3/2017. 

Như vậy, quy định công bố thông tin bản án lên cổng thông tin điện tử của tòa án là quy định hạn chế quyền dân sự của công dân, nên nó phải được “Luật” quy định chứ không thể bằng một nghị quyết của ngành tòa án được. 

Mặt khác, một trong những nguyên tắc của việc công bố bản án mà Nghị quyết 03/2017 đề cập là “tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân”. Khi ông Vĩnh bị khởi tố, truy tố ra tòa, theo qui định của BLTTHS, ông Vĩnh phải được xem là chưa có tội theo nguyên tắc suy đoán vô tội và có các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền đồng ý hay không đồng ý cho phép công bố bản án liên quan đến mình trên cổng thông tin điện tử hay không. 

Cũng vì lý do này mà điều 5 của Nghị quyết 03/2017 HĐTP đã quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa khi phổ biến các quyền và nghĩa vụ, phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về việc bản án của họ được công bố trên cổng thông tin điện tử và quyền của họ về việc yêu cầu không công bố. Như vậy, chủ tọa phiên tòa hỏi ông Vĩnh về việc có công khai bản án hay không là thuộc trách nhiệm của chủ tọa theo đúng quy định của Nghị quyết 03/2017 và việc ông Phan Văn Vĩnh không đồng ý cho công bố trên Cổng thông tin điện tử của tòa án là quyền của ông Vĩnh căn cứ vào các quy định viện dẫn trên đây.

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TP HCM): Không công bố nếu rơi vào điều 4 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP

Căn cứ theo khoản 1 điều 5 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án thì "Tòa án, chủ tọa phiên tòa, phiên họp phải giải thích cho những người tham gia tố tụng biết về những bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án và quyền của họ về việc yêu cầu tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh."

Căn cứ theo khoản 1 điều 3 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP quy định "Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị; bản án phúc thẩm; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm giải quyết các vụ án hình sự" thì sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án.

Căn cứ theo điều 4 Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP quy định các bản án, quyết định được liệt kê dưới đây sẽ không công bố trên cổng thông tin điện tử:

1. Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử kín.

2. Bản án, quyết định về vụ việc được tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;

c) Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;

 d) Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;

đ) Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại điều 7 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP.

3. Bản án, quyết định của tòa án chưa có hiệu lực pháp luật".

Như vậy, chủ tọa phiên tòa có nghĩa vụ phải thông báo cho bị cáo biết quyền của họ về việc yêu cầu tòa án không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh.

Trong vụ việc của bị cáo Phan Văn Vĩnh thì việc chủ tọa phiên tòa hỏi là phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên, vụ án của bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ không công bố những nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh trong trường hợp bị cáo yêu cầu và cả bản án này không công bố nếu rơi vào điều 4 của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP

LS Huỳnh Công Thư - LS Hà Hải

Theo NLĐ

largeer