Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục: Tiếng khóc người trong cuộc !

Thứ hai, 10/12/2018, 09:59 AM

Những câu chuyện đau đớn, những giọt nước mắt nấc nghẹn, những phận đời chua xót đã được chính người trong cuộc chia sẻ trong bộ phim tư liệu : “Công lý cho nạn nhân bạo lực tình dục - tiếng nói người trong cuộc” vừa được công chiếu sáng 7/12 tại hội thảo cùng tên với bộ phim.

Trong phim, một cô gái khuyết tật kể lại nỗi kinh hoàng của cô khi người lái xe taxi thay vì chở cô đến nơi cần đến thì lại đưa thẳng cô đến một khu nhà cao tầng đang xây dựng không một bóng người. Dù cô đã ra sức van xin, nhưng kẻ bạo dâm vẫn không buông tha. Cô đã phải dùng hết sức chống cự và may mắn, chiếc điện thoại gọi cho người quen đã khiến tên yêu râu xanh phải dừng hành vi bỉ ổi.

Một cô gái khác kể về việc có mẹ là bác sĩ “rất tốt bụng, hay đi cứu người khác” nhưng lại không có thời gian để gần gũi con gái mình, không biết rằng con mình đã thường bị xâm hại tình dục.

Một phụ nữ kể mình thường bị lạm dụng đến mức quá sợ hãi tìm mọi cách để làm cho mình bị thương, trở nên xấu xí… để người ta không để ý đến mình, không làm hại mình nữa…

Có một điểm chung, đó là những nạn nhân khi chia sẻ câu chuyện đau đớn của mình trong bộ phim đều cho biết, họ không biết và cũng không dám nói với ai về câu chuyện đã xảy ra với mình. Và những kẻ ác đó vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Những câu chuyện đau đớn của các nhân vật trong bộ phim tư liệu, những giọt nước mắt nghẹn ngào của họ… đã khiến cả khán phòng lặng đi với những nỗi xúc động không thể diễn tả bằng lời. Một phụ nữ gần 50 tuổi lần đầu tham dự một hội thảo về vấn đề bạo lực tình dục đã khóc sau khi nghe những câu chuyện đó. Và chị cũng lần đầu tiên dũng cảm đứng lên kể câu chuyện của đời mình.

Nhà chị ở quận Đống Đa. Khi còn rất nhỏ, chị đã bị nhân viên của bố mình có các hành vi xàm xỡ, lạm dụng. “Họ qua lại nhà tôi thường xuyên, và vì tôi là một đứa trẻ nên tôi không thể kháng cự, chỉ biết rất sợ và lẩn trốn, không dám tiếp cận với người lạ.” - chị nói.

Rồi khi chị học cấp 2, chị đã bị một thanh niên lớn tuổi vào trường học cố tình tìm cách hiếp dâm trong nhà vệ sinh. Sau khi vật lộn mà dám kêu, chị đã chạy thoát. “Tôi dù chưa bị mức độ nghiêm trọng nhưng những chuyện đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi đến tận bây giờ. Khi tôi có con gái hay con trai, tôi cũng luôn sợ có chuyện gì đó xảy ra với các con tôi.” - chị nghẹn ngào nói.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc trung tâm CSAGA chia sẻ tại Hội thảo

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc trung tâm CSAGA chia sẻ tại Hội thảo

Chế tài chưa đủ mạnh, dựa nhiều vào mạng xã hội 

Một câu chuyện khác được cán bộ Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng chia sẻ tại hội thảo, đó là trường hợp một cô bé khuyết tật bị hãm hiếp và cuối cùng sinh con ngay trong chuồng bò. Cô bé này là người mà đến bản thân mình cũng không thể tự chăm sóc, tự làm vệ sinh thân thể.

“Khi tôi phỏng vấn, có một câu hỏi khiến tôi luôn bị ám ảnh, đó là người mẹ của nạn nhân hỏi: Khi tôi mất đi thì ai nuôi dưỡng chăm sóc hai mẹ con nó? Ai sẽ làm bà, làm mẹ cho mẹ con nó? Hiện nay, mẹ con cô bé đó đã phải vào ở trong trung tâm bảo trợ xã hội…

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cho biết: 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 168 vụ liên quan đến phụ nữ bị bạo lực, trong đó có bạo lực tình dục.

“Có trường hợp bố xâm hại 2 con gái trong nhiều năm, gia đình và mẹ biết nhưng không tố cáo. Đến khi cô bé này 17 tuổi, một lần cùng bố đi đám cưới trên Thành phố mới trốn được ra ngoài và đi báo với công an phường. Hay trường hợp ông hàng xóm xâm hại 2 cháu bé nhưng bố mẹ cháu giấu, hội phụ nữ phải thuyết  phục mãi mới đứng ra tố giác và ông ta đã bị bắt" - chị Hòa chia sẻ và cho biết thêm, có trường hợp bị chồng bạo hành suốt 10 năm thì trong đó, việc giải quyết kéo dài tới 6 năm, người phụ nữ đó mới li hôn được chồng.

Một thông tin đáng chú ý được Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh cho biết là chính quyền địa phương nhiều nơi không cho phép thông tin vụ việc ra bên ngoài để giữ thành tích nên dư luận không biết và vụ việc không bị xử lý.

“Ví dụ trường hợp cụ ông 83 tuổi xâm hại cháu bé 16 tháng, ban đầu các cán bộ được chỉ đạo không thông tin ra cho báo chí, nhưng chúng tôi đã phải dùng mạng xã hội, bạn bè… đưa thông tin và gây sức ép đến chính quyền, sau đó chính quyền mới họp báo và triệu tập thủ phạm để xử lý.” - chị Hòa nói.

Đặt vấn đề “Ai là người bảo vệ cho người bị xâm hại”, Luật sư Lê Ngọc Luân, người đã từng tham gia nhiều vụ việc bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục nói: “Việt Nam có mấy chục Hội để bảo vệ, nhưng mọi chia sẻ của nạn nhân đều cho thấy họ có cùng thắc mắc đó”. Ông Luân cho rằng, chế tài hiện nay không đủ mạnh để giúp những nạn nhân đó đứng lên.

“Cần có một chế tài đủ mạnh để các nạn nhân có thể dám đứng lên tố cáo nạn nhân. Nhưng luật ở Việt Nam chế tài chưa đủ mạnh. Điều đáng nói, hiện nay, với những vụ án bị xâm hại tình dục thì mạng xã hội mới là nơi người dân đứng lên tố cáo, và điều đó khiến tôi cảm thấy “hơi nhục”.  Tôi là luật sư mà đôi khi cũng đi kêu gào khắp nơi, khắp các Hội nhưng không ăn thua và cuối cùng cũng phải nhờ đến mạng xã hội.” - Luật sư Lê Ngọc Luân chia sẻ.

Phân tích những điểm mới trong Hiến pháp năm 2013 cũng như những quy định trong Bộ Luật Hình sự, đại diện Cục Trợ giúp pháp lý, bà Vũ Thị Hường cho biết: Hiến pháp quy định rất nhiều những quy tắc sử dụng chung, nhưng trong các luật rất khó tìm được từ bạo lực tình dục mà chỉ “lẩn khuất” đâu đó.

Theo bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), việc tồn tại những rào cản về văn hóa, định kiến xã hội và khoảng trống chính sách khiến phụ nữ và trẻ em gái tiếp tục đối diện với các nguy cơ không an toàn. Các hình thức bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục gia tăng và chưa được xem xét giải quyết một cách đầy đủ. Đặc biệt, các hành vi bạo lực tình dục như quấy rối tình dục nơi công cộng, quấy rối tình dục nơi làm việc, bạo lực tình dục giữa các cặp đôi vẫn chưa được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Điều đáng nói, hầu hết nạn nhân bạo lực tình dục thường im lặng chịu đựng. Những người bị xâm hại không thể chia sẻ với ai, ngay cả người trong gia đình. Một trong những nguyên nhân đầu tiên được bà Vân Anh nhấn mạnh, đó là: Khung luật pháp giải quyết bạo lực tình dục còn thiếu và yếu, những nhà hoạch định chính sách và nhà cung cấp dịch vụ chưa đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng của bạo lực tình dục với sức khỏe, tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em gái. Họ thường thiếu sự nhạy cảm và phân biệt đối xử với các nạn nhân của bạo lực tình dục. Do đó, họ không sẵn sàng cung cấp cho các nạn nhân sự trợ giúp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Vân Anh cũng tin tưởng:  “Hôm nay ngồi đây có rất nhiều đại diện của cơ quan Chính phủ, các Bộ ngành, các tổ chức… Điều đó cho thấy vấn đề này đang rất được quan tâm.”

Xuân Hưng

Theo VNMedia

largeer