Công nghiệp ô tô: Vì bảo hộ mà cắt đi “ước mơ” của người dân?

Thứ hai, 11/12/2017, 12:04 PM

Cơ quan quản lý cho rằng, cần có những chính sách để khuyến khích cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển. Một trong những giải pháp đó là tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đã qua sử dụng để hạn chế nhập khẩu chủng loại xe này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại một buổi tọa đàm về chính sách thuế diễn ra tuần qua, anh Giang Nguyễn (Sài Gòn) đặt vấn đề: “Một chiếc xe cùng loại bên nước ngoài "đã" bao nhiêu thì nhìn sang chiếc ráp trong nước chán bấy nhiêu! Tăng thuế xe cũ thì 1 chiếc nhập lướt giá có thể bằng 1 chiếc xe phân khúc B hoặc C trong nước rồi”.

“Như vậy, thật sự quá đắt đỏ! Nhà nước có cần vì bảo hộ trong nước mà cắt mất ước mơ của người tiêu dùng không?”, vị khách mời đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu trong Hiệp định thương mại tự do trong khối ASEAN, từ ngày 1/1/2018, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với xe ô tô nguyên chiếc các loại sẽ giảm xuống 0%.

Theo bà Hằng, việc thực hiện cam kết này dự kiến sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường ô tô Việt Nam và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2017, số lượng nhập khẩu ô tô từ ASEAN đã tăng đột biến, tăng 50,4% về lượng và tăng 82,6% về trị giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biêt, dự báo, sau năm 2018, lượng xe con nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Việt Nam còn tiếp tục tăng do thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt giảm về 0% và thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000CC trở xuống sẽ giảm từ 45% xuống 40% và từ 40% xuống 35%.

“Điều này đã làm cho tâm lý khách hàng chờ mua xe sau ngày 1/1/2018 dẫn đến thị trường tiêu thụ giảm sút nghiêm trọng. Sản lượng bán hàng của các doanh nghiệp cũng giảm theo. Việc sụt giảm sản lượng sản xuất và bán hàng sẽ làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm nghìn lao động trực tiếp trong ngành ô tô, tác động bất lợi đến thu ngân sách địa phương tại các tỉnh có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô”, bà Hằng nói.

Theo đó, bà Hằng cho biết, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành của Chính phủ về ngành công nghiệp ô tô để đánh giá toàn diện những khó khăn, thách thức của ngành do tác động của việc hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong khi đó, Quốc hội cũng có Nghị quyết nêu rõ định hướng cần tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2035; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017 cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035 và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

“Để triển khai được những chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Chính phủ, Quốc hội, cần có những chính sách để khuyến khích cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phát triển. Một trong những giải pháp đó là tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đã qua sử dụng để hạn chế nhập khẩu chủng loại xe này, đồng thời Chính phủ cũng có chính sách khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sản xuất, lắp ráp các xe gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và có giá thành cạnh tranh được với xe nhập khẩu”, bà cho biết.

Đại diện Bộ Tài chính cũng thông tin, nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp ô tô theo định hướng của Chính phủ, tại Nghị định số 125/2017/NĐ-CP đã bổ sung Điều 7a quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế.

Theo đó, đối tượng áp dụng Chương trình ưu đãi thuế là doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định tại Nghị định số 116/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

Điều kiện áp dụng Chương trình ưu đãi thuế gồm: Doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và mức 5 (từ năm 2022 trở đi) và đạt đủ sản lượng quy định tại điểm b.12 khoản 3.2 Mục I Chương 98 của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP theo các tiêu chí về sản lượng và mẫu xe; Linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Theo Lâm An - Bizlive

largeer