Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Dự báo nguồn vốn FDI lớn sắp vào Việt Nam

Thứ năm, 25/10/2018, 09:26 AM

Tại hội thảo Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, ngày 24/10 do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP.HCM (CIIS) tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định sắp tới sẽ có nguồn vốn FDI lớn đổ vào Việt Nam.

Chuyên gia đầu ngành dự báo về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Mỹ Trung. Ảnh: Kim Ngọc

Chuyên gia đầu ngành dự báo về kinh tế Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Mỹ Trung. Ảnh: Kim Ngọc

Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC nhận định, với sự “đấu đá” thương mại giai đoạn quyết liệt như hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc, các doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc đang dần có hướng chuyển dịch đầu tư sang các nền kinh tế khác để “né” ảnh hưởng thuế từ Mỹ. Trong đó, theo nghiên cứu và quan sát, vị tiến sĩ này cho biết, các dòng vốn FDI Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ chuyển hướng sang ASEAN mà đặc biệt Việt Nam và Indonesia sẽ là 2 quốc gia dự báo được đầu tư cao nhất. Đặc biệt, dòng vốn này cũng được nhiều chuyên gia nhận định là sẽ rất lớn và có sự đột biến, khó dự đoán cụ thể về thời gian và giá trị như các dòng đầu tư trước đó.

TS Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo ngày 24/10. Ảnh: Kim Ngọc

TS Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo ngày 24/10. Ảnh: Kim Ngọc

Tuy nhiên, đại diện VIAC cũng cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay dù dự báo nhận được dòng vốn nhưng Việt Nam sẽ thua thiệt Indonesia trong thu hút đầu tư.

“Việt Nam hiện có 2 trở ngại lớn để cạnh tranh với Indonesia trong thu hút đầu tư. Đó là chi phí, kết cấu hạ tầng, logistics của nước ta còn quá cao trong khi việc cải cách thể chế ở Việt Nam dù nhiều nhưng hiệu quả không cao. Thứ 2, chính môi trường kinh doanh không được cải thiện tốt là mối lo ngại lớn cho Việt Nam”, ông Trần Du Lịch lý giải thêm.

Với 3 đợt áp thuế kiểu “trừng phạt” Trung Quốc của Mỹ thời gian qua, cụ thể với 50 tỷ USD trong 2 đợt đầu năm 2018 và 200 tỷ USD vào ngày 24/9 vừa qua, hàng loạt các sản phẩm liên quan không chỉ của Trung Quốc mà các quốc gia khác cũng chịu tác động không nhỏ.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright, với 2 đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ chỉ ảnh hưởng nhiều đến các dòng sản phẩm là thiết bị, linh kiện điện tử và các mặt hàng sản xuất trung gian. Thời điểm này, các FDI tại Trung Quốc và cả Việt Nam cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, gần đây nhất với 200 tỷ USD áp lên hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng chủ lực đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh đầu tư của các FDI tại Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Thành lại cho rằng hiện nay Việt Nam vẫn chưa bị tác động quá lớn thậm chí là được hưởng lợi ở nhiều ngành hàng. Cụ thể, các mặt hàng chủ lực như đồ gỗ nội thất Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ hiện đang chịu mức thuế 10% và dự báo đạt 25% và cuối năm nay, như vậy Trung Quốc cũng sẽ giảm 7 tỷ USD mặt hàng này vào Mỹ. Chính vì thế, lợi thế cho đồ gỗ nội thất Việt Nam tương đương sẽ là tăng xuất khẩu vào Mỹ để lấp khoảng trống này.

Không chỉ gỗ nội thất, ngành thủy sản mà trong đó con tôm Việt Nam cũng được dự báo sẽ thay thế Trung Quốc vào Mỹ thời gian tới.

Một số ngành hưởng lợi, nhiều ngành chủ lực như dệt may, da giày…chưa có dấu hiệu bị tác động tiêu cực, hiện đang là những lý do giúp thị trường Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư trong thời gian tới.

“Hiện nay doanh nghiệp chúng tôi nói riêng và toàn ngành da giày nói chung vẫn đang sản xuất, xuất khẩu bình thường. Mức thuế dệt may vào Mỹ vẫn ở mức từ 7 -10%, giá trị vẫn ổn định”, ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng phòng R&D Tổng Cty Dệt may 28 chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Cần chia sẻ lạc quan của ngành dệt may. Ảnh: Kim Ngọc

Ông Nguyễn Văn Cần chia sẻ lạc quan của ngành dệt may. Ảnh: Kim Ngọc

Như vậy, với việc chưa bị tác động lớn và một số ngành hàng thậm chí còn được hưởng lợi, các chuyên gia đầu ngành dự báo, đây là cơ hội thu hút đầu tư FDI từ chính Trung Quốc sang Việt Nam. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải cải thiện tốt môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, bởi các quốc gia khác trong khối ASEAN không chỉ Indonesia cũng có khả năng cạnh tranh với Việt Nam.

Kim Ngọc - Hoài Viễn

Theo NTD

largeer