Cuộc đua khốc liệt của những thương hiệu trà sữa tại thị trường Việt Nam

Thứ năm, 17/05/2018, 17:00 PM

Chưa bao giờ thị trường trà sữa Việt Nam lại sôi động như lúc này. Những thương hiệu lớn của nước ngoài, những cửa hàng nhượng quyền mọc lên san sát nhau tạo thành những "cung đường trà sữa". Liệu rằng trào lưu này có thoái trào, rơi vào quên lãng như các trào lưu mì cay, mì bay trước đó hay không?

Cú trở mình ngoạn mục

Trà sữa đổ bộ vào thị trường Việt Nam từ những năm 2000 với công thức đơn giản từ trà, sữa và toping cơ bản như trân châu, thạch. Thị trường chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ, tự pha chế với giá thành rẻ. Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, các thương hiệu trà sữa đã tái sinh một cách mạnh mẽ khi đổ bộ với những chiến dịch quy mô, sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của từng bộ phận khách hàng trên thị trường.  

Hiện tại, cả nước có khoảng 30 thương hiệu trà sữa với 1.500 cửa hàng. Trong đó Ding Tea, thương hiệu xuất xứ từ Đài Loan đang là ông trùm về độ phủ sóng với hơn 200 cửa hàng trên toàn quốc, các thương hiệu của Đài Loan khác như Gong Cha, BoBaPop, Share Tea, R&B, ChaChaGo, Maku, Uncle Tea cũng đang phủ sóng rộng rãi. Ngoài ra, các nhãn hiệu trà sữa đến từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản như Hot&Cold, Hoa Hướng Dương, Gong Cha và Tiên Hưởng cũng đang phát triển và có chỗ đứng nhất định. Thậm chí KFC cũng không nằm ngoài cuộc chơi này khi tung ra sản phẩm trà sữa cho riêng mình.

Các cửa hàng trà sữa của các thương hiệu lớn

Các cửa hàng trà sữa của các thương hiệu lớn "chen chúc" nhau trên đường Hồ Tùng Mậu, quận 1

Các thương hiệu lớn chen chân đổ bộ vào các con đường lớn còn làm biến động giá mặt bằng tại các quận trung tâm. Tại TP.HCM, Đường Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, giá đất mặt tiền ở đây đã vượt mức 700 triệu đồng/m2 vào tháng 8/2017. Nằm gần Ngô Đức Kế là các phố trà sữa Huỳnh Thúc Kháng, Hồ Tùng Mậu giá đất mặt tiền dao động 400- 600 triệu đồng mỗi m2. Còn đường Sư Vạn Hạnh quận 10 có giá 303 triệu đồng/m2.

Đường Ngô Đức Kế, quận 1, nơi mỗi m2 đất mặt tiền quán trà sữa có giá lên đến 700 triệu đồng

Đường Ngô Đức Kế, quận 1, nơi mỗi m2 đất mặt tiền quán trà sữa có giá lên đến 700 triệu đồng

Với giá mặt bằng đắt đỏ, nguyên liệu, bao bì và số nhân viên đông đúc. Giá thành của các thương hiệu trà sữa lớn không hề rẻ với mức giá từ 40.000 – 70.000 đồng. Tuy nhiên, mức giá cao cũng không làm giảm độ thu hút của chúng đối với các nữ nhân viên văn phòng và giới sinh viên.

“ Theo mình mức giá đó để mua sự an tâm, cầm ly trà sữa thấy tin tưởng hơn uống những trà sữa không rõ nguồn gốc bên ngoài. Dù sao cũng là những cửa hàng lớn có tên tuổi thì sẽ đảm bảo vệ sinh và chất lượng nghiêm ngặt hơn. ” – chị Thùy Dương, nhân viên văn phòng cho biết.

Giải mã cơn sốt của người bán lẫn khách hàng.

Đầu tiên phải kể đến sự mới lạ. các thương hiệu trà sữa đều chọn cho mình một sản phẩm độc đáo để quảng bá. Koi Thé có sản phẩm trân châu hoàng kim, Gong Cha có bọt sữa, kem sữa còn The Alleys có sữa tươi trân châu đường đen. Các sản phẩm mới kết hợp cùng truyền thông đã tạo nên cơn sốt buộc người trẻ phải đến đăng ký thưởng thức dù phải xếp hàng chờ đợi. 

Sự cải tiến trong cơ sở hạ tầng được quan tâm nhiều hơn khi các tiệm dần khoác lên mình một diện mạo mới, là nơi để giới trẻ lui tới chụp hình sống ảo, check in cùng bạn bè mình. Không gian sang trọng với thiết kế đặc trưng của mỗi thương hiệu phù hợp với mỗi tiêu chí khác nhau của khách hàng. Các thiết bị hiện đại cũng dần thay thế cách thức thủ công khi khách hàng được trải nghiệm sự phục vụ chuyên nghiệp nhất. Cụ thể, khách sẽ được chọn kích cỡ ly trà, loại thạch ăn kèm, phần trăm đường (25-50-75%), lượng đá (25-50-75%). Sau đó, khách sẽ nhận số thứ tự rồi nhìn bảng điện tử nhảy số để tới quầy nhận thức uống vừa đặt. Văn hóa xếp hàng có lẽ là điểm nổi trội của mô hình trà sữa tại Việt Nam cũng như thế giới nói chung.

Ngoài ra, các cửa hàng trà sữa cũng đầu tư nhiều cho hình ảnh và màu sắc bắt mắt như hình ảnh chú hưu của The Alley, ly giấy đơn giản của húc Long, chai trà sữa tặng kèm của The Uncle Tea. Một số cửa hàng còn tạo điểm nhấn với không gian xanh mát. Đây là xu hướng được nhiều người lựa chọn khi đến các hàng quán trong thành phố. Một điểm cộng là với sự phát triển của các phần mềm đặt đồ ăn trực tuyến cũng tăng thêm sự tiện ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt với nhân viên văn phòng, công sở trong giờ làm việc.

Tuy nhiên, một phần lớn tạo trào lưu trà sữa là do “hiệu ứng đám đông”. Khi các nhãn hàng trà sữa khai trương hoặc tung sản phẩm mới đều áp dụng những cách thức quảng cáo thu hút người mua. Việc số đông hưởng ứng khiến cho nhiều khách hàng tò mò và muốn trải nghiệm. Tương tự tại các công ty, văn phòng, việc chọn thức uống giải khát cũng phụ thuộc vào nhu cầu của số đông và các thương hiệu trà sữa lớn thường được ưu tiên lựa chọn.

Phúc Long - thương hiệu trà sữa Việt Nam lớn nhất.

Phúc Long - thương hiệu trà sữa Việt Nam lớn nhất.

Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành F&B (Food and Beverage Service) cho hay, ngành trà sữa được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, tăng trưởng ổn định với tốc độ 5,7%/năm và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2020, để đáp ứng nhu cầu của giới trẻ (15-34 tuổi), đối tượng tiềm năng chiếm tới hơn 30% dân số Việt Nam. Thị phần còn nhiều chỗ trống, khách hàng ngày càng thông minh và “chịu chi” cho sản phẩm giải khát nên cơn sốt trà sữa và cuộc đua của các thương hiệu vẫn ngày một cam go, khốc liệt hơn.

Bạn Hồng Thủy, nhân viên công ty tổ chức sự kiện cho biết “ Trà sữa đã trở thành một nét văn hóa của người Việt, sau vài năm sẽ bão hòa nhưng vẫn có chỗ đứng nhất định chứ không mất đi hoàn toàn như những trào lưu khác được”

Hoài Viễn 

Theo NTD

largeer