Đà Nẵng: Người dân tập trung phản đối dự án Lancaster Nam Ô bít lối xuống biển

Thứ sáu, 23/03/2018, 10:29 AM

Hàng chục người dân ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) tập trung phản đối việc dựng hàng rào chắn lối xuống biển tại khu vực dự án khu du lịch sinh thái của Tập đoàn Trung Thủy.

Chủ đầu tư đặt biển cấm vào dự án với mục đích đảm bảo toàn cho du khách khi đến khu vực này (ảnh M.H)

Chủ đầu tư đặt biển cấm vào dự án với mục đích đảm bảo toàn cho du khách khi đến khu vực này (ảnh M.H)

Ngày 20/3, trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng xuất hiện clip người dân tập trung phản đối việc dựng hàng rào chắn lối xuống biển của dự án này. Clip thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc trên. Khu vực này là dự án Lancaster Nam Ô của Tập đoàn Trung Thủy.

Người dân bức xúc, đây là lối xuống biển lâu nay nhưng dự án này dựng hàng rào chắn bít cả lối ra biển. Một số người dân không giữ được bình tĩnh đã tháo gỡ biển báo cấm và đập phá hàng rào chắn, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng bảo vệ và sự có mặt của công an.

"Mấy chục năm nay người dân chúng tôi ra biển bằng con đường này nhưng giờ họ dựng hàng rào lên như vậy, bít lối ra biển của người dân. Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư và cơ quan chức năng phải giải quyết vấn đề này để đảm bảo quyền lợi cho chúng tôi...", anh Lê Hòa, một người dân ở Nam Ô bức xúc nói.

Theo người dân địa phương, dự án được cấp phép cho chủ đầu tư có bao gồm sở hữu mặt biển hay không? Từ bài học bít lối xuống biển của các dự án dọc đường biển quận Ngũ Hành Sơn, chính quyền cần xem xét lại việc cấp phép đầu tư và diện tích cho dự án này để người dân còn có lối xuống biển. Người dân cũng cho rằng chủ đầu tư dự án Lancaster Nam Ô không có quyền chặn lối ra biển của họ và cũng không được quyền sở hữu mặt biển...

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam: Dự án của Tập đoàn Trung Thủy đã được phê duyệt năm 2011 và đến năm 2017 thì hội đồng giải phóng mặt bằng vận động người dân bàn giao cho đơn vị này thi công.

Người dân không đồng tình với việc bít lối đi xuống biển này mặc dù cách đó không xa có lối khác xuống biển (ảnh M.H)

Người dân không đồng tình với việc bít lối đi xuống biển này mặc dù cách đó không xa có lối khác xuống biển (ảnh M.H)

Cũng theo bà Lệ, thời gian qua có nhiều bạn trẻ và du khách đến khu vực này để chụp ảnh, đốt lửa cắm trại. Khu vực này có những bãi đá bám đầy rong tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và nguy cơ cháy rừng. Thực tế cũng đã có những vụ đuối nước thương tâm xảy ra do du khách không nắm được các khu vực nguy hiểm...

Bà Lệ cũng cho biết, sau khi giải tỏa, bàn giao mặt bằng, Tập đoàn Trung Thủy tiến hành rào chắn khu vực này để đảm bảo an toàn cho người dân, hàng nào nằm trong ranh giới của dự án. Nhưng sáng 20/3, trong lúc Công ty Trung Thủy tiến hành rào chắn để tiến hành thi công thì bị một số người dân ngăn cản vì cho rằng bít lối xuống biển của họ.

Bà Lệ nói: Khu vực này có 5 lối xuống biển. Cách vị trí rào chắn chỉ vài mét, địa phương đã chừa 1 lối ra biển khác cho người dân. Trước khi rào chắn, chính quyền cũng đã tổ chức họp để thông báo với bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố để tuyên truyền, vận động cho bà con rồi. Tuy nhiên, do một số người chưa nắm được thông tin đầy đủ nên đã tập trung phản ứng. 

Hiện phường Hòa Hiệp Nam đã có kế hoạch thời gian tới đây sẽ đến từng tổ dân phố để vận động, phổ biến cho người dân hiểu...", Chủ tịch phường Hòa Hiệp Nam cho hay.

Minh Hằng

Theo NTD

largeer