Đa Phước và “tử huyệt” hành lang xanh

Thứ hai, 23/09/2019, 10:06 AM

Sự chậm trễ trong di dời, giải tỏa để nhanh chóng triển khai dự án hành lang xanh quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có thể biến nơi này thành một Đông Thạnh thứ 2 tại TP.HCM.

Dù đã sớm nhìn ra tác hại của ô nhiễm từ hằng chục năm trước và tiến hành quy hoạch hàng lanh xanh cách ly bãi rác Đa Phước với diện tích 322ha nhưng đến nay vì nhiều lý do TP.HCM vẫn chưa thể triển khai dự án.

Những bãi bùn, nhà máy rác... với mùi hôi thối và nước thải đang đe dọa trực tiếp đời sống người dân, đặc biệt với những người sống trong vùng hành lang xanh cách ly chưa được di dời giải tỏa.

Những bãi bùn, nhà máy rác... với mùi hôi thối và nước thải đang đe dọa trực tiếp đời sống người dân, đặc biệt với những người sống trong vùng hành lang xanh cách ly chưa được di dời giải tỏa.

Nỗi ám ảnh Đông Thạnh...

Năm 2002, tiến hành các khảo sát môi trường và thử nghiệm sinh học quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), các nhà khoa học của Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường Centama kết luận, phạm vi ảnh hưởng mùi hôi của bãi rác này lên đến bán kính 5.000m, kéo dài 12 giờ/ ngày.

Năm 2016, thử nghiệm nguồn nước khu vực bãi rác Đông Thạnh của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng cho thấy những con số giật mình. Cụ thể, 100% không đạt chỉ tiêu pH, Clo dư; 75% không đạt hàm lượng amoni; 100% không đạt hàm lượng nhôm; 50% có hàm lượng nitrat vượt giới hạn cho phép. Trung tâm này đưa ra cảnh báo, các chỉ số không đạt như trên trong nguồn nước sẽ ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Nghiêm trọng hơn, hàm lượng nitrat và amoni cao trong nước có khả năng chuyển hóa thành hợp chất gây ung thư cao.

Bãi rác Đông Thạnh cũng được biết đến với nỗi ám ảnh về các bệnh hô hấp mãn tính, bệnh về da và đặc biệt là “làng ung thư”. Điển hình, gia đình bà Phan Thị Liễu nằm cạnh bãi rác này, có đến 5 người mất vì bệnh ung thư. Đặc biệt, 3 trường hợp mất cách nhau chỉ trong vòng 5 tháng.

Đó là những con số biết nói, những thống kê làm người ta giật mình, bàng hoàng và ám ảnh về thảm cảnh của bãi rác Đông Thạnh - Hóc Môn. Đó cũng là lý do khiến TP.HCM xem xét đóng cửa bãi rác này từ nhiều năm nay và đang triển khai một loạt dự án xanh để giải tỏa áp lực ô nhiễm cho toàn khu vực này.

Nhóm kỹ sư đang khảo sát đo đạc mùi hôi ở khu vực Đa Phước.

Nhóm kỹ sư đang khảo sát đo đạc mùi hôi ở khu vực Đa Phước.

... dịch chuyển sang Đa Phước

Hai năm gần đây, nỗ lực của chính quyền TP.HCM đã giúp người dân quanh khu vực bãi rác Đông Thạnh giảm thiểu được tối đa các tác động từ ô nhiễm môi trường. Đã không còn tiếng ca thán, kêu cứu kéo dài của người dân khu vực này. Tuy nhiên, khi nỗi ám ảnh ô nhiễm và bệnh dịch dần tắt ở Đông Thạnh thì lại bắt đầu bùng phát nhanh chóng ở quanh Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước. Đặc biệt đối với các hộ dân trong vùng quy hoạch hành lang xanh cách ly, những người sinh sống tiệm cận bãi rác.

Thực tế ghi nhận từ nhiều năm qua cho thấy, các bệnh về da và hô hấp đã xuất hiện ở khu vực ấp 1, xã Phong Phú và ấp 3, xã Đa Phước (huyện Bình Chánh). Gần đây nhất, xuất hiện tình trạng trẻ nhỏ bị mẩn ngứa, nổi mụn nước ở tay, chân do sử dụng nước giếng tại nhà...

So với những câu chuyện ám ảnh về “làng ung thư” ở Đông Thạnh thì khu vực Đa Phước vẫn chưa bằng. Tuy nhiên, để nói về một nguy cơ Đông Thạnh thứ hai sắp bùng nổ... là có thể, bởi những gì đang diễn ra đối với gần 800 hộ dân thuộc quy hoạch hành lang xanh Đa Phước mà trong bài viết trước Báo Người Tiêu Dùng đã đề cập rất rõ.

Empty
Empty
Những người đang chịu nhiều thiệt thòi nhất là gần 800 hộ dân trong vùng quy hoạch hành lang xanh hơn 10 năm qua.

Những người đang chịu nhiều thiệt thòi nhất là gần 800 hộ dân trong vùng quy hoạch hành lang xanh hơn 10 năm qua.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cứ (Hội Hóa học Việt Nam), người có nhiều năm nghiên cứu về môi sinh quanh khu vực Đa Phước chỉ rõ, hành lang xanh là tử huyệt của Đa Phước. Nếu còn chần chừ, chính những người dân trong đó sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Phân tích về sự quan trọng của hành lang xanh cách ly bãi rác, ông Cứ nói: “Cây xanh giữ vai trò rất quan trọng trong môi trường, môi sinh. Ngoài hút, thải carbonic (CO2), oxy (O2) trong quá trình quang hợp, cây xanh còn có nhiều lợi ích quan trọng khác. Lá cây có khả năng hấp thụ khí thải độc hại, trong đó bao gồm cả khí độc hại thải ra trong xử lý chất thải, mùi hôi thối. Rễ cây còn có tác dụng xử lý kim loại nặng trong đất, nước. Ví dụ cây tràm, bạch đàn... có thể hút thủy ngân (Hg), chì (Pb), thạch tín (As). Ngoài ra, trong quá trình sinh trưởng, cây xanh còn phát sinh nhiều hợp chất có thể khử được mùi khí thải độc hại”.

Vì những lẽ trên, ông Cứ khẳng định, việc hình thành hành lang xanh quanh bãi rác Đa Phước là hiệu quả nhất trong tất cả các giải pháp bảo vệ môi sinh.

“Sẽ chẳng có giải pháp nào tốt và bền vững hơn trồng cây, cách ly khu xử lý chất thải với môi trường sống, cộng đồng dân cư bên ngoài. Mọi thiết bị, quy trình, công nghệ nhân tạo đều có thể xảy ra lỗ hổng, đều có khe hở, có tác dụng phụ và không thể triệt để. Cây xanh là nhà máy, là thiết bị, là công nghệ hiện đại nhất, hoạt động liên tục, không tiêu tốn lao động, không mất năng lượng, chỉ cần một quyết tâm và quyết định là đủ!” - ông Cứ nhấn mạnh.

Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị,TP.HCM vẫn chưa “nhúc nhích”

Ngày 27/2/2017, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ trồng cây xanh, tạo hành lang phân cách giữa khu dân cư và bãi chôn lấp rác thải. Nghiên cứu áp dụng công nghệ đốt rác phát điện thay thế cho công nghệ chôn lấp để tiết kiệm tài nguyên đất, bảo đảm lâu dài về an toàn môi trường. Đến nay, không biết vì nguyên nhân gì những kiến nghị này vẫn chưa được TP.HCM triển khai thực hiện.

Hành lang xanh sẽ hạn chế phán tán mùi hôi

Người dân khu Nam Sài Gòn phản ánh, mùi hôi thối từ rác, bùn thải và phân hầm cầu của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước phát tán trên diện rất rộng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống hằng ngày. Đồng thời, kiến nghị TP.HCM sớm có giải pháp hạn chế phát tán mùi. Kỹ sư Nguyễn Văn Cứ cho rằng, hành lang xanh là một trong những giải pháp có thể ngay lúc này để đáp ứng kiến nghị của người dân khu Nam. Bởi, hành lang xanh trong quá trình quang hợp, sinh dưỡng sẽ tạo ra một lớp phủ đủ dày để cách ly và phong tỏa mùi hôi, thối phát tán đi xa.

NGUYỄN HẢI SÂM

Theo NTD

largeer