Đại gia địa ốc: Bòn nhặt tiền túi của ông chủ để... vay

Thứ hai, 05/08/2019, 09:45 AM

Là đại gia địa ốc, phát triển loạt dự án trị giá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng Hoàng Anh Gia Lai hay Phát Đạt đã quá quen với cảnh vay tiền túi của ông chủ để có vốn hoạt động. Đặc biệt, Hoàng Anh Gia Lai vay ông Đoàn Nguyên Đức tới 2.500 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Đạt cũng phải chi tiền túi cho Phát Đạt vay.

Ông Nguyễn Văn Đạt cũng phải chi tiền túi cho Phát Đạt vay.

Hoạt động trong ngành bất động sản, lĩnh vực tiêu tốn rất nhiều tiền của chủ đầu tư nên nhiều doanh nghiệp địa ốc được tin là lắm tiền nhiều của. Nhưng thực tế thời gian dài qua cho thấy, các doanh nghiệp lớn trong ngành thường xuyên rơi vào cảnh phải vay tiền túi của ông chủ để có vốn hoạt động. Hoàng Anh Gia Lai, Phát Đạt hay Quốc Cường Gia Lai là những ví dụ điển hình nhất.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mang lại 2 cú sốc lớn cho cổ đông. Thứ nhất, trong kỳ, Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ tới 358 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến thời điểm 30/6/2019 là 715 tỷ đồng.

Thứ 2, thông tin được cổ đông quan tâm không kém chính là Hoàng Anh Gia Lai “mượn tạm” ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT công ty khoảng 2.500 tỷ đồng, trong đó 1.500 tỷ đồng là vay dài hạn, 992 tỷ đồng vay ngắn hạn. Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai còn cầm của bầu Đức 180 tỷ đồng. Số tiền này được xác định là “hợp tác kinh doanh”.

Không chỉ vay bầu Đức, Hoàng Anh Gia Lai còn vay bà Đoàn Thị Nguyên (mẹ bầu Đức) số tiền 20 tỷ đồng, vay các bên liên quan như CTCP Gỗ Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Đầu tư Sài Gòn Mê Kông 7,4 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng.

CTCP Bất động sản Phát Đạt cũng là một trong những doanh nghiệp khá nổi tiếng trong “làng” địa ốc. Thế nhưng, ít ai biết, Phát Đạt cũng phải xài tiền của ông chủ khá nhiều. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 cho thấy trong kỳ, giữa Phát Đạt và ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng Giám đốc công ty có khá nhiều giao dịch về tiền.

Cụ thể, trong kỳ, Phát Đạt đã “vay nóng” ông Đạt 20,3 tỷ đồng. Số tiền này được công ty thanh toán trong kỳ. Tuy nhiên, lại có thêm một giao dịch nữa được phát sinh. Công ty lại “mượn tiền” 2,8 tỷ đồng của ông Đạt và tại thời điểm cuối kỳ, số tiền này chưa được thanh toán.

Ngoài ra, trong quý 2/2019, giữa Phát Đạt và tổng giám đốc của mình có thêm một giao dịch “khủng” nữa. Theo đó, ông Đạt “tạm ứng” 457 tỷ đồng của công ty và nhanh chóng hoàn trả tạm ứng nên cuối kỳ không ghi nhận khoản phải trả nào nữa.

Cũng giống như Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Quốc Cường Gia Lai cũng có “thâm niên” sống bằng tiền của lãnh đạo. Trong quý 2/2019, số tiền Quốc Cường Gia Lai phải trả do “mượn tiền” của dàn lãnh đạo và người có liên quan lên đến gần 450 tỷ đồng.

Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai vay bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty gần 94 tỷ đồng. Trước đó, hằng năm, bà Loan liên tục phải “rót vốn” cho công ty hoạt động với số tiền lớn hơn 94 tỷ đồng rất nhiều.

Ngoài bà Loan, trong kỳ, Quốc Cường Gia Lai còn vay các bên liên quan khác như bà Lại Thị Hoàng Yến, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, bà Nguyễn Ngọc Huyền My và ông Lại Thế Hà những khoản tiền lần lượt 67 tỷ đồng, 9 tỷ đồng, 62 tỷ đồng và 16 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số công ty địa ốc đã chấm dứt được tình trạng phải vay mượn tiền của lãnh đạo công ty và người có liên quan. Hoàng Quân và Ninh Vân Bay là những ví dụ điển hình nhất.

Trước đây, CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân thường xuyên nằm trong danh sách các công ty phải ít nhiều “sống nhờ” vào hầu bao của lãnh đạo. Tuy nhiên, hiện tại, Hoàng Quân không cần vay mượn các bên liên quan nữa mà ngược lại công ty thường có xu hướng cho vay là chủ yếu.

Tương tự, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay cũng không nhờ cậy các bên liên quan. Trong kỳ, Ninh Vân Bay không phát sinh bất cứ khoản vay nào với cán bộ chủ chốt hay người thân của họ.

Nhưng điều đó không có nghĩa Hoàng Quân hay Ninh Vân Bay hoạt động có hiệu quả. Trong quý 2, Hoàng Quân chỉ lãi 10 tỷ đồng, nâng tổng lãi trong 6 tháng đầu năm lên 21 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2019, Ninh Vân Bay cũng chỉ lãi 28 tỷ đồng.

Với kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu HQC và NVT thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá. Đóng cửa tháng 7, HQC và NVT lần lượt dừng ở mức giá 1.390 đồng/cổ phiếu và 8.200 đồng/cổ phiếu.

Bảo Linh

Theo NTD

largeer